Vi phạm nhiều, xử lý ít
6 tháng đầu năm 2014, Hà Nội có 73 vụ sự cố do các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân và một số đơn vị trong khi thi công các công trình như: san nền dự án, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, lắp đặt các loại cáp viễn thông, biển quảng cáo … đã vi phạm khoảng cách an toàn, va quệt vào đường dây trên không hoặc đào đường, đào cống, làm các công trình xây dựng ngầm va chạm vào cáp ngầm.
Mới đây nhất, trong vòng 15 ngày, đơn vị thi công cầu Nhật Tân thuộc Vinaconex đã làm đứt 3 lần cáp ngầm đường dây trung thế 22 kV cấp điện cho 48 trạm biến áp phân phối, trong đó có trạm biến áp biệt thự Tây Hồ - nơi phục vụ ăn nghỉ cho đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 8 khóa XIII.
Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI), tính đến thời điểm này, toàn thành phố vẫn còn gần 1.000 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) theo tiêu chuẩn của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP. Trong khi đó mới chỉ xử lý được trên 100 vụ vi phạm.
Được biết, hiện nay EVNHANOI đang quản lý hệ thống đường dây thiết bị lưới điện từ điện áp 0,4kV đến 110kV, với tổng chiều dài đường dây 110 kV là 698.583 km; tổng chiều dài đường dây trung áp là 7827,46 km và hàng chục nghìn km đường dây hạ thế. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực thực hiện các biện pháp cụ thể, phối kết hợp với nhiều đơn vị liên quan để tuyên truyền sâu rộng, kêu gọi cả xã hội vào cuộc để bảo vệ HLATLĐ nhưng các vụ vi phạm vẫn khó xử lý.
Gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự
“Cá nhân, tổ chức vi phạm bị xử lý có hành vi chống đối người thi hành công vụ, hoặc trì hoãn, trốn tránh thi hành quyết định xử phạt hoặc có những hành vi vi phạm khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự...”. |
Bên cạnh những quy định chi tiết về kỹ thuật nhằm bảo vệ HLATLĐ, Quyết định 76/2014/QĐ-UBND cũng nêu rõ: nhà và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện phải bảo đảm không làm hư hỏng bất kỳ bộ phận nào của trạm điện; không xâm phạm đường ra - vào trạm điện, đường cấp thoát nước của trạm điện, hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm và đường dây dẫn điện trên không; không làm cản trở hệ thống thông gió của trạm điện; không để cho nước thải xâm nhập làm hư hỏng công trình điện.
Theo quyết định, các địa phương, quận, huyện, thị xã phải thành lập Ban chỉ đạo xử lý vi phạm HLATLĐ cao áp; phải có quy chế, kế hoạch hoạt động rõ ràng với mục tiêu hàng năm giảm tối thiểu 30% số vụ vi phạm cũ, không để xuất hiện vi phạm mới.
Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác bảo vệ an toàn hành lang an toàn lưới điện cao áp có thành tích xuất sắc thì được xét khen thưởng theo quy định. Ngược lại, nếu thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái các quy định của nhà nước gây thiệt hại cho người dân, đơn vị, gây mất an toàn lưới điện sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch hoặc buộc thôi việc và phải bồi thường thiệt hại theo quy định. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.