Nhiều người đã rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang" khi tin vào những lời quảng cáo sai sự thật về loại thiết bị này.
Quảng cáo cách kéo giảm chỉ số điện
Mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như quạt, máy lạnh của nhiều hộ dân tăng vọt, dẫn đến tiền điện tăng phi mã và trở thành nỗi lo lạm chi kinh tế gia đình. Đây cũng là thời điểm nhiều cửa hàng kinh doanh các thiết bị tiết kiệm điện "ăn nên làm ra", khi vẫn còn có người tin vào hiệu quả của những thiết bị trôi nổi, không có kiểm chứng khoa học này.
Thực tế, sau khi bị phản ánh liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự vô dụng của các thiết bị tiết kiệm điện, người tiêu dùng rất khó tìm thấy chúng ở những cửa hàng bán thiết bị điện gia dụng thông thường. Đổi lại, mặt hàng này lại đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, nơi ít bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt.
Dạo một vòng quanh các trang thương mại điện tử nổi tiếng, như: Tiki, Lazada, Shopee..., không khó để tìm thấy các thiết bị tiết kiệm điện được rao bán tràn lan. Với mức giá từ 50 ngàn đến vài triệu đồng, tất cả các thiết bị trên đều được quảng cáo có công dụng giúp kéo giảm từ 30 - 50% chỉ số điện tiêu thụ hàng tháng, nguồn gốc hoặc sản xuất theo công nghệ Mỹ, Đức... Thậm chí nhiều thiết bị tiết kiệm điện còn được dán nhãn năng lượng, tương tự loại nhãn do Bộ Công thương ban hành.
Thiết bị này được quảng cáo có thể giúp khách hàng tiết kiệm từ 30 - 50% chỉ số điện.
Anh Đỗ Đình Hai (ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM) đã mua một hộp tiết kiệm điện rao bán trên mạng với giá 520 ngàn đồng, cho biết: "Tôi thấy quảng cáo thiết bị này có thể giảm 45% tiền điện nên mua về dùng thử, hy vọng có thể giảm được phần nào tiền điện mỗi tháng. Thế nhưng tháng vừa rồi, hóa đơn sử dụng điện trong gia đình tôi lại tăng từ 500 ngàn lên hơn 800 ngàn, do phải mở máy lạnh liên tục".
Tương tự, nhiều người khác cho biết, đã hoặc đang tìm mua thiết bị tiết kiệm điện cho gia đình. Theo bà Cúc (65 tuổi, ngụ Q8), bà mua thiết bị tiết kiệm điện ở khu vực chợ Nhật Tảo (Q10) với giá hơn 1 triệu đồng, dù "chưa biết có hiệu quả hay không". Sau khi dùng điện thoại lên mạng tìm kiếm những cách giảm hóa đơn điện, bà thấy có quảng cáo về thiết bị tiết kiệm điện, với nội dung hấp dẫn, cam kết giảm 40% số điện sau 1 tháng sử dụng. Người bán còn quay clip chứng minh hiệu quả của thiết bị này. Tuy nhiên, do không biết cách mua qua mạng nên bà ra chợ Nhật Tảo tìm mua một thiết bị tương tự. Kết quả, thiết bị này chẳng có tác dụng gì.
Lợi bất cập hại
Trước sự nở rộ của hàng loạt thiết bị tiết kiệm điện được gọi với những cái tên mỹ miều, như Electricity Saving Box, Power Factor Saver..., Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ra thông cáo cảnh báo về các thiết bị này và khẳng định: những loại dụng cụ được quảng cáo có thể tiết kiệm điện đều là lừa đảo!
"Về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công-tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất (Cos φ) của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công-tơ làm giảm tới 30 - 50% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo" - Đại diện EVN giải thích.
Hóa đơn tiền điện ít được trưng ra để dụ người mua.
"Có thể nói, đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, lợi dụng tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động của công-tơ điện, làm cho công-tơ điện chạy chậm lại thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự" - Thông cáo của EVN nêu rõ.
Trên một diễn đàn chuyên về công nghệ, nhiều kỹ sư điện đã mổ xẻ các thiết bị tiết kiệm điện, phát hiện bên trong chẳng có gì, ngoài một bảng mạch nhỏ được gắn đèn LED và vài tụ điện trở. Một số thiết bị có giá cao hơn thì có thêm cầu chì để chống cháy, nổ, vỏ ngoài được làm đẹp và chuyên nghiệp hơn. "Theo cấu tạo dòng diện của thiết bị này, nó chỉ có tác dụng làm sáng cái bóng đèn LED bên trong, hoàn toàn không phải là tụ bù điện, cũng không hề có chức năng làm tiết kiệm điện. Thậm chí nếu chúng ta tính cả công suất để làm sáng cái bóng đèn kia thì thiết bị này còn làm tốn điện hơn" - Một kỹ sư cho biết.
Khi chúng tôi vờ hỏi mua thiết bị tiết kiệm tại nhiều cửa hàng bán đồ điện trên địa bàn TP. HCM, các chủ cửa hàng đều lắc đầu ngao ngán. Họ khẳng định không bán mặt hàng này và thừa nhận đó chỉ là thiết bị lừa đảo. "Không hiểu sao nhiều người tìm mua dữ lắm! Nhưng vì công dụng của nó không như quảng cáo, thậm chí không có tác dụng gì cả, nên từ lâu tôi đã ngừng kinh doanh thứ này" - Chủ một cửa hàng điện ở Q8 cho biết. Anh kể: Hai năm trước, theo lời chào mời của một đại lý, anh nhập cả trăm thiết bị này về, để rồi sau đó phải vứt bỏ vì không muốn lừa dối người mua, còn đại lý thì từ chối nhận lại hàng.
Cô D. (chủ một cửa hàng điện gia dụng trên đường Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh) chia sẻ: "Trước đây, cô cũng thử bán thiết bị tiết kiệm điện này. Được một thời gian, mình tự dùng cho gia đình, nhưng không thấy hiệu quả. Sau đó, cô bị nhiều khách phản ánh là mất mấy trăm ngàn mà không tiết kiệm được ký điện nào. Thấy mất uy tín quá nên cô không bán nữa".
Nhiều shop online quảng cáo thiết bị giúp tiết kiệm điện.
Chủ một cửa hàng điện gia dụng khác trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh) cho biết: "Là người trong nghề, tôi khuyên khách hàng khi đến hỏi mua thiết bị tiết kiệm điện là không nên tin những lời quảng cáo lừa đảo trên mạng, vì không có thiết bị nào "thần thánh" như vậy đâu! Nếu muốn tiết kiệm thì tự thân mình phải dùng điện tiết kiệm thôi!".
Trong quá trình sử dụng, anh Đỗ Đình Hai bất ngờ gọi điện cho phóng viên để thông báo thiết bị tiết kiệm điện mình mua về, sau 3 ngày sử dụng liên tục đã... phát nổ, làm "nhảy" cầu dao. Anh kể: "Sau khi mua về, mình cắm luôn vào ổ điện ngay phía sau cầu dao tổng. Chừng nửa ngày, kiểm tra thì thấy nó hơi nóng. Sang đến ngày thứ 3 thì phía ổ cắm bất ngờ bốc khói đen, phát tiếng nổ nghe "lụp bụp", rồi cầu dao bị "nhảy", khiến cả nhà mất điện toàn bộ".
Giáo sư Trần Văn Tín (người sáng chế tụ bù tiết kiệm điện ICEVN và đèn LED siêu tiết kiệm điện năng) khẳng định: Các thiết bị bán trên thị trường không phải là tụ bù điện như lời quảng cáo. Thực tế, tụ bù tiết kiệm điện cũng không có khả năng giảm hóa đơn tiền điện đến 30 - 50% như vậy. Nó chỉ có tác dụng giảm phần điện năng hao phí do đường dây và phụ tải, góp phần ổn định dòng điện, chứ không giảm công suất tiêu thụ (chỉ số điện trên đồng hồ) như nhiều người lầm tưởng.
|