Quản lý năng lượng

Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng kéo dài cơ chế giá điện gió cố định đến hết năm 2023

Chủ nhật, 12/4/2020 | 17:53 GMT+7
Bộ Công Thương vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, kéo dài cơ chế giá điện gió cố định đến hết ngày 31/12/2023.
 

Ảnh minh họa.
 
Theo Bộ Công Thương, để thúc đẩy phát triển điện gió, ngày 10/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
 
Theo Quyết định 39, giá điện gió được điều chỉnh tăng lên. Cụ thể, đối với điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.927 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscent/kWh (chưa bao gồm VAT); với điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscent/kWh (chưa bao gồm VAT).
 
Mức giá này được áp dụng cho các dự án điện gió có một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
 
Quyết định 39 đã tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam phát triển. Hàng trăm dự án đã được đề xuất bổ sung quy hoạch; nhiều dự án đang được thi công xây dựng. Tuy nhiên, tính đến nay, mới có 11 dự án được đưa vào vận hành, với tổng công suất 377 MW.
 
Nguyên nhân, ngay sau thời điểm Quyết định 39 có hiệu lực thi hành (1/11/2018), hoạt động đăng ký đầu tư và bổ sung quy hoạch đối với các dự án nguồn điện gió mới và các dự án lưới điện truyền tải giải tỏa công suất bị ngừng trệ trong hơn một năm, do chưa có hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch (hiệu lực từ ngày 1/1/2019). Hiện vẫn còn 45.000 MW điện gió (250 dự án) do các tỉnh đề xuất chưa được thẩm định, bổ sung quy hoạch.
 
Cùng với đó, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp turbine, kéo dài thời gian thi công, lắp đặt và làm chậm tiến độ của các dự án điện gió; hoạt động sản xuất, cung cấp thiết bị chính, linh phụ kiện của các dự án bị thiếu hụt, đình trệ; việc nhập cảnh của công nhân kỹ thuật và chuyên gia nước ngoài bị gián đoạn...
 
Ngoài ra, các dự án điện gió trong quy hoạch tại các tỉnh Tây Nam Bộ hầu hết là các dự án trên biển, gần bờ với công suất 1.600 MW, sử dụng công nghệ và kỹ thuật, thi công khác so với turbine lắp đặt trên bờ, nên yêu cầu thời gian chuẩn bị dự án, thi công dài hơn (các dự án điện gió trên bờ thi công khoảng 2 năm; còn trên biển khoảng 3-3,5 năm). Đó là chưa kể, các quy định về xác định khu vực biển, cấp giấy phép sử dụng khu vực biển khá phức tạp nên kéo dài thời gian và gia tăng chi phí với các dự án này...
 
Theo Bộ Công Thương, từ nay đến hết tháng 10/2021 (thời điểm các dự án điện gió đi vào vận hành thương mại được áp dụng cơ chế giá mua điện cố định theo Quyết định 39) chỉ còn khoảng 18 tháng, không đủ để nhà đầu tư chuẩn bị và triển khai xây dựng dự án; nhất là các dự án điện gió trên biển và các dự án chưa được phê duyệt bổ sung quy hoạch...
 
Chính vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư phát triển điện gió, góp phần đảm bảo cung ứng điện giai đoạn đến năm 2025, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện ổn định cho các dự án điện gió tại Quyết định 39 tới hết ngày 31/12/2023. Sau năm 2023, các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu,đấu giá cạnh tranh.
Lê Linh