Cụ thể, thực hiện 6.528,93 tỷ đồng, tăng 9,09% và giải ngân 6.457,56 tỷ đồng, tăng 7,90%.
Hiện CPMB đã trình Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) xin vốn và đã có hồ sơ chờ hoàn thiện thủ tục là 556,97 tỷ đồng. Nếu tính cả giá trị đã giải ngân, đã trình xin vốn và có hồ sơ là 6.480,65 tỷ đồng, tang 8,29% kế hoạch giao và tăng 0,36% kế hoạch xin điều chỉnh.
Có được kết quả này, theo CPMB, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương về bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) đối với các dự án lưới điện trọng điểm, cấp bách và đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ các đơn vị tham gia ngay từ những ngày đầu triển khai dự án. Trong từng thời điểm nhất định có vướng mắc kịp thời tháo gỡ để hỗ trợ, đồng thời có công điện với các địa phương để giải quyết các điểm nóng. Ban Chỉ đạo công trình trọng điểm cấp bách thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra và tháo gỡ các vướng mắc, ứng vốn kịp thời khi chưa ký được hợp đồng vay vốn, cùng với Ban A để làm việc cụ thể với các địa phương giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi công.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)/EVNNPT trực tiếp chỉ đạo xuyên suốt quá trình triển khai dự án, trong một số trường hợp cụ thể trực tiếp tham gia để điều hành, từ công tác điều phối cung cấp vật tư thiết bị, các thủ tục thu xếp vốn đến điều hành trên công trường và huy động các lực lượng nội bộ trong EVNNPT. Giám đốc Ban A phải trực tiếp điều hành thường xuyên tại công trường trong giai đoạn nước rút, để huy động tối đa và điều phối nguồn lực các đơn vị tham gia công trường do Lãnh đạo cao nhất chỉ huy thực hiện.
Về chế độ, chính sách trong BTGPMB phải tính đúng, tính đủ theo đúng các qui định của Chính phủ và địa phương; Thủ tục kê kiểm, áp giá.... phải làm đúng trình tự qui định ngay từ đầu, trong những trường hợp cụ thể cần hỗ trợ lực lượng thi công hoặc cưỡng chế thì đã có đủ hồ sơ, rút ngắn được thời gian. Đặc biệt, phải bám sát chính quyền địa phương các cấp để cùng phối hợp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đề xuất các biện pháp giải quyết, cần tiếp cận cùng chính quyền từ cấp huyện/xã để tuyên truyền, vận động, giải thích... cho người dân và tổ chức bị ảnh hưởng.
CPMB cho biết, hiệu quả mang lại từ việc tổ chức tốt hoạt động của các Ban tiền phương cũng rất lớn. Đối với giai đoạn nước rút, các Ban tiền Phương yêu cầu các đơn vị thi công lập tiến độ thi công chi tiết các hạng mục công việc theo ngày; trong đó có cả bố trí nhân lực, dụng cụ, thiết bị thi công… trên cơ sở đó, Ban tiền phương điều độ hằng ngày (thường vào ban đêm) với các đơn vị thi công để kiểm điểm tiến độ, đề xuất thống nhất các giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong ngày hôm sau liên quan đến BTGPMB, công tác cung cấp và xử lý tồn tại về vật tư thiết bị, công tác thi công, nhân sự, dụng cụ thi công…. Đối với các vướng mắc ngoài tầm xử lý, Ban kịp thời báo cáo với lãnh đạo cấp trên để có chỉ đạo giải quyết kịp thời, đảm bảo tiến độ được kiểm soát chặt chẽ.
Về sự phối hợp của các đơn vị tham gia dự án, theo đánh giá của CPMB, các đơn vị thi công xây lắp trên tuyến, năng lực và kinh nghiệm thi công có sự chênh lệch. Tuy nhiên cần có sự phối hợp vì mục tiêu chung để công trình về đích cùng một thời điểm, nhất là sự hỗ trợ qua lại giữa các đơn vị xây lắp, của các Công ty truyền tải điện cho các đơn vị chậm và sự phối hợp nghiệm thu trên toàn tuyến, sau khi đơn vị thi công xong thì việc nghiệm thu cũng được hoàn tất.
Đối với phong trào thi đua liên kết, CPMB cho rằng, cần chọn thời điểm để phát động thi đua nhằm phấn đấu hoàn thành các khối lượng còn lại. Theo đó, Ban A cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động trước và sau đợt phát động thi đua, tổ chức họp dân để tuyên truyền về chế độ chính sách, mục đích ý nghĩa dự án và yêu cầu của Nghị định Chính phủ. Sau khi đã đủ các điều kiện theo quy định, tổ chức vận động tuyên truyền đến các đội của các đơn vị thi công để hiểu về mục đích dự án. Mục đích là để nhân dân hiểu và ủng hộ dự án, công nhân các đơn vị thi công cũng hiểu và biết được tầm quan trọng khi đưa được dự án vào sớm. Đây là thành công trong công tác tuyên truyền vận động thông qua đợt phát động thi đua liên kết.
Mặt khác, việc tổ chức lập, theo dõi và đôn đốc tiến độ tổng thể các dự án, qua đó đã phát hiện sớm các dự án có nguy cơ chậm tiến độ theo kế hoạch được giao và tham mưu cho Lãnh đạo Ban để có những biện pháp kịp thời đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm cấp bách và các dự án đồng bộ nguồn.
Về công tác thỏa thuận tuyến, theo CPMB, cần lựa chọn tuyến đường dây và mặt bằng trạm tối ưu nhất. Ngay từ đầu Ban A cùng với Tư vấn làm việc với địa phương để lựa chọn các phương án phù hợp với quy hoạch, trên cơ sở đó chọn phương án tối ưu để xem xét, lựa chọn. Sau khi phương án tuyến được lựa chọn, cho triển khai ngay công tác hiện trường để quay phim, chụp hình… và có biên bản xác nhận với địa phương, các hộ dân (nếu đủ điều kiện). Cùng với đó, tăng cường kiểm soát để nâng cao chất lượng khảo sát địa hình, địa chất.
Công tác lập dự toán cũng cần đặc biệt quan tâm để chuẩn xác ngay từ đầu, tránh trường hợp một số gói thầu phải tổ chức lập lại dự toán, đấu thầu lại nhiều lần mới lựa chọn được nhà thầu. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng việc khảo sát, lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT), thiết kế kỹ thuật (TKKT); trong đó triển khai rộng rãi công nghệ khảo sát GIS 3D, tăng cường giải pháp đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp để giảm thiểu diện tích chiếm đất, đặc biệt chú trọng giải pháp chống sét cho đường dây truyền tải điện, nâng cao chất lượng công tác lập dự toán.
Trên thực tế, việc đấu thầu, xét thầu đã tuân thủ chặt chẽ các nội dung quy định trong Luật Đấu thầu của Chính phủ và các quy định của ngành, từ đó lựa chọn được các Nhà thầu xây lắp và cung cấp vật tư thiết bị có năng lực với giá cả hợp lý, tính cạnh tranh cao. CPMB đã chủ động nâng cao chất lượng hồ sơ mời thầu, đưa ra lịch trình và nội dung cho từng giai đoạn cụ thể, từ đó có đề xuất các giải pháp để đảm bảo chất lượng và tiến độ các dự án.
Đặc biệt để đẩy nhanh việc bàn giao và quyết toán các công trình hoàn thành, CPMB đã tập trung nhân lực hợp lý, đồng thời rút kinh nghiệm những tồn tại qua các năm để khắc phục. Chủ động đôn đốc các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị, xây lắp nghiệm thu khối lượng và lên phiếu giá thanh toán các công trình ngay từ đầu năm. Tập hợp hồ sơ quyết toán ngay trong quá trình xây dựng dự án không để đến khi hoàn thành toàn bộ công trình mới tập hợp; Thực hiện quyết toán theo nhiều giai đoạn nếu đủ điều kiện. Tuyệt đối không thanh toán cho nhà thầu khoản tiền của phần giữ lại chờ quyết toán để gắn trách nhiệm của nhà thầu trong quá trình thực hiện quyết toán công trình hoàn thành….