Tư vấn sử dụng điện

Các biện pháp phòng tránh tai nạn điện trong dân

Thứ ba, 11/8/2015 | 14:01 GMT+7
Theo số liệu thống kê của Công ty Điện lực Long An, từ năm 2013 đến nay trong toàn tỉnh Long An đã xảy ra 13 trường hợp tai nạn điện trong dân làm 14 người chết. Nguyên nhân chủ yếu do người dân kéo dây sau điện kế sử dụng dây có mối nối hoặc dây dẫn bị tróc võ, môtơ bị rò điện, không cúp cầu dao khi sửa điện. 
 
Mới đây, tại khu vực ấp Chánh, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức (Long An) xảy ra tai nạn điện tại Công ty TNHH Kim Nghĩa làm 01 người chết. Nguyên nhân do trong lúc di chuyển máy xay bã mía, nạn nhân bất cẩn để dây điện bị hở vỏ, rò điện chạm vào chân máy dẫn đến tai nạn. Một trường hợp khác ở huyện Cần Đước, nhóm người gồm ông Lê Văn Ù, Võ Văn Lành, Nguyễn Văn Chung, Hồ Tấn Vĩnh, Nguyễn Văn Thế dùng dây kẽm để chằng nhà cho bà Nguyễn Thị Lá. Trong lúc thực hiện bất cẩn đã để dây kẽm chạm vào cây đinh đang có điện (do dây điện sau điện kế bị tróc vỏ quấn trực tiếp vào cây đinh) dẫn đến bị điện hạ áp giật gây ra cái chết cùa 2 người và làm 1 người bị ngất xỉu. 
 
Tại khu dân cư phường 5, TP Tân An, do nhà bị mất điện nên ông Nguyễn Văn Tuấn đấu nối đường dây điện vào cầu dao tổng phía sau điện kế, trong quá trình thực hiện do quên cúp cầu dao tổng nên khi nguồn điện bất ngờ có lại làm ông bị điện giật tử vong.
 
Tại ấp 1, xã Phước Đông, huyện Cần Đước, ông Nguyễn Văn Dũng kéo dây điện sau điện kế từ nhà băng qua đường dẫn ra ruộng để gắn vào mô tơ bơm nước. Ông Nguyễn Thanh Tú chạy xe môtô ngang qua đã bị sợi dây điện hạ áp bị tróc vỏ  vướng vào xe làm ông Tú bị điện giật gây tử vong.
 
Và một nạn nhân khác trong lúc thực hiện lắp đặt bóng đèn thắp sáng thanh long, đã chạm vào mối nối hở của đường dây hạ thế, bị điện giật dẫn đến tử vong.
 
Từ các tai nạn trên cho thấy một số bộ phận người dân chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm trong quá trình sử dụng điện. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, người dân nên biết các biện pháp phòng tránh tai nạn điện như sau:
 
-  Không tự ý leo lên cột điện hoặc vượt qua hàng rào trạm điện, chạm người vào dây chằng cột, dây nối đất, thùng điện kế, thùng cầu dao… để đề phòng điện giật do rò điện khi trời mưa, giông, bão;
 
-  Không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền, bè.v.v.. trong vùng ngập, lụt có đường dây điện sát với mặt nước để tránh bị phóng điện gây tai nạn. Cấm buộc gia súc và thuyền bè vào cột điện để đề phòng cột bị gãy đổ và bị điện giật;
 
-  Khi mạng điện của gia đình có nguy cơ bị ngập nước do lũ lụt phải cắt ngay cầu dao đầu nguồn điện vào nhà để đề phòng tai nạn điện và thông báo ngay với Điện lực địa phương biết để kịp thời xử lý nhằm đảm bảo an toàn;
 
-  Không mang vác, lắp dựng cây, cột bằng kim loại, cột ăng ten tivi, cây tre gỗ tươi gần đường dây đang dẫn điện để tránh va chạm gây nên nên phóng điện dẫn đến tai nạn;
 
- Không dùng điện để rà cá, bẫy chuột, chống trộm cắp … gây nguy hiểm đến tính mạng con người;
 
- Không dùng các loại cây tre, trúc, tầm vông hoặc gỗ có đường kính ngọn cột nhỏ hơn 80mm làm cột điện hạ áp;
 
-  Không kéo các dây điện lên cây xanh; 
 
-  Phải nối đất các bộ phận bằng kim loại của các máy móc, các thiết bị điện (vỏ động cơ, máy giặt, nồi cơm điện,…) để tránh trường hợp thiết bị rò điện. Sau aptômát, cầu dao tổng nên lắp đặt thiết bị chống dòng rò (chống giật);
 
- Không chặt cây gần đường dây điện, có thể bị phóng điện gây nguy hiểm đến tính mạng. Cần liên hệ phối hợp với Điện lực gần nhất để được hướng dẫn khi chặt cây;
 
- Không tự ý sửa chữa điện của gia đình nếu không có kiến thức về điện, mà phải nhờ hoặc báo cho người có chuyên môn về điện đến sửa chữa;
 
- Khi thấy trụ điện ngã đổ hoặc dây điện đứt, rơi xuống thì không được đến gần, cầm, nắm vào dây điện và ngăn ngừa không cho người khác (kể cả súc vật) đến gần. Đồng thời nhanh chóng tìm cách báo ngay cho Điện lực hoặc chính quyền địa phương gần nhất biết để có biện pháp xử lý;
 
- Khi có người bị điện giật thì hô to gọi mọi người đến cứu giúp. Cần khẩn trương tách nạn nhận ra khỏi nguồn điện và nhanh chóng cứu chữa người bị nạn đồng thời gọi báo điện thoại cấp cứu 115.
 
Các hành vi trên nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ  ban hành Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 
Trần Quốc Tuấn