Quang cảnh Hội nghị.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, các chủ đề chính của hội nghị Naples bao gồm chống biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sinh thái, làm cho các dòng tài chính phù hợp với mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, những cơ hội để phục hồi bền vững và bao trùm nhờ các giải pháp công nghệ sáng tạo của ngành năng lượng và xây dựng các thành phố thông minh, có sức chống đỡ và bền vững.
Hội nghị của các bộ trưởng môi trường G20, diễn ra trong ngày 22/7, được chia thành hai phiên, gồm những cách bảo vệ và quản lý các nguồn vốn thiên nhiên, trong khi cố gắng tìm ra cách thức hợp tác với các quốc gia hàng đầu khác trong nỗ lực chung để sử dụng bền vững và khép kín các nguồn tài nguyên, như các chính sách bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách mở rộng các khu bảo tồn để phục hồi các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Cuộc họp của các bộ trưởng khí hậu và năng lượng ngày 23/7 sẽ có 4 phiên họp: Các thành phố và hành động vì khí hậu; Phục hồi bền vững và chuyển đổi năng lượng sạch; Dòng tài chính phù hợp với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; An ninh năng lượng và tình trạng “đói năng lượng”.
Trên cương vị nước Chủ tịch G20 năm 2021, Italy nhận thức được nhiệm vụ của mình và đã đưa ra các đề xuất toàn cầu quan trọng để thúc đẩy cộng đồng quốc tế hướng tới các mục tiêu đầy tham vọng như dung hòa việc bảo vệ môi trường với tiến bộ và phúc lợi của con người, đưa quá trình chuyển đổi sinh thái vào trung tâm của chương trình nghị sự chính trị, đồng thời thúc đẩy cách xử lý toàn cầu, dựa trên khoa học, có phối hợp đối với các đại dịch. Quá trình chuyển đổi sinh thái không thể bị trì hoãn thêm nữa và phải bền vững về mặt xã hội. Một con đường mới bắt đầu từ Naples và G20 sẽ ngày càng đi đầu trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.
Hội nghị cấp bộ trưởng môi trường, khí hậu và năng lượng tại Naples là diễn đàn trực tiếp đầu tiên kể từ hội nghị tại Nhật Bản vào tháng 6/2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát khắp thế giới.
Tuy nhiên, hội nghị năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử G20 có sự góp mặt của lĩnh vực khí hậu, thể hiện cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài bộ trưởng các nước G20, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, trong đó có Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, cũng tham dự hội nghị này.
Năm 2021 là một năm quan trọng đối với quá trình chuyển đổi sinh thái và khí hậu, với một số sự kiện toàn cầu sẽ diễn ra trong những tháng tới: Hội nghị các bên (COP) của ba Công ước Rio về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và sa mạc hóa (UNFCCC COP26, CBD COP15 và UNCCD COP15), khởi động Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh về các hệ thống lương thực của LHQ và Hội nghị về đại dương của LHQ.