Vestas Wind Systems, nhà sản xuất và lắp đặt tuốc-bin điện gió của Đan Mạch, đang mở rộng sự hiện diện tại Hàn Quốc. Ảnh: Mmbiztoday.
Do không thể tiếp cận thị trường Trung Quốc, các công ty điện gió châu Âu đang tập trung vào các nơi khác ở châu Á. Các công ty này bao gồm Vestas Wind Systems, nhà sản xuất và lắp đặt tuốc-bin điện gió của Đan Mạch; GE Renewable Energy, nhà sản xuất tuốc-bin của Pháp, và Công ty điện lực đa quốc gia Ørsted (Đan Mạch), nhà phát triển điện gió xa bờ lớn nhất thế giới.
Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản đều đã cam kết tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu sản lượng điện quốc gia như là một phần của mục tiêu trung hòa carbon. Trong khi đó, các gã khổng lồ sản xuất hàng điện tử bao gồm TSMC của Đài Loan, SK Group và Samsung Electronics của Hàn Quốc cũng cam kết sử dụng 100% điện tái tạo trong các hoạt động của họ trên toàn thế giới vào năm 2050 .
Jesper Krarup Holst, đối tác tại Công ty phát triển dự án điện gió xa bờ Copenhagen Offshore Partners (Đan Mạch) và là giám đốc văn phòng của công ty này tại Seoul, Hàn Quốc, cho biết các công ty châu Âu bị thu hút bởi sự thay đổi cơ bản về nhu cầu năng lượng tái tạo ở châu Á trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ của Mỹ yêu cầu các nhà cung cấp ở khu vực này phải đáp ứng các mục tiêu về năng lượng tái tạo.
Holst nói: “Cuộc cạnh tranh đang nóng lên. Giờ đây, chúng tôi đang chứng kiến nhu cầu năng lượng tái tạo trong khu vực tăng lên không chỉ từ các công ty lớn mà còn từ người tiêu dùng và chính phủ khi cuộc chiến ở Ukraine tạo ra một lực đẩy rất lớn cho vấn đề an ninh năng lượng”.
Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (Irena), trong năm 2019, có 5 GW công suất điện gió ngoài khơi được lắp đặt trên toàn châu Á so với 19 GW ở châu Âu. Nhưng châu Á dự kiến sẽ vượt xa châu Âu vào cuối thập kỷ này và sẽ chiếm 60% công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu vào năm 2050.
Knud Bjarne Hansen, đồng Giám đốc điều hành CS Wind, nhà sản xuất tháp điện gió của Hàn Quốc, nhận định Trung Quốc sẽ mất 5-10 năm để bắt kịp với công nghệ tuốc-bin điện gió của châu Âu, vì vậy các công ty châu Âu cần phải nhanh chóng thiết lập chỗ đứng ở thị trường châu Á trước khi điều đó xảy ra .
Hàn Quốc đặt mục tiêu tăng công suất điện gió xa bờ lên 12 GW vào năm 2030, tăng mạnh so với mức công suất 142,1 MW hiện nay. Hầu hết công suất điện gió xa bờ của Hàn Quốc hiện tại đến từ các chương trình thí điểm của chính phủ. Tuy nhiên, quy trình cấp phép cho các dự án điện gió xa bờ ở Hàn Quốc rất rườm rà. Các nhà phát triển điện gió xa bờ cần phải có 29 giấy phép từ chín bộ khác nhau trong một quá trình kéo dài trung bình bảy năm. Eunbyeol Jo, nhà nghiên cứu của Solutions For Our Climate, một tổ chức phi lợi nhuận vận động bảo vệ khí hậu ở Seoul, nói: “Quy trình cấp phép cần được sắp xếp hợp lý”.
Một lãnh đạo trong ngành công nghiệp điện gió Hàn Quốc cho rằng quy trình cấp phép đã trao quá nhiều quyền lực cho các chính trị gia địa phương, những người thường chỉ cấp giấy phép để đổi cam kết tạo việc làm tại địa phương cũng như sử dụng các linh kiện được sản xuất trong nước. Điều đó đã dẫn đến sự thiếu hiệu quả, đẩy chi phí năng lượng tái tạo lên cao, làm kìm hãm nhu cầu.
Một cách để các nhà sản xuất tuốc-bin nước ngoài vượt qua các rào cản này là thành lập quan hệ đối tác và liên doanh với các công ty Hàn Quốc. Công ty Vestas Wind Systems, nhà sản xuất và lắp đặt tuốc-bin điện gió của Đan Mạch đã thành lập liên doanh với CSWind.
Hồi tháng 3, Vestas đã ký biên bản ghi nhớ với chính quyền thành phố Ulsan, Cơ quan quản lý cảng Ulsan và Công ty Sejin Heavy Industries & Construction để hợp tác về kế hoạch phát triển khu phức hợp điện gió xa bờ 9 GW ngoài khơi Ulsan vào năm 2030. Tháng 9 vừa qua, Vestas đã giới thiệu tháp điện gió cao nhất thế giới, 199 mét.
Trong khi đó, GE Renewable Energy, nhà sản xuất tuốc-bin của Pháp đã ký một biên bản ghi nhớ, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Hyundai Electric hồi tháng 2 để phát triển điện gió xa bờ ở Hàn Quốc.
Jesper Krarup Holst, đối tác của Copenhagen Offshore Partners, cho biết vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông Hàn Quốc là nơi thử nghiệm hoàn hảo cho các tháp điện gió nổi thế hệ mới. Chúng có thể được lắp đặt ở vùng nước sâu hơn 50-60 mét, không giống như các tháp có chân đế cố định phổ biến ở châu Âu.
Trong khi đó, Đài Loan, đã nhanh hơn Hàn Quốc và Nhật Bản trong việc cải cách thị trường năng lượng để khuyến khích các dự án điện gió xa bờ. Đài Loan đã mở cuộc đấu thầu thứ ba vào tháng trước để các nhà phát triển điện gió xa bờ đấu giá thuê các địa điểm ngoài khơi có thể lắp đặt 3GW công suất điện gió.
Vào năm 2020, nhà sản xuất chip TSMC của Đài Loan đã ký một hợp đồng mua điện tái tạo lớn nhất thế giới với Công ty điện lực đa quốc gia Ørsted (Đan Mạch). Hợp đồng này, với giá bán điện cố định trong 20 năm, sẽ cung cấp cho TSMC toàn bộ 920MW công suất điện từ một dự án điện gió của Ørsted nằm ngoài khơi bờ biển huyện Chương Hóa, Đài Loan.
Nhật Bản, nước cũng đang vận hành mô hình đấu thầu, đang nhắm mục tiêu nâng công suất điện gió xa bờ lên 10 GW vào năm 2030 và 45 GW vào năm 2040. Năng lượng tái tạo sẽ chiếm từ 36-38% tổng sản lượng điện của Nhật Bản vào năm 2030, tăng từ mức 20% trong năm 2020, theo kế hoạch phát triển năng lượng mới nhất của nước này.
Nhưng cuộc đấu thầu lớn đầu tiên của Nhật Bản vào tháng 12 năm ngoái đã có kết quả gây tranh cãi với một nhóm nhà đầu tư do Mitsubishi dẫn đầu đã giành được cả ba dự án điện gió xa bờ với giá đặt thầu thấp hơn nhiều so với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào của họ.
Sau đó, giới chức trách Nhật Bản đã đột ngột đình chỉ quy trình cho cuộc đấu thầu dự án điện gió xa bờ ngoài khơi bờ biển tỉnh Akita vào tháng 3 năm nay. Những người liên quan cho biết việc tạm ngừng là do lo ngại rằng có khả năng có một tay chơi duy nhất trúng đấu thầu tất cả các dự án điện gió xa bờ lớn nhất của Nhật Bản.
Kohei Amakusa, người đứng đầu bộ phận phát triển thị trường tại Nhật Bản của Ørsted, tin rằng với thị trường điện rộng lớn, Nhật Bản vẫn là một thị trường hấp dẫn so với các nước khác ở châu Á.
Link gốc