Xung đột ở Ukraine và việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt đẩy giá điện tại EU lên mức cao kỷ lục trong năm ngoái. Ảnh minh họa: New York Times
Theo Bộ Năng lượng Tây Ban Nha, trong khuôn khổ cuộc họp do Tây Ban Nha - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - chủ trì, bộ trưởng các nước EU nhất trí một phần trong đề xuất pháp lý mới của Ủy ban châu Âu (EC), đó là diễn giải cách sử dụng trợ cấp nhà nước cho các dự án điện - vấn đề gây tranh cãi do những quan ngại, đặc biệt từ phía Đức, rằng việc trợ cấp có thể bóp méo cạnh tranh trên thị trường.
Trong một đề xuất mang tính thỏa hiệp, tất cả các khoản trợ cấp nhà nước trong tương lai cho các nhà máy điện hạt nhân và năng lượng tái tạo phải áp dụng hình thức các khoản trợ cấp "hợp đồng chênh lệch" dựa trên định giá năng lượng. Tuy nhiên, các chính phủ vẫn có thể trao những hợp đồng như vậy cho các nhà máy điện hiện có khi thực hiện những khoản đầu tư đáng kể nhằm nâng công suất hoạt động hoặc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy đó. Đề xuất cũng đã bổ sung các điều kiện để xoa dịu quan ngại của Đức và các nước khác.
Theo đó, các khoản trợ cấp phải bảo đảm việc sử dụng nguồn thu từ các chương trình này chẳng hạn như: Phân phối tiền mặt để hỗ trợ các ngành công nghiệp địa phương - không bóp méo tính cạnh tranh hoặc hoạt động thương mại tại EU.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera khẳng định việc cải cách trợ cấp thị trường điện sẽ giúp bảo vệ người tiêu dùng trong những trường hợp khẩn cấp và trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Bà Ribera cũng nhấn mạnh rằng "yếu tố quan trọng nhất" là gần như tất cả các quốc gia EU đều nhất trí với nội dung cải cách này.
Về phần mình, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson nhấn mạnh rằng vấn đề chính trong việc cải cách trợ cấp thị trường điện là hợp đồng chênh lệch. Đây là một điểm kỹ thuật mấu chốt. EC sẽ đảm bảo rằng các công cụ đó được thiết kế phù hợp và không bóp méo tính cạnh tranh cũng như duy trì sân chơi bình đẳng trên thị trường nội khối.
Trong khi đó, theo phóng viên tại Paris, văn bản pháp lý vừa được các nước thành viên EU thông qua cho phép đáp ứng nhu cầu điện trên khắp châu lục mà không bị gián đoạn nguồn cung, kể cả trong giai đoạn nhu cầu sử dụng tăng cao đỉnh điểm. Vẫn là nhà máy điện cuối cùng được kêu gọi đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, thường là một nhà máy điện khí, quyết định giá điện.
Tuy nhiên, EU khuyến khích việc sử dụng các hợp đồng dài hạn giữa một bên là các nhà sản xuất năng lượng carbon thấp và bên kia là các nhà công nghiệp hoặc nhà nước. Mấu chốt của vấn đề là giá cả sẽ được ấn định từ trước, cho phép người tiêu dùng cân đối chi phí trong khi nhà cung cấp có thể tính toán được nguồn thu.
Suốt hai năm qua, Tây Ban Nha cũng như Pháp đã kêu gọi EU cải cách nhằm cho phép các hộ gia đình và doanh nghiệp được hưởng lợi từ chi phí sản xuất tương đối thấp mà năng lượng hạt nhân hoặc năng lượng tái tạo có thể mang lại.
Trong khi đó, các nước khác, nhất là Đức, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt, không muốn can thiệp vào các cơ chế đang có hiệu lực nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine, việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt đẩy giá điện tại EU lên mức cao kỷ lục trong năm ngoái cũng như tình trạng lạm phát ở châu Âu đã làm thay đổi tình hình.
Nhu cầu ứng phó với Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ - theo đó cung cấp khoản trợ cấp trị giá 350 tỷ euro cho ngành công nghiệp xanh và mở rộng khoảng cách cạnh tranh giữa các công ty Mỹ và châu Âu - cũng khiến nhiều nước kêu gọi cải cách thị trường điện. Trước thực tế đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất nhiều thay đổi đối với thị trường nhằm chuyển đổi sang các hợp đồng cố định giá điện dài hạn để bảo vệ người tiêu dùng trên thị trường nhiên liệu hóa thạch đầy biến động.
Link gốc