Tin thế giới

Các nước nghèo vạ lây vì cơn khát năng lượng của châu Âu

Thứ tư, 9/11/2022 | 10:48 GMT+7
Các nước nghèo phải chịu chi phí lớn hơn về năng lượng khi châu Âu săn lùng dầu và khí đốt thay thế cho nguồn cung Nga.
 
Một xe bán hàng rong trên đường phố Pakistan trong đêm. Ảnh: Bloomberg
 
Dù tốn kém hơn, châu Âu sẽ vượt qua được mùa đông này vì đã mua đủ dầu và khí đốt. Tuy nhiên, các nước nghèo nhất trên thế giới sẽ phải chịu chi phí năng lượng tăng vọt khi nhu cầu khí đốt của châu Âu tăng đột ngột trong năm nay.
 
Theo Bloomberg, hậu quả là họ có nguy cơ không thể đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của hiện tại hoặc tương lai. Những viễn cảnh có thể xảy ra nhất: nhà máy ngừng hoạt động, tình trạng thiếu điện thường xuyên, bất ổn xã hội - có thể kéo dài sang thập kỷ tới.
 
"Những lo ngại về an ninh năng lượng ở châu Âu đang dẫn đến tình trạng nghèo năng lượng ở các nước mới nổi. Châu Âu đang hút khí đốt khỏi các quốc gia khác bằng bất cứ giá nào", Saul Kavonic, Nhà phân tích năng lượng tại Credit Suisse Group AG, bình luận.
 
Sau mùa hè mất điện kéo dài và bất ổn chính trị, thời tiết mát mẻ hơn và mưa lớn đã giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng năng lượng ở Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh và Philippines. Nhưng sự cải thiện chỉ là tạm thời. Nhiệt độ ngày càng lạnh hơn - các khu vực Nam Á có thể khắc nghiệt hơn London - và cơ hội đảm bảo nguồn cung lâu dài là rất mong manh.
 
USD mạnh còn làm phức tạp thêm tình hình, buộc các quốc gia phải lựa chọn giữa việc mua nhiên liệu hoặc thanh toán nợ. Các nhà cung cấp nhiên liệu toàn cầu ngày càng cảnh giác với việc bán cho các quốc gia có thể sắp vỡ nợ.
 
Trung tâm vấn đề là phản ứng của châu Âu đối với việc eo hẹp nguồn cung nhiên liệu và cuộc chiến ở Ukraine. Bị cắt khỏi khí đốt của Nga, các nước châu Âu đã chuyển sang thị trường giao ngay. Với việc giá tăng cao, một số nhà cung cấp cho Nam Á đã hủy bỏ các đơn hàng ký với vùng này để ưu tiên các người mua mới trả giá cao hơn, theo các thương nhân.
 
"Các nhà cung cấp không cần phải tập trung vào việc đảm bảo khí hóa lỏng (LNG) cho các thị trường có khả năng chi trả thấp", Raghav Mathur, Nhà phân tích tại Wood Mackenzie, cho biết. Theo chuyên gia này, mức giá hợp đồng giao ngay cao hơn nhiều việc phải đền các hợp đồng mà nhà cung cấp hủy với khách cũ. Động lực này có thể tồn tại trong nhiều năm tới.
 
Châu Âu đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bến nổi để tiếp nhận thêm nhiên liệu trong tương lai. Đức, Italy và Phần Lan đã bảo đảm các cơ sở hạ tầng này. Hà Lan bắt đầu nhập khẩu LNG từ các bến nổi mới từ tháng 9. Theo BloombergNEF, nhu cầu khí đốt của châu Âu dự kiến tăng gần 60% cho đến năm 2026.
 
Qatar và Mỹ đang ra sức giải cơn khát khí đốt của châu Âu. Lần đầu tiên, các nước mới nổi như Pakistan, Bangladesh và Thái Lan buộc phải cạnh tranh về giá với Đức và các nền kinh tế khác gấp nhiều lần quy mô của họ. "Chúng ta đang vay nguồn cung cấp năng lượng của người khác. Đó không phải là một điều tốt", Russell Hardy, CEO công ty năng lượng Vitol Group (Hà Lan), thừa nhận.
 
Thông thường, khi thiếu hụt ngắn hạn, các quốc gia có thể ký hợp đồng cung cấp dài hạn để đảm bảo được nhận hàng trong nhiều năm. Điều này giờ đã không còn nữa. Những hồ sơ dự thầu cho việc mua hàng trong tương lai xa cũng bị từ chối.
 
Ấn Độ đã thất bại trong nỗ lực mới nhất trong việc đăng ký mua hàng khí đốt từ năm 2025. Về cơ bản, Bangladesh và Thái Lan đã từ bỏ nỗ lực để đạt được các hợp đồng bắt đầu nhận hàng trước năm 2026. Tháng trước, Pakistan đã không thể hoàn tất hợp đồng 6 năm bắt đầu vào năm sau, sau khi nhiều nỗ lực mua hàng ngắn hạn cũng không thành công.
 
"Chúng tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc vào cuối năm nay, nhưng không phải vậy", Kulit Sombatsiri, Thư ký thường trực của Bộ năng lượng Thái Lan, cho biết. Ông nói nếu giá LNG tiếp tục tăng, chính phủ sẽ phải xem xét các biện pháp như đóng cửa các cửa hàng tiện lợi và các cơ sở kinh doanh tốn nhiều năng lượng khác.
 
Dự trữ ngoại hối của Pakistan đã giảm xuống mức thấp nhất 3 năm, khiến nước này tuột hạng tín nhiệm sâu hơn. Dự trữ ngoại hối của Bangladesh, Ấn Độ và Philippines đang ở mức thấp nhất 2 năm. Tại Thái Lan, nơi lạm phát cao nhất trong 14 năm và dự trữ thấp nhất 5 năm, ngân hàng trung ương cảnh báo rằng tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu đồng baht không sớm ổn định.
 
Nếu khí đốt của Nga không chảy vào châu Âu, thị trường khí đốt toàn cầu sẽ bị thắt chặt. Giá giao ngay sẽ vẫn ở mức cao và vì không có khả năng đảm bảo nguồn cung dài hạn, các nước đang phát triển có thể tìm đến các loại nhiên liệu bẩn hơn hoặc các đối tác khác.
 
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, tăng trưởng nhu cầu khí đốt ở các nước mới nổi của châu Á đã chậm lại "rõ rệt" trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 do giá cao ngất ngưởng kéo giảm sức tiêu thụ. Thái Lan, quốc gia sử dụng khí đốt hàng đầu trong khu vực, đã chứng kiến nhu cầu giảm 12%.
 
Thiếu hụt đang khiến các nước mới nổi và Nga xích lại gần nhau. Nga rất vui khi được cung cấp nhiên liệu cho Pakistan, Ấn Độ và những nước khác đã bị loại khỏi thị trường giao ngay.
 
"Chúng tôi đã thiết lập liên lạc với phía Nga. Tất nhiên, chúng tôi rất quan tâm đến việc mua LNG. Nếu các nước giàu lấy đi tất cả LNG, điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi?", Shafqat Ali Khan, Đại sứ Pakistan tại Nga, cho biết.
 
Các nước cũng có thể chuyển sang sử dụng các nhiên liệu rẻ hơn như than và dầu. Hoặc họ sẽ tìm cách phát triển các nguồn lực trong nước. Phòng Thương mại Quốc tế Bangladesh kêu gọi chính phủ nhanh chóng thăm dò khí đốt tự nhiên cả trên bờ và ngoài khơi để thay thế LNG đắt tiền. Những người chỉ trích chính phủ Pakistan đang đặt câu hỏi tại sao không khai thác dự trữ khí đốt nội địa.
 
Shaiq Jawed, Giám đốc điều hành tại JK Group, nhà cung cấp hàng dệt có trụ sở tại Pakistan cho các chuỗi khách sạn toàn cầu, cho biết mùa hè này, lần đầu tiên sau 25 năm, công ty chỉ nhận được một nửa lượng khí đốt cần thiết. "Nếu cần, có thể phải dựa vào điện và năng lượng từ than đá. Đây là phương án cuối cùng, nhưng đóng cửa không phải là một lựa chọn", ông nói.
 
Nirmala Sitharaman, Bộ trưởng Tài chính của Ấn Độ, cho biết nếu khí đốt vượt quá khả năng tiếp cận sẽ cần xem xét việc chuyển sang than ở một mức độ nào đó vì không thể trông cậy hoàn toàn vào năng lượng mặt trời hoặc gió.
 
Nhà phân tích Raghav Mathur tại Wood Mackenzie dự báo mất tới 4 năm để thị trường cân bằng lại. "LNG trước hết sẽ thuộc về các nước phát triển, phần còn lại mới dành cho nhóm đang phát triển", ông nói.
 
Các quốc gia Nam Mỹ như Brazil và Argentina, có thể ít khó khăn hơn nếu đầu tư vào thủy điện. Mặc dù vậy, chi phí nhập khẩu LNG của Brazil đã tăng hơn gấp đôi trong bảy tháng đầu năm nay, lên 3,7 tỷ USD. Nếu mùa mưa năm nay đến muộn khiến sản lượng thủy điện thấp, Brazil có thể cần thêm LNG.
 
 
Theo: VnExpress