Tin thế giới

Lời giải cho cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu

Thứ ba, 1/11/2022 | 10:13 GMT+7
Châu Âu chuẩn bị bước vào một mùa đông băng giá với nguy cơ thiếu khí đốt, giá nhiên liệu tăng vọt do gián đoạn nguồn cung từ Nga. Các lãnh đạo tại châu Âu luôn khẳng định chính cuộc chiến tại Ukraine đã đẩy Lục địa già rơi vào tình cảnh này. 
An ninh năng lượng trở thành chủ đề chi phối các cuộc họp của EU hiện nay.
 
Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu liệu có phải chỉ do chiến dịch quân sự đặc biệt của Điện Kremlin?
 
Chính sách năng lượng cấm đầu tư vào một số ngành công nghệ chỉ vì những quan điểm về hệ tư tưởng, đồng thời bỏ qua an ninh nguồn cung, đã được chứng minh là sẽ có kết cục thất bại thảm hại. Trên thực tế, nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở Liên minh châu Âu (EU) không phải là sự thất bại của thị trường hoặc thiếu các lựa chọn thay thế. Nó được tạo ra bởi sự áp đặt chính trị.
 
Theo thống kê, 70-75% biểu giá điện ở hầu hết các nước châu Âu bao gồm chi phí quy định, trợ cấp và thuế do chính phủ đặt ra. Phần còn lại, cái gọi là phát điện “tự do hóa”, chính là phụ phí phát thải CO2. Ví dụ điển hình là Đức: Theo số liệu của Hiệp hội Các ngành công nghiệp năng lượng và nước Đức (BDEW) năm 2021, chỉ có 24% các chi phí trong hóa đơn điện hộ gia đình là “chi phí nhà cung cấp”. Phần lớn chi phí là thuế và chi phí do chính phủ quy định: Phí điện lưới (24%), phụ phí năng lượng tái tạo (20%), thuế bán hàng - VAT (16%), thuế điện (6%), thuế ưu đãi (5%), thuế trách nhiệm hải ngoại (0,03%), phụ phí cho các nhà máy nhiệt điện kết hợp (0,08%), thuế cho chiết khấu của ngành đối với phí lưới điện (1,3%). Tuy nhiên, “vấn đề”, theo thông điệp của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, là thị trường.
 
Những chính sách can thiệp sai lầm
 
Sự can thiệp của chính phủ bao gồm đóng cửa các nhà máy sản xuất năng lượng hạt nhân và phụ thuộc ồ ạt vào khí đốt tự nhiên và than non (như Đức đã làm); ngăn cấm sự phát triển trong nước của khí đốt tự nhiên phi truyền thống tại châu Âu; đóng cửa các hồ chứa trong khi thủy điện là chìa khóa để giảm hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình; tăng trợ cấp không đúng lúc và sau đó tăng thuế đối với các công nghệ hiệu quả; ngăn chặn đường ống dẫn khí đốt có thể tăng gấp đôi sự kết nối với Pháp; cấm khai thác mỏ lithium trong khi nói về bảo vệ năng lượng tái tạo - vốn cần đến mặt hàng này; điền vào hóa đơn của người tiêu dùng các khoản thuế và chi phí được quy định không liên quan đến việc tiêu thụ năng lượng.
 
Về bản chất, sự can thiệp là một chuỗi những sai lầm trong chính sách năng lượng khiến châu Âu có giá điện và khí đốt tự nhiên đắt hơn gấp đôi so với ở Mỹ. Việc loại bỏ các năng lượng tải trung bình (hạt nhân, thủy điện) vốn luôn hiệu quả và thay thế chúng bằng năng lượng tái tạo vốn cần dự phòng khí tự nhiên và đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng rất tốn kém. Chính sách này hiện đang được áp dụng trên khắp châu Âu và chưa có dấu hiệu cho thấy thực tế này sẽ được thay đổi.
 
EU đang gấp rút triển khai các nhà máy nổi tái hóa khí. Trên thực tế, tất cả các tàu khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho mùa đông này đã được ký hợp đồng. Cũng chính các chính phủ từng từ chối tăng cường chuỗi cung ứng khí đốt tự nhiên khi nó còn rẻ hiện đang chi một lượng lớn tiền cho các giải pháp hiệu quả thấp.
 
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen đã đưa ra 2 thông điệp gây nhiều chú ý: Đầu tiên, bà tuyên bố can thiệp mạnh mẽ vào thị trường điện. Sau đó, tại Hội nghị thượng đỉnh về an ninh năng lượng Biển Baltic, bà đã công bố đề xuất tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 45% tổng sản lượng điện vào năm 2030. Tuy nhiên, thực tế là việc gia tăng năng lượng tái tạo một cách ồ ạt không giúp loại bỏ được nguy cơ phải phụ thuộc vào Nga hoặc các nhà cung cấp hàng hóa khác.
 
Năng lượng tái tạo là chìa khóa giải quyết vấn đề?
 
Thứ nhất, năng lượng tái tạo chỉ có thể trở thành một nguồn năng lượng tích cực nếu được đặt trong một sự hài hòa cân bằng các nguồn năng lượng, chứ không tự nhiên mà tích cực, bởi tính chất biến động và không liên tục của ngành công nghệ tạo ra loại năng lượng này. Tuy nhiên, các chính trị gia đã áp đặt một sự pha trộn các năng lượng không ổn định với chính sách cấm các công nghệ nền tảng có thể hoạt động liên tục và điều này khiến giá cả tăng vọt với người tiêu dùng, đồng thời đe dọa an ninh nguồn cung.
 
Thứ hai, triển khai năng lượng tái tạo không giúp loại bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên. Năng lượng tái tạo, theo định nghĩa, không liên tục và rất biến động cũng như khó lập kế hoạch.
 
Thứ ba, đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo là tích cực nhưng không chính trị gia nào có thể nói rằng chúng là giải pháp duy nhất. Vấn đề lưu trữ, chi phí thiên văn của một mạng lưới pin và cơ sở hạ tầng cần thiết - ước tính hơn 2.000 tỷ euro nếu khả thi - là những yếu tố chính. Nếu ngày nay, châu Âu có 100% hỗn hợp năng lượng đến từ mặt trời và gió, nó sẽ biến động quá mức và không có tính liên tục. Trong giai đoạn năng lượng mặt trời và gió thấp, nó sẽ làm tăng sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên, vốn cần thiết như một loại năng lượng dự phòng và tăng nhu cầu về thủy điện, điện hạt nhân, các loại năng lượng tải trung bình có hiệu quả trong mọi thời điểm. Ngoài ra, việc triển khai nhiều năng lượng tái tạo cũng đòi hỏi chi phí lớn cho đầu tư truyền tải và phân phối, điều làm cho biểu giá càng trở nên đắt hơn.
 
Nếu có một điều mà cuộc khủng hoảng này có thể cho chúng ta thấy thì đó là thực tế rằng thứ mà châu Âu cần là nhiều thị trường hơn và ít can thiệp hơn. Châu Âu lâm vào cuộc khủng hoảng như hiện nay là do hàng loạt chính sách sai lầm của các nhà lập pháp, những người đang kiểm soát hỗn hợp năng lượng. Tầm quan trọng của một sự phối hợp cân bằng giữa điện hạt nhân, thủy điện, khí đốt và năng lượng tái tạo ngày càng rõ ràng hơn. Chính sách năng lượng theo chủ nghĩa can thiệp đã thất bại thảm hại. Sự can thiệp nhiều hơn sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng này.
 
Theo: CAND