Diễn đàn năng lượng

Các "trường phái" chính trong phân tích chứng khoán

Thứ sáu, 1/2/2008 | 09:32 GMT+7

Xác định giá chứng khoán (CK) là một công việc phức tạp và thực sự cần thiết đối với các nhà đầu tư CK. CK đó đáng giá bao nhiêu và lúc nào nên mua-bán là một câu hỏi mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng mong mình giải đúng.

                                                     

Cùng với lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới, có thể tổng kết được 6 trường phái trong phân tích CK.

1. Phân tích cơ bản

Điều mà nhà phân tích cơ bản coi như kim chỉ nam chính là cho rằng giá trị thực của một công ty có mối quan hệ mật thiết với các đặc tính tài chính như: khả năng phát triển; những rủi ro mà công ty có thể gặp phải; dòng tiền mặt... Bất kỳ một sự chệch hướng nào so với giá trị thực cũng là dấu hiệu cho thấy cổ phiếu (CP) đó đang ở dưới hoặc vượt quá giá trị thực.

Một chiến lược đầu tư dài hạn thường dựa vào những giả thiết như:

a. Mối quan hệ giữa giá trị và các yếu tố tài chính là có thể đo lường được.

b. Mối quan hệ này ổn định trong một khoảng thời gian đủ dài.

c. Các sai lệch của mối quan hệ sẽ được điều chỉnh lại vào thời điểm thích hợp.

Giá trị là mục tiêu chính trong phân tích cơ bản. Một số nhà phân tích thường sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền mặt để xác định giá trị của công ty, trong khi đó một số người lại sử dụng tỷ số giá trên thu nhập (P/E) hoặc giá trị số tích...

Khi những nhà phân tích này nắm giữ một số lượng lớn các CP đang ở dưới giá trị trong danh mục đầu tư nghĩa là họ đang nuôi hy vọng danh mục này sẽ đem lại một mức lợi nhuận cao hơn mức trung bình của thị trường.

2. Mua đặc quyền kinh doanh

Nhà mua đặc quyền kinh doanh thường tập trung vào một số ít các công ty mà họ hiểu rõ và họ sẽ tiến hành mua CP khi những công ty này đang ở dưới giá trị thực. Thường thì nhà mua đặc quyền kinh doanh sẽ có ảnh hưởng lên Ban quản lý và có thể thay đổi chính sách tài chính hoặc chính sách đầu tư của công ty.

Trên khía cạnh đầu tư dài hạn thì:

a. Nhà đầu tư hiểu rõ công ty sẽ ở vị thế tốt hơn trong định giá công ty.

b. Có thể mua những công ty ở dưới giá trị thực mà không làm cho giá của chúng tiến đến gần giá trị thực.

Giá trị cũng đóng vai trò chủ chốt và nhà mua đặc quyền kinh doanh sẽ hướng sự chú ý của mình vào những công ty mà họ tin tưởng công ty đó đang ở dưới giá. Ngoài ra, họ cũng quan tâm tìm hiểu xem họ sẽ gia tăng được thêm bao nhiêu giá trị cho công ty nếu họ có thể tái cơ cấu lại công ty.

3. Biểu đồ (phân tích kỹ thuật)

Những nhà phân tích kỹ thuật tin tưởng rằng phần giá cả dao động do tâm lý của các nhà đầu tư ít nhất cũng bằng phần dao động do các yếu tố tài chính. Những thông tin có sẵn như dao động giá, khối lượng giao dịch, bán khống... sẽ cung cấp những chỉ báo về tâm lý của nhà đầu tư về dao động giá trong lương lai.

Nhưng nhìn chung có thể thấy các nhà đầu tư cá thể đầu tư theo cảm tính nhiều hơn là đầu tư theo các phân tích hợp lý.

Trong khi giá trị không đóng vai trò chính trong phân tích kỹ thuật thì cũng có nhiều con đường để nhà phân tích kỹ thuật có thể kết hợp vào phân tích. Giá trị có thể được sử dụng ví dụ như để quyết định đường hỗ trợ hoặc kháng cự trên biểu đồ giá.

Trên một biểu đồ đường hỗ trợ thường căn cứ vào điểm dưới mà dưới điểm đó giá có khuynh hướng ngừng giảm, còn đường kháng cự được căn cứ vào điểm trên mà trên điểm đó giá có khuynh hướng ngừng tăng. Những mức này thường được dự tính theo giá quá khứ, biên độ của giá tính theo phương pháp giá trị có thể được sử dụng để quyết định. Có nghĩa là giá trị tối đa sẽ trở thành mức kháng cự và giá trị tối thiểu sẽ trở thành đường hỗ trợ.

4. Thông tin

Giá cả lên xuống phụ thuộc vào thông tin về công ty. Những nhà giao dịch căn cứ vào thông tin giao dịch (dựa trên lợi thế thông tin mới hoặc ngay sau khi thông tin được công bố trên thị trường), họ sẽ mua vào khi có tin tốt và bán ra khi có tin xấu. Giả thiết được đưa ra là các nhà giao dịch có thể dự đoán thông tin sắp công bố và đánh giá được phản ứng của thị trường tốt hơn nhà đầu tư thông thường.

Đối với nhà kinh doanh dựa vào thông tin thì việc nghiên cứu mối quan hệ giữa thông tin và sự thay đổi giá là quan trọng hơn việc nghiên cứu giá trị. Do đó, nhà kinh doanh này có thể mua một công ty có giá vượt quá giá trị thực dựa trên niềm tin rằng thông tin kế tiếp là những thông tin tốt, vượt mức mong đợi và sẽ đẩy được giá lên.

Như vậy, nếu có mối quan hệ trong việc công ty ở dưới giá, trên giá và xác định được cơ chế của giá CP phản ứng lại những thông tin trên thị trường thì nhà đầu tư dựa trên thông tin sẽ có những quyết định đầu tư hợp lý.

5. Thời điểm

Những nhà đầu tư thời điểm cho rằng dự đoán thay đổi của cả thị trường thì dễ hơn việc chọn lựa cụ thể một CP nào đó và như vậy việc dự đoán được dựa trên những yếu tố có thể quan sát được.

Trong khi việc xác định giá trị của một CP có thể không sử dụng công cụ của nhà phân tích thời điểm thì chiến lược tính toán thời điểm thị trường lại có thể sử dụng công cụ giá trị bằng ít nhất hai cách sau:

a. Tổng thị trường tự nó được định giá và so sánh theo thời điểm hiện tại.

b. Mô hình giá trị có thể được sử dụng để tính toán giá trị của tất cả các CP và kết quả từ việc kiểm tra chéo có thể được sử dụng để quyết định xem thị trường đang ở dưới hoặc trên giá trị thực của nó.

6. Thị trường hiệu quả

Những nhà thị trường hiệu quả tin tưởng rằng, giá cả tại một thời điểm nào đại diện cho dự đoán tốt nhất về giá trị thực của công ty, và bất cứ dự định nào nhằm hưởng lợi từ thị trường hiệu quả sẽ tốn kém hơn là lợi nhuận thu được. Họ cho rằng thị trường thích hợp thông tin một cách nhanh chóng, chính xác và các nhà đầu tư theo kiểu vay-mua sẽ lập tức lấp đầy những khoảng không hiệu quả.

Đối với nhà phân tích thị trường hiệu quả thì giá trị là một công cụ kiểm tra hữu hiệu để hiểu rõ tại sao một CP được bán ở mức giá đó. Kể từ khi giả thiết giá thị trường là dự đoán tốt nhất đối với giá trị thực của công ty thì đối tượng quyết định đối với giả thiết này là phân tích tác động của mức tăng trưởng và rủi ro trong giá thị trường hơn là việc tìm kiếm công ty ở dưới hoặc lên giá trị thực.

Theo: BSC