Các tấm pin mặt trời có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt không?
Các tấm pin mặt trời rất “yêu” những ngày trời nắng để tạo ra điện. Nhưng nằm trong khí hậu nhiệt đới, đặc trưng thời tiết của Việt Nam là nóng ẩm, vừa nắng nóng do bức xạ mặt trời cao vừa ẩm do mưa, gió, bão nhiều. Ở miền Bắc, mưa bão xuất hiện từ khoảng tháng 7 đến tháng 10. Ở các tỉnh đồng bằng duyên hải miền Trung, các cơn bão “đổ bộ” trong khoảng tháng 9 đến tháng 12. Còn ở miền Nam, tháng 10 đến tháng 12 là thời điểm bị ảnh hưởng bởi bão nhiều nhất. Đi kèm bão là các cơn dông với gió rất mạnh, đôi khi là gió lốc. Ngoài ra, mưa đá cũng là hiện tượng thời tiết nguy hiểm, xuất hiện ở nhiều tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Gió bão, dông lốc, mưa đá… có sức tàn phá rất khủng khiếp, pin mặt trời liệu có chịu được?
Tin vui là các nhà sản xuất pin mặt trời đã tính toán đến tất cả những yếu tố này. Các tấm pin mặt trời đều được thiết kế một tấm kính cường lực phía trước để bảo vệ các tế bào quang điện (solar cell) – bộ phận trực tiếp tạo ra dòng điện từ ánh nắng mặt trời. Kính thường có độ dày 3-4mm, có thể chống lại tải cơ khí và nhiệt độ, thời tiết khắc nghiệt. Thử nghiệm tác động tiêu chuẩn tối thiểu theo tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) yêu cầu các tấm pin phải chịu được tác động của mưa đá có đường kính 1inch (tương đương 25mm) rơi xuống với tốc độ 60 dặm/giờ (27m/s). Ngoài ra, trong cấu tạo pin mặt trời, hai mặt của cell được bao bọc bởi lớp màng EVA. Chúng giúp hấp thụ sốc, bảo vệ cell khỏi sự rung động và tác động đột ngột từ mưa đá hay các ngoại lực khác. Khung nhôm cũng góp phần giúp pin mặt trời chịu được áp lực từ gió, mưa đá hay các lực bên ngoài.
Hầu hết các tấm pin mặt trời được chứng nhận chịu được sức gió lên tới 2.400 Pascals, tương đương với sức gió khoảng 225 km/h. Hãng LG còn công bố pin mặt trời của hãng này chịu được hơn gấp đôi: 5.400 Pascals nhờ phần khung 2 lớp mạnh mẽ. Điều này cũng có nghĩa là nó có thể chịu đựng được cả siêu bão Haiyan – siêu bão cấp 5 có tốc độ gió cao kỷ lục thế giới 315 km/h. Ngoài gió và mưa đá, các hãng pin mặt trời chất lượng cao như LG còn có chứng chỉ bảo vệ chống ăn món do sương muối, chống ăn mòn do ammonia… Do đó, người dùng điện năng lượng mặt trời không cần quá e ngại việc hệ thống bị hư hại do thời tiết khắc nghiệt.
Cách bảo vệ hệ thống điện mặt trời hiệu quả
Tuy cấu tạo của hầu hết các tấm pin mặt trời đều chịu đựng được sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng để bảo vệ hệ thống, người dùng cần lưu ý một số điều sau:
Chọn pin mặt trời chất lượng cao: Không nên chọn những pin bị lỗi, pin không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc từ thương hiệu không tên tuổi vì có thể không đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng, dẫn tới công suất và tuổi thọ thấp, sức chịu đựng kém.
Lắp đặt đúng kỹ thuật, đạt chuẩn: Nếu lắp đặt không đúng kỹ thuật, hệ thống có thể không bền, dễ bị hư hại khi gặp gió bão lớn hoặc mưa đá. Thậm chí, nó còn có thể xảy ra các sự cố về điện, đe dọa tính mạng người sử dụng.
Pin chất lượng cao, lắp đặt đúng kỹ thuật – 2 yếu tố quan trọng giúp kéo dài tuổi thọ pin.
Đảm bảo về nơi lắp đặt: Nếu bạn ở khu vực thường xuyên phải hứng chịu những cơn bão, mưa đá… nên lắp đặt các tấm pin mặt trời trên bề mặt kiên cố như mái nhà xi măng. Bởi vì, mặc dù bản thân các tấm pin có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt, nếu mái nhà bị hư hại (như sập, tốc mái…) thì hệ thống cũng bị ảnh hưởng. Bạn cũng phải tốn thêm chi phí sửa chữa hoặc lắp đặt lại.
Kiểm tra định kỳ: Sau khi trải qua mưa gió, dông lốc… bạn nên kiểm tra mái nhà và hệ thống điện mặt trời để đảm bảo không có lá cây, rác… trên bề mặt các tấm pin. Chúng sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu suất và tuổi thọ của pin.
Trong trường hợp tấm pin mặt trời bị hư hại như nứt, vỡ… bạn cần liên hệ ngay với đơn vị thi công để được sửa chữa hoặc thay thế. Vết nứt sẽ tạo điều kiện cho độ ẩm bên ngoài xâm nhập, ăn mòn pin, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của pin mà còn nguy hiểm cho người sử dụng.
Link gốc