Tư vấn sử dụng điện

Cách tiết kiệm tối ưu cho cho các thiết bị điện gia đình khi tất cả thành viên đều ở nhà

Thứ năm, 22/7/2021 | 10:56 GMT+7
Nấu ăn trước 30 phút, điều chỉnh quạt sử dụng ở mức vừa phải, máy lạnh đặt ở chế độ từ 24 - 26 độ C, tắt đèn khi không sử dụng đến,... là những mẹo tiết kiệm điện nên áp dụng.

Ảnh minh họa.

Thời tiết tháng 7 vẫn còn nắng nóng. Mặt khác Sài Gòn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân ở nhà nhiều, đông người trong một gia đình nên sử dụng các thiết bị điện để phục vụ làm việc, giải trí, sinh hoạt, làm mát nhiều hơn.
 
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) lưu ý, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, người dân chủ yếu làm việc, sinh hoạt ở nhà nên cần chú ý sử dụng điện tiết kiệm để tiền điện không tăng cao.
 
Riêng những bà nội trợ, người trực tiếp quán xuyến việc gia đình, khi quản lý chi tiêu hàng tháng trong nhà càng phát hoảng khi nghĩ đến khoản tiền điện phải trả thêm.
 
Để hạn chế hóa đơn tiền điện trong đợt giãn cách xã hội tăng cao đột biến, tiết kiệm điện lại giảm nguy cơ sự cố điện, vừa tránh được hóa đơn tiền điện tăng cao gia đình bạn cần sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng: "Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu". Hãy "Tắt khi không sử dụng".
 
Ngoài ra, một vài mẹo tiết kiệm điện cho các thiết bị được gợi ý sau đây.
 
Tiết kiệm điện điều hòa
 
Trời nóng, máy lạnh cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ làm mát trong phòng. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh tăng từ 2-3%, nhiệt độ tăng khoảng 5 độ thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%.
 
Do đó, dù thời gian sử dụng máy lạnh không thay đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh vẫn tăng lên rất nhiều làm cho tiền điện hàng tháng sẽ tăng cao.

Đây là cách tiết kiệm tối ưu cho cho các thiết bị điện gia đình khi tất cả thành viên đều ở nhà - Ảnh 2.
Đây là cách tiết kiệm tối ưu cho cho các thiết bị điện gia đình khi tất cả thành viên đều ở nhà.
 
Để tiết kiệm điện bạn nên chú ý những điều sau: Nên cài đặt máy lạnh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (khoảng 5 độ C); Hạn chế sử dụng nhiều máy lạnh cùng một lúc trong nhà; Có thể sử dụng máy lạnh cùng với quạt để làm mát không khí trong phòng; Vệ sinh máy lạnh theo định kỳ để giúp máy lạnh hoạt động ổn định tăng khả năng làm lạnh và ít tiêu hao điện năng; Nên dùng quạt thay cho máy lạnh khi thời tiết không quá nóng; Tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiền điện ở các bậc giá cao. Đặc biệt, bạn nên tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên.
 
Tiết kiệm điện bếp điện

Theo Ủy ban Năng lượng California - Mỹ, bếp điện sẽ vẫn tỏa đủ nhiệt để nấu chín thức ăn nếu bạn tắt đi trước một vài phút. Tuy mẹo này có thể áp dụng cho hầu hết các món ăn nhưng vấn có trường hợp ngoại lệ như món ninh hay hầm nhừ.
 
Tiết kiệm điện quạt điện

Trong phòng khách, phòng ngủ, quạt điện chỉ nên bật với tốc độ theo nhu cầu cần thiết, nếu sử dụng ở số đo lớn nhất sẽ hao phí điện nhiều hơn.
 
Tiết kiệm điện quạt trần

Với những người sống ở khu vực miền Nam vào mùa hè nóng bức thì hãy sử dụng quạt trần để làm mát thay vì dựa hoàn toàn vào điều hòa. Quạt trần có thể làm nhiệt độ trong phòng giảm đến 10 độ và chỉ tiêu tốn 10% điện năng so với điều hòa.
 
Tiết kiệm điện máy giặt
 
Bạn nên giặt quần áo bằng máy giặt với chế độ nước lạnh để tiết kiệm điện. Điều này có thể giúp tiết kiệm một khoản đáng kể trong hóa đơn tiền điện.
 
Tiết kiệm điện tivi, các thiết bị điều khiển từ xa

Tivi, hay các thiết bị điều khiển từ xa không nên đặt ở chế độ chờ sẵn, không dùng thì tắt hẳn, tránh để chế độ sáng của màn hình quá cao sẽ hao điện và hại mắt. Khi không sử dụng trong thời gian dài thì tắt hẳn nguồn và rút phích cắm ra khỏi ổ điện.
 
Tiết kiệm điện bàn là

Với bàn là khuyến cáo đầu tiên là không là đồ vào giờ cao điểm. Lau sạch bề mặt bàn là trước khi dùng. Tập trung quần áo lại để là một lần theo thứ tự quần áo mỏng trước, xong đến đồ dày, sau đó rút phích cắm và tận dụng sức nóng quay trở lại ủi đồ mỏng. Khi ủi nên kiểm tra cài đặt nhiệt độ của bàn là thích hợp cho từng loại vải, tránh dùng trong phòng có bật máy điều hòa nhiệt độ.
 
Tiết kiệm điện máy rửa bát

Thay vì sử dụng chức năng sấy tự động, bạn có thể để chén dĩa khô tự nhiên để tiết kiệm điện. Theo nghiên cứu cho thấy, sử dụng máy rửa bát giúp tiết kiệm trung bình khoảng 5.000 lít nước và 230 giờ mỗi năm so với việc rửa bằng tay.
 
Giảm thiểu việc để thiết bị điện ở trạng thái chờ

Nhiều người cho rằng để thiết bị điện ở trạng thái chờ sẽ tiết kiệm hơn những có một thực tế là điều này vẫn tiêu tốn năng lượng điện và có thể chiếm tới 10% trong tổng lượng điện tiêu thụ của bạn. Chính vì lý do đó, nếu không cần sử dụng thiết bị trong thời gian dài, tốt hơn hết bạn nên tắt hẳn để tiết kiệm năng lượng.
 
Điều chỉnh chế độ tia nước của vòi hoa sen để tiết kiệm điện

Nếu bạn điều chỉnh chế độ tia nước nhỏ, chậm hơn và tắm trong khoảng thời gian từ 15 đến 20 phút thì sẽ giúp tiết kiệm một lượng đáng kể nước và tiền điện mỗi tháng.
 
Tiết kiệm điện tủ lạnh

Bạn nên sắp xếp các loại thực phẩm trong tủ gọn gàng, có khe hở để khí lạnh lưu thông. Không nên để thức ăn nóng vào tủ lạnh, ngoài ra cần dùng hộp kim loại thay hộp nhựa để rút ngắn thời gian làm lạnh, ít tốn hao điện.
 
Tiết kiệm điện nồi cơm điện

Bạn không nên nấu cơm quá sớm, chỉ nên nấu cơm trước khi ăn khoảng 30 - 45 phút để giảm thời gian hâm nóng. Bạn cũng nên lau chùi sạch đáy nồi cơm và mâm nhiệt nồi cơm để điện tiếp xúc tốt hơn, tránh lãng phí điện.

Link gốc
Theo: afamily