Các khách mời tham gia chương trình.
Chương trình có sự tham gia của PGS. Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi – Bộ môn Kinh tế năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội. Vị khách mời thứ hai là ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực, Bộ Công thương. Chương trình còn có sự tham gia của ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ông Lê Văn Trang - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc.
PV: Trước tiên chúng ta cùng trao đổi với ông Lê Văn Trang - Phó Tổng Giám đốc EVNNPC, ông có thể chia sẻ với độc giả tình hình các tháng hè, tình hình tiêu thụ điện trên địa bàn miền Bắc như thế nào và so sánh với các năm trước?
Ông Lê Văn Trang - Phó Tổng Giám đốc EVNNPC: Mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID – 19 nhưng lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, công suất sử dụng Pmax của Tổng công ty Điện lực miền Bắc đạt 12.656 MW (tăng 2,5% so với cùng kỳ 2020), sản lượng điện ngày max đạt 263,4 tr.kWh (tăng 1,7% so với cùng kỳ 2020). Xét riêng trong tháng 5/2021, mới xuất hiện một số đợt nắng nóng ngắn ngày và các tỉnh có tỷ trọng tiêu thụ điện lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh chịu ảnh hưởng lớn của Covid nhưng sản lượng điện trung bình ngày của Tổng công ty trong tháng 5/2021 vẫn đạt 238 tr.kWh tăng 10,6% so với trung bình ngày của tháng 5 năm 2020.
Dự kiến mùa hè năm 2021, phụ tải tiếp tục tăng trưởng mức trung bình 9-10% về sản lượng, Pmax trung bình tăng 9% - 12%, ngày nắng nóng cực đoan dự báo Pmax có thể lên đến 14.100 ÷ 14.500MW (dự kiến tháng 6,7/2020), cao hơn năm 2020 ~2.100 ÷ 2.500MW.
Nếu kiểm soát sớm được ảnh hưởng của Covid, dự báo các tỉnh dự báo có mức tăng công suất sử dụng 15-17%: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa. Một số tỉnh có mức tăng công suất thấp (6-8%) Điện Biên, Bắc Cạn, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La; các tỉnh còn lại có mức tăng công suất trong khoảng 9-13%.
PV: Thưa ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN; dịch bệnh COVID-19 có ảnh hưởng như thế nào đến việc tiêu thụ điện năng trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước; đặc biệt là nhu cầu sử dụng điện trong các tháng gần đây của các doanh nghiệp, các công sở và nhân dân?
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN: Như chúng ta đã biết trong 5 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh COVID -19 trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến rất phức tạp, có tác động rất lớn đến hoạt động hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đối với Việt Nam, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tuy nhiên kiểm soát dịch bệnh tốt, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước không bị tác động nhiều, các doanh nghiệp có nguồn vốn nước ngoài có xu hướng gia tăng sản xuất.
Sản lượng điện tiêu thụ của toàn EVN trong 5 tháng đầu năm đạt 90,2 tỷ kWh, tăng trưởng 8,14% so với cùng kỳ. Trong đó, 2 thành phần chính: Thành phần CNXD đạt 50,67 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 56,18% và tăng trưởng 11,44% so với cùng kỳ, Quản lý tiêu dùng đạt 28,63 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 31,73% và tăng trưởng 3,06% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, mặt dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nhu cầu sử dụng điện vẫn duy trì ở mức cao.
Đối với khu vực miền Bắc những ngày cuối tháng 5/2021 đầu tháng 6/2021 xuất hiện nắng nóng trên diện rộng, nhu cầu sử dụng điện vào thời gian cao điểm trưa và tối tăng cao, dẫn đến quá tải cục bộ, đây cũng là vẫn đề EVN đang nỗ lực cố gắng để triển khai các biện pháp đảm bảo việc cung cấp điện cho khách hàng phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, tuy nhiên cũng rất cần sự chung tay của cộng đồng trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế sử dụng điện vào các thời điểm cảo điểm.
PV: Chủ đề đầu tiên của buổi tọa đàm xoay quanh vấn đề cách tính hóa đơn tiền điện. Trong đó, để có thể tính được hóa đơn, đầu tiên chúng ta cần ước tính mức điện năng tiêu thụ của từng thiết bị. Xin mời ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực, Bộ Công thương chia sẻ cho các độc giả.
Ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực, Bộ Công thương: Hiện nay, trên thị trường thiết bị rất đa dạng về mẫu mã và chủng loại, tuy nhiên để có thể lựa chọn được thiết bị đảm bảo chất lượng thì người tiêu dùng nên chọn mua các thiết bị có xuất xứ rõ ràng, của các nhà sản xuất uy tín và đặc biệt là nên lựa chọn các sản phẩm có dán nhãn tiết kiệm điện.
Trên thiết bị có đầy đủ thông số kỹ thuật của thiết bị điện, trong đó có công suất tiêu tốn trong 1 giờ. Để tính toán lượng điện năng tiêu thụ của thiết bị trong một ngày, căn cứ vào thời gian sử dụng và công suất thiết bị để tính toán ra sản lượng tiệu thụ. Từ điện năng tiêu thụ của các thiết bị, chúng ta có thể tính toán ra điện năng sử dụng trong 1 ngày của gia đình mình. Hiện nay, đối với các công tơ điện tử, khách hàng có thể tra cứu điện năng tiêu thụ hàng ngày trên Web CSKH hoặc App CSKH của EVN, hoặc các Tổng công ty Điện lực.
PV: Xin mời ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN phân tích thêm về cách ước tính mức điện năng tiêu thụ của từng thiết bị.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN: Đối với việc ước tính điện năng tiêu thụ, EVN mới xây dựng công cụ ước tính tiền điện, Công cụ trên nền web này sẽ giúp người dân, khách hàng dễ dàng tính toán, quản lý lượng điện năng tiêu thụ của các thiết bị điện. Việc đưa vào áp dụng công cụ ước tính điện năng thể hiện nỗ lực của EVN trong việc liên tục cải tiến, đưa dịch vụ điện đến với khách hàng ngày càng thuận lợi, công khai, minh bạch hơn trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa, góp phần đẩy mạnh việc xây dựng nền kinh tế số.
Thông qua công cụ tính toán trên trang web nêu trên, các khách hàng sử dụng điện có thể chủ động ước tính điện năng tiêu thụ hàng tháng của gia đình. Từ những dữ liệu ước tính do công cụ cung cấp, khách hàng sử dụng điện có thể biết được cơ bản những thiết bị điện trong gia đình tiêu thụ 1 tháng bao nhiêu số điện (kWh).
Qua đó, khách hàng có thể điều chỉnh thói quen, hành vi sử dụng điện của mình để việc sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm, đặc biệt vào những thời điểm xảy ra thời tiết nắng nóng cực đoan. Công cụ được xây dựng với giao diện đơn giản, thân thiện phù hợp với các thiết bị phổ thông như điện thoại di động thông minh, máy tính để khách hàng dễ hiểu, dễ tính toán, dễ dàng sử dụng.
PV: Để độc giả dễ hình dung, xin mời ông Lê Văn Trang - Phó Tổng giám đốc EVNNPC, nêu ví dụ cụ thể về cách ước tính mức điện năng tiêu thụ của một hộ gia đình 5 người, có 1 phòng khách diện tích là 35 m2 sử dụng 1 điều hòa 18.000 BTU, có 2 phòng ngủ diện tích là 26 m2 và 20m2 sử dụng 2 điều hòa 9.000 BTU, 1 tủ lạnh, 1 máy giặt, 1 bếp từ, 2 bình nóng lạnh, 4 quạt, 1 ti vi và hệ thống chiếu sáng phòng khách, bếp và các phòng ngủ, cầu thang...; đây là câu hỏi của ông Nguyễn Đình Tuấn - Thành phố ninh Bình.
Ông Lê Văn Trang - Phó Tổng giám đốc EVNNPC: Về vấn đề ước tính điện năng tiêu thụ, vừa qua EVN có xây dựng công cụ hỗ trợ khách hàng tự ước tính lượng điện năng tiêu thụ của gia đình mình. Để sử dụng công cụ ước tính điện năng, người tiêu dùng có thể vào website: https://uoctinhdiennang.evn.com.vn và khai báo các thiết bị điện của gia đình để ước tính điện năng.
Nguyên tắc tính toán ước tính điện năng tiêu thụ của gia đình là lấy công suất của thiết bị nhân với thời gian sử dụng trong ngày nhân với 30 ngày sử ng trong tháng, tính điện tiêu thụ của từng thiết bị cộng lại sẽ cho kết quả ước tính điện năng mà các hộ gia đình sử dụng trong tháng.
Đối với trường hợp độc giả nêu, tôi có thể đưa ra ví dụ cụ thể cách ước tính điện năng tiêu thụ của một hộ gia đình 5 người, nêu trên...Đối với điều hòa:
- Với điều hòa khi vận hành chế độ bình thường 1.000 BTU tương ứng với khoảng 0,1 kWh, và thông thường gia đình sử dụng các phòng ngủ khoảng từ 5 giờ/1 ngày, phòng khách khoảng 3 giờ đến 4 giờ/ngày. Như vậy sản lượng sử dụng riêng cho điều hòa của gia đình trong 1 ngày là:
Điện năng tiêu thụ đối với điều hoà trong 1 ngày:
+ Điều hòa 18.000 BTU lắp tại phòng khách hàng trong 1 ngày: (18000*0,1/1000)* 3 h = 5,4 kWh;
+ Điều hòa của 2 phòng ngủ: (18.000*0,1/1000)*5h = 9 kWh.
Như vậy, tổng điện năng tiêu thụ của 3 chiếc điều hòa trong 1 ngày: 14,4 kWh và trong 1 tháng: 432 kWh.
Thêm ví dụ tính toán đối với quạt điện: Công suất quạt thông thường là 65 W, mỗi phòng 1 chiếc, thời gian sử dụng khoảng 6 giờ/ngày, như vậy điện tiêu thụ bình quân 1 ngày: (0,065x4) * 6h = 1,56 kWh; 1 tháng bằng: 46,8 kWh.
Tính toán như vậy tương tự đối với các thiết bị điện sử dụng khách khác của hộ gia đình nêu trên thì sử 1 tháng sẽ sử dụng khoảng từ 760-850kWhkWh/tháng.
PV: Bắt đầu vào các tháng hè, hoá đơn tiền điện “đến hẹn lại lên” lại tăng cao, nguyên nhân do đâu thưa PGS. Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi? Đây là câu hỏi của bạn Hoàng Hồng Hoa - Thành phố Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc.
PGS. Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi: Đúng vậy, tôi có thể nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến điện năng tăng cao khi bước vào mùa hè, cụ thể:
Thứ nhất: Vào thời điểm nắng nóng, mùa hè (thời điểm học sinh nghỉ hè), hầu hết thời gian sử dụng, số lượng các thiết bị tiêu thụ điện đều tăng lên so với ngày bình thường (như điều hoà, quạt điện, tivi...).
Nếu thời tiết mát, hầu hết các hộ gia đình không dùng quạt/Điều hòa hoặc dùng rất ít thời gian trong ngày.
Thời tiết nóng, nhu cầu sử dụng quạt/Điều hòa đó được sử dụng (được bật) nhiều thời gian (nhiều giờ) so với ngày mát.
Điều này minh chứng cho việc, hộ gia đình không tăng thêm thiết bị điện sử dụng nhưng tăng thời gian sử dụng dẫn đến tăng sản lượng tiêu thu, hóa đơn tiền điện sẽ tăng.
Thứ hai: Khi nhu cầu sử dụng điện tăng, số lượng điện tiêu thụ tăng, theo đó hoá đơn tiền điện cho sinh hoạt sẽ tăng theo bởi giá bán điện tăng theo bậc thang.
Thứ ba: Do ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường, công trình kiến trúc, không gian sử dụng thiết bị điện, đặc tính của thiết bị điện, thói quan của người sử dụng...
có tác động rất nhiều đến việc tiêu hao công suất sử dụng điện. Theo phân tích, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa không khí (máy lạnh) có thể tăng từ 2-3%, nhiệt độ tăng khoảng 05 độ C thì điện năng tiêu thụ có thể tăng thêm khoảng 10%. trong quá trình sử dụng chưa quan tâm đến những tiêu hao có công suất nhỏ như: chỉ tắt thiết bị bằng điều khiển, hay bật tắt thiết bị không hợp lý....
Thứ 4: Trong quá trình tiếp nhận yêu cầu của khách hàng về hóa đơn tiền điện tăng cao, ngành điện cũng pháy hiện một số nguyên nhân khác dẫn đến tiền điện tăng như: Dây dẫn sau công tơ bị dò điện ra xung quanh, thói quen không tắt điện khi sử dụng các thiết bị điện, sử dụng nhiều thiết bị có công suất quá lớn so với nhu cầu…
PV: Với phần lý giải rất chi tiết từ các chuyên gia, độc giả đã có thể hiểu thêm về cách ước tính mức điện năng tiêu thụ của gia đình. Nhưng khi cầm hóa đơn trên tay, nhiều người rất phân vân với con số phải trả bởi điện sinh hoạt được tính theo mức bậc thang sử dụng, xin mời PGS. Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi có thể phân tích các công thức để tính hóa đơn tiền điện trong sinh hoạt, vì sao sử dụng càng nhiều thì phí phải trả lại càng tăng đột biến?
PGS. Tiến sỹ Bùi Xuân Hồi: Trước hết phải thấy rằng câu hỏi này luôn đúng với bất kỳ sản phẩm nào, nếu chúng ta xét vào thời điển khan hiếm của thị trường, tức là vào thời điểm mà cung không đủ để thỏa mãn nhu cầu. Điều này đúng với tình trạng của thị trường điện hiện nay ở nước ta. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam từ 10% - 12%/năm và việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho các ngành kinh tế - xã hội là hết sức khó khăn. Nhưng ở đây, vấn đề liên quan đến thắc mắc có lẽ là về “biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt” hiện hành, trong đó quy định sáu bậc thang và theo lũy tiến tăng giá dần theo sản lượng điện tiêu thụ.
Kinh nghiệm từ ngành điện các nước đang phát triển cho thấy, ở thời kỳ đầu, khi thu nhập quốc dân còn thấp, tỷ lệ người nghèo và thu nhập thấp trong xã hội còn cao, nếu đưa giá điện phản ánh đúng quan hệ cung - cầu của thị trường, nhóm khách hàng nghèo, thu nhập thấp không thể chịu đựng được. Bởi vậy, các nước đang phát triển phải áp dụng biện pháp bù giá giữa các nhóm khách hàng khi xây dựng cơ cấu biểu giá điện. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.
Vì vậy, ngoài việc kiểm soát giá điện, Nhà nước còn có chính sách xây dựng một biểu giá điện theo hướng bù giá giữa các nhóm khách hàng. Mặc dù điều này về lâu dài là không có lợi, do sẽ làm sai lệch tín hiệu thị trường, nhưng lại là một biện pháp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Một phần chênh lệch giá cũng được bù từ những khách hàng có thu nhập cao hơn. Điều này thể hiện sự ưu việt trong chính sách của Nhà nước, chứng tỏ vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
PV: Theo lý thuyết là như vậy nhưng có rất nhiều người cảm thấy công thức và phương pháp theo dõi này rất rắc rối. Vậy có các công cụ nào để người dùng dễ dàng nắm được mức điện năng tiêu thụ và hóa đơn tiền điện của gia đình trong tháng? Xin mời ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực.
Ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực: Theo như tôi được biết, hiện nay EVN đã cũng cấp cho khách hàng công cụ để tính toán, kiểm tra việc tính toán hóa đơn tiền điện trên web CSKH.
Để sử dụng công cụ này, khách hàng sử dụng điện có thể truy cập địa chỉ Website của EVN https://www.evn.com.vn/c3/calc/Cong-cu-tinh-hoa-don-tien-dien-9-172.aspx để sử dụng công cụ.
Với công cụ này, người tiêu dùng căn cứ hóa đơn tiền điện của gia đình để kiểm tra lại việc tính toán tiền điện của gia đình.
Như vậy, với phần phân tích từ các chuyên gia, độc giả đã có thể hiểu được cách tính toán hóa đơn tiền điện cần dựa trên công suất tiêu thụ của từng thiết bị. Ngoài ra, để người dùng có phương án sử dụng tiết kiệm điệu hiệu quả, dễ dàng theo dõi mức điện năng tiêu thụ, Tổng công ty Điện lực miền Bắc có nhiều kênh để tra cứu như website, tổng đài, Zalo hoặc tại trang uoctinhdiennang.evn.com.vn.
Một chủ đề khác được độc giả rất quan tâm, cũng là phần hai của buổi tọa đàm hôm nay là cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
(Còn nữa).