Cải tạo, nâng cấp TBA 220 kV Hà Đông (Công ty Truyền tải Điện 1): Để xứng đáng là vị trí trọng yếu

Thứ năm, 4/1/2007 | 00:00 GMT+7

Là đầu mối cung ứng điện năng cho khu vực Hà Nội, Hà Tây, đồng thời là một nút quan trọng ảnh hưởng đến toàn lưới điện miền Bắc, Trạm biến áp 220 kV Hà Đông (Công ty Truyền tải điện 1) có vị trí hết sức trọng yếu. Tuy nhiên, sau mấy chục năm vận hành không ngừng nghỉ, hệ thống thiết bị đã trở nên già nua, lạc hậu và không còn đảm bảo an toàn, tin cậy. Việc cải tạo, nâng cấp Trạm trở thành nhu cầu tất yếu và hết sức cấp bách.

 

Ông Vũ Hữu Hoa - Giám đốc Công ty TTĐ1 kiểm tra vận hành tại Trạm biến áp 220 kV Hà Đông

Ông Vũ Ngọc Minh, Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 cho biết: Trạm 220 kV Hà Đông được xây dựng năm 1982 trên cơ sở mở rộng, nâng cấp Trạm 110 kV cũ (xây dựng từ năm 1963). Trạm có 2 nguồn là đường dây 220 kV lấy điện từ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và đường dây 500 kV nhận điện từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Trạm cấp điện cho khu vực Hà Nội, Hà Tây và là trạm đầu mối cấp điện cho Trạm 220 kV Chèm và Mai Động. Trải qua thời gian dài vận hành, lại hứng chịu sự tàn phá qua hai lần chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ nên các thiết bị (chủ yếu của Liên Xô cũ) đã hư hỏng, lạc hậu, cũ kỹ, không còn đảm bảo an toàn trong vận hành. Nhiều sự cố xảy ra gây gián đoạn vận hành Trạm như nổ TU, nổ máy biến dòng, sét đánh, các trụ sứ tróc men, bám bẩn, nứt gãy tự nhiên... Trong khi nhu cầu phụ tải không ngừng tăng cao, nếu tiếp tục vận hành Trạm với tình trạng thiết bị “quá đát” sẽ rất nguy hiểm, không chỉ đối với các phụ tải liên quan mà đối với cả hệ thống điện của miền Bắc.

Trước tình hình đó, PTC1 đã khẩn trương đề nghị và được EVN cho phép đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhằm nâng cao năng lực và độ tin cậy cấp điện cho Trạm cũng như góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống điện toàn miền Bắc. Theo đó, dự án được đơn vị thi công thực hiện đồng thời tại hai khu vực 220 kV và 110 kV với các hạng mục như: Nâng công suất máy biến áp 2T-110/40 MVA-110/35/6 kV bằng máy biến áp 63 MVA-110/35/23(6) kV; thay thế các tủ 6 kV bằng các tủ 22 kV và bổ sung thêm tủ 22 kV để đảm bảo nhu cầu khai thác 22 kV sau này (trước mắt, các tủ 22 kV vận hành ở điện áp 6 kV). Thay thế tất cả dao cách ly, chống sét van, biến điện áp của Liên Xô cũ bằng thiết bị mới, đồng thời bổ sung đầy đủ biến điện áp cho các ngăn lộ dây...; nâng cấp hệ thống rơ le bảo vệ, đảm bảo đầy đủ các chức năng bảo vệ cho các thiết bị. Ngoài ra, nhà điều khiển 110 kV cũng được cải tạo, nâng nền, khắc phục tình trạng ngập úng, đảm bảo an toàn cho các thiết bị. 

Theo ông Vũ Ngọc Minh, việc thực hiện dự án là rất khó khăn do phải “thi công nóng”, tức là vừa thi công, vừa vận hành. Hơn nữa, việc thay thế, sửa chữa các thiết bị không thể thực hiện đồng loạt mà phải thao tác theo từng vị trí thiết bị cụ thể nên rất tốn công sức, thời gian, và cũng rất nguy hiểm, phức tạp. Chẳng hạn như hạng mục thay dao cách ly, vị trí thay lại nằm giữa các thanh cái đang mang điện, nên nếu không phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa các tổ thi công, không bảo đảm khoảng cách an toàn thì rất dễ xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, do có phương án thi công chi tiết và hợp lý cùng với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt bậc của các kỹ sư, công nhân, đến nay, dự án đã hoàn thành xong hạng mục nhất thứ, đã lắp đặt xong các dao cách ly, TU đường dây. Hạng mục nhị thứ đang được phê duyệt thiết kế kỹ thuật, sau đó sẽ được triển khai thi công ngay.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Trạm 220 kV Hà Đông đã và đang “thổi” một luồng sinh khí mới cho Trạm. Khi những thiết bị cũ kỹ, lạc hậu được thay thế hoàn toàn bằng những thiết bị hiện đại, chắc chắn Trạm sẽ vững vàng hơn với vai trò một đầu mối trọng yếu cấp điện cho Thủ đô Hà Nội và khu vực lân cận. Và với CBCNV Công ty Truyền tải điện 1, đặc biệt là những kỹ sư, công nhân trực tiếp làm việc tại Trạm, sẽ không còn những cảm giác thấp thỏm, lo âu mà thay vào đó là sự tự tin, phấn khởi trong mỗi ca trực vận hành. 

Sản lượng truyền tải qua Trạm năm 2005 là 7,2 tỷ kWh; năm 2006  là 7,6 tỷ kWh.

Tổng mức đầu tư cho dự án Cải tạo, nâng cấp Trạm: Trên 56,8 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư do EVN bố trí theo kế hoạch.

 

Theo Tạp chí Điện lực số 12 - 2006