Tin thế giới

Campuchia: Phấn đấu năm 2030 đạt 70% năng lượng sạch

Chủ nhật, 24/11/2024 | 09:40 GMT+7
Tại Hội nghị thường niên của Bộ Mỏ và Năng lượng, ông Keo Rattanak- Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Campuchia cho biết Campuchia đặt mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 70% vào năm 2030.

Dự án điện Mặt trời tại Campuchia. (Ảnh minh hoạ). 

Cụ thể, Phát biểu tại Hội nghị thường niên của Bộ Mỏ và Năng lượng, ông Keo Rattanak cho biết, việc xây dựng 13 dự án phát điện mới với tổng công suất 1.275 megawatt (MW) đang được tiến hành. Ông Keo Rattanak, nói: "Ngoài ra, có thêm 23 dự án phát điện bổ sung với tổng công suất 5.950 MW đã được lên kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2025-2029 nhằm đạt được mục tiêu 70% thị phần năng lượng sạch vào năm 2030".

Các nguồn năng lượng tái tạo chính của Campuchia hiện nay là thủy điện, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối. Ông Rattanak thông tin thêm, cho đến nay, tổng cộng 99,15% tổng số làng mạc ở Campuchia đã có điện và 95,24% (khoảng 3,66 triệu hộ) đã được kết nối với lưới điện quốc gia. Đáng chú ý "100% các ngôi làng của Campuchia sẽ có điện từ lưới điện quốc gia trong tương lai gần", ông Rattanak nói .

Theo Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia, Trung Quốc hiện là nhà đầu tư hàng đầu vào phát triển các nhà máy thủy điện ở Campuchia. Trước đó, Chính phủ Campuchia đã chi gần 6 tỷ USD nhằm đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch.

Bộ trưởng Keo Rottanak thông tin thêm, trong số 23 dự án phát triển ngành điện vừa được Chính phủ Campuchia phê duyệt với tổng vốn đầu tư lên đến 5,79 tỷ USD, có 12 dự án điện năng lượng mặt trời, 6 dự án điện gió, 1 dự án điện năng lượng mặt trời kết hợp điện sinh khối, 1 dự án điện khí hóa lỏng (LNG), 1 dự án thủy điện và 2 dự án lưu trữ điện năng. Trong số này, có 21 dự án sản xuất điện có tổng tổng công suất thiết kế 3.950 MW, chủ yếu là dự án phát triển năng lượng sạch.

Các dự án được phê duyệt giúp Campuchia đảm cung cấp đủ nguồn điện cho nhu cầu sử dụng điện năng ngày một tăng cao với mức giá phù hợp, đồng thời cho thấy nỗ lực của quốc gia Đông Nam Á này trong việc hướng tới mục tiêu đảm bảo 70% nguồn năng lượng sạch vào năm 2030.

Link gốc

 

Theo: Thiên nhiên môi trường