Một trang trại điện gió ngoài khơi ở gần Saint Quay Portrieux, Brittany, Pháp. Ảnh: Reuteurs/ Stephane Mahe.
Sở hữu nguồn năng lượng vô tận từ sức gió, điện gió ngoài khơi hiện đang đóng vai trò lớn trong chiến lược chuyển đổi năng lượng của các chính phủ trên toàn cầu, đặc biệt là tại các vùng ven biển đông dân. Tuy nhiên chỉ sau một năm ngưng trệ, ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi toàn cầu không còn nhiều cơ hội để đạt được những mục tiêu lớn đã đặt ra trước đó, đồng thời đánh dấu một bước thụt lùi trong hành trình chống biến đổi khí hậu.
Thực trạng trì trệ của ngành điện gió ngoài khơi toàn cầu
Vào năm 2023, các quốc gia trên thế giới đã đồng lòng đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần sử dụng năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu lớn lao này, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (International Renewable Energy Agency - IRENA) đã yêu cầu công suất sản lượng điện gió ngoài khơi phải tăng vọt từ mức hiện tại 73 GW lên mức 494 GW vào cuối thập kỷ này.
Ông Francesco La Camera, Tổng Giám đốc IRENA cho biết, với tình hình thụt lùi như hiện nay, điện gió ngoài khơi toàn cầu sẽ không đạt được ⅓ mục tiêu đã đề ra trước đó. Theo ước tính, phải sau năm 2035, thế giới mới sản xuất đủ 500 GW công suất điện gió ngoài khơi.
Tại quốc gia hàng đầu như Mỹ thì mục tiêu điện gió ngoài khơi được đặt ra vào năm 2021 là 30 GW vào năm 2030. Thế nhưng, theo Phòng Thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Mỹ (National Renewable Energy Laboratory - NREL), tính đến tháng 5/2024, công suất điện gió ngoài khơi tại quốc gia này đạt chưa tới 200 MW.
Trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Joe Biden, 15 GW điện gió ngoài khơi đã được cấp phép với 6 đợt bán và nhiều ưu đãi thuế cho ngành. Tuy nhiên, ngành điện gió ngoài khơi tại Mỹ đã bị xáo trộn kể từ năm 2023 do các dự án và hợp đồng bị hủy bỏ, chính phủ đình chỉ đấu giá cho thuê bờ biển. Giờ đây, với sự thay đổi chính sách từ chính quyền Biden sang chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump, ngành điện gió có thể gặp nhiều bất lợi hơn khi ông Trump tuyên bố sẽ lược bỏ bớt các chính sách ưu ái dành cho ngành năng lượng tái tạo.
Ông Michael Mueller, Giám đốc Tài chính của công ty phát triển dự án điện gió ngoài khơi RWE, Đức nhận định, việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi tại Mỹ sẽ có rủi ro cao hơn trước đây khi có kết quả bầu cử Mỹ vào hồi đầu tháng 11 vừa qua. Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, Na Uy cũng hy vọng Mỹ có thể đạt được gần nửa mục tiêu vào năm 2030.
Trước những nhận định này, đại diện chính quyền Biden và nhóm chuyển giao của ông Trump vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào. Ông Carl Fleming - đại diện của công ty luật McDermott Will & Emery chuyên tư vấn cho Nhà trắng về chính sách năng lượng tái tạo khẳng định, trong điều kiện thị trường như hiện nay, cho dù người nắm quyền Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ mới là ai, quốc gia này vẫn sẽ không bỏ lỡ các mục tiêu về năng lượng tái tạo đã đề ra trước đó.
Bên cạnh Mỹ thì châu Âu cũng là một thị trường tiềm năng cho năng lượng gió ngoài khơi. Nhóm thương mại công nghiệp Wind Europe kỳ vọng Liên minh châu Âu (European Union - EU) có thể đạt công suất điện gió ngoài khơi 54 GW vào năm 2030. Đây là con số bằng ½ so với mức 120 GW của các quốc gia Biển bắc đã cam kết trước đó.
Tuy nhiên, theo ông Petra Manuel, chuyên gia phân tích điện gió ngoài khơi của công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, các quốc gia tại châu Âu hiện cũng chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Với các quốc gia có mục tiêu điện gió ngoài khơi cao nhất như Anh, Đức, Hà Lan, sản lượng hy vọng đạt được từ 60 - 70% mục tiêu.
Anh Quốc được coi là thị trường điện gió ngoài khơi lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Với tình trạng chậm trễ như hiện nay, quốc gia này cũng sẽ không đạt được mục tiêu 60 GW vào năm 2030. Ông Damien Zachlod, Giám đốc Điều hành công ty điện gió ngoài khơi EnBW Generation của Anh cho biết, hiện tại quốc gia này đã tổ chức các phiên đấu giá có ưu đãi và tài trợ tốt nhất vào hồi tháng 9 vừa qua. Trong phiên đấu giá có bổ sung thêm 4,9 GW với các thỏa thuận mới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 60 GW đúng thời hạn, các phiên đấu giá trong tương lai sẽ phải đảm bảo sản lượng nhiều hơn.
Là quốc gia đứng đầu thế giới về điện gió ngoài khơi nhưng Trung Quốc lại đang đi ngược lại với xu hướng toàn cầu. Hầu hết các công ty trong ngành điện gió ngoài khơi tại quốc gia này đều là quốc doanh và nhận được những khoản trợ cấp, chi phí tài chính thấp. Trong số 2023 công trình điện gió ngoài khơi trên khắp thế giới, Trung Quốc đã chiếm tới phân nửa. Theo ước tính của Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (Global Wind Energy Council - GWEC), quốc gia này sẽ nâng sản lượng từ 6,3 GW lên 11 - 16 GW mỗi năm trong thời gian từ 2 - 3 năm tới.
Gần nửa số lượng trang trại điện gió ngoài khơi trên thế giới đều nằm tại Trung Quốc. Ảnh: Finalcial Times.
Những rào cản ngăn ngành điện gió toàn cầu ngoài khơi tiến xa
Chỉ trong vòng 1 năm, các dự án điện gió ngoài khơi liên tiếp bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Các khoản đầu tư vào lĩnh vực này cũng như chuỗi cung ứng đang là những cản trở khiến cho ngành điện gió ngoài khơi bỏ lỡ các mục tiêu đã đề ra.
Ông Soren Lassen, Giám đốc nghiên cứu năng lượng gió ngoài khơi thuộc công ty nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie, Anh Quốc cho biết, các trang trại gió ngoài khơi hiện có chi phí trung bình trên toàn cầu là 230 USD/ MWh. Con số này đã tăng từ 30 - 40% chỉ trong vòng 2 năm qua, tức là cao hơn gấp 3 lần so với chi phí trung bình của các trang trại gió trên đất liền chỉ ở mức 75 USD/ MWh.
Chính vì chi phí tăng cao mà các công ty năng lượng gió đã phải rút lui khỏi sân chơi đắt đỏ này. Ngay cả tập đoàn năng lượng toàn cầu hàng đầu thế giới như BP Group, Anh Quốc cũng đang cân nhắc tới việc bán cổ phần lĩnh vực điện gió của mình. Trong khi đó, công ty năng lượng đa quốc gia Equinor của Na Uy cũng đã hủy bỏ các khoản đầu tư năng lượng gió vào Việt Nam, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ đầu năm nay.
Ngoài trừ quốc gia lớn mạnh về kinh tế như Trung Quốc, thì các quốc gia châu Á khác như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã tìm hướng mở rộng dự án điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, những khó khăn về chi phí và chính cách chưa thống nhất, đồng bộ đã ngăn cản các dự án điện gió ngoài khơi phát triển.
Trước kia, nguồn cung ứng thiết bị giá rẻ từ Trung Quốc sẽ giúp các nhà đầu tư dự án ở châu Âu, Nhật và Mỹ giảm được chi phí. Để tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc, chính phủ các quốc gia này đã khuyến khích sản xuất chuỗi cung ứng tại địa phương. Trong bối cảnh ngành điện gió ngoài khơi đang trì trệ như hiện nay thì việc đầu tư vào chuỗi cung ứng cũng không được quan tâm như trước.
Phải thẳng thắn chấp nhận rằng chúng ta đang có nguy cơ bỏ lỡ các mục tiêu của ngành năng lượng gió ngoài khơi toàn cầu cũng như chậm mất một nhịp để hòa cùng với hành trình chuyển đổi xanh của thế giới. Thế nhưng, sự chậm trễ này cũng chưa hẳn là dấu chấm hết.
Bà Rebecca Williams, Phó Giám đốc Điều hành khối thương mại của Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu GWEC, chỉ cần có những chính sách phù hợp, ngành năng lượng gió ngoài khơi vẫn có tiềm năng đạt được các mục tiêu đề ra trước đó.
Link gốc