Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Hoạt động trên do Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Nam và Sở Công thương TP. Cần Thơ tổ chức. Tham gia lớp tập huấn có các cán bộ Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Công ty Điện lực các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ; cán bộ các sở, ban, ngành, đoàn thể; cán bộ các cấp của TP. Cần Thơ.
Ngay trong phần đầu nội dung phát biểu, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - khẳng định, điện là một trong những nguồn năng lượng quan trọng của mỗi quốc gia. Việt Nam cũng vậy, điện giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân; nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội ngày càng tăng. Hiện tại, để tăng 1% GDP, điện năng phải tăng từ 2% trở lên. Việc đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất và đời sống là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng hàng đầu.
Ông Hùng nhấn mạnh; than và dầu khí là các nguồn năng lượng không tái tạo, càng sử dụng nhiều càng mau cạn kiệt. Việt Nam, từ một nước xuất khẩu đã trở thành nước nhập khẩu than. Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo nhưng trữ lượng đã khai thác tối đa. Điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác, mới phát triển, giá thành cao nên việc khai thác còn hạn chế.
Năm 2018, mới chỉ chiếm trên 1,1%/ tổng sản lượng điện. Năm 2019, sản lượng của điện gió và mặt trời là 5,89 tỷ kWh, chiếm 2,4% sản lượng điện của hệ thống. Theo dự tính, năm 2020, sản lượng điện gió và điện mặt trời sẽ là 10,81 tỷ kWh, có thể chiếm tới 4,3% sản lượng điện sản xuất.
"Nhu cầu điện trên đầu người (kWh/người) của Việt Nam tuy còn thấp so với nhiều nước, nhưng hàng năm đều tăng (...). Trong khi đó, vấn đề đáng quan tâm là tình trạng sử dụng điện kể cả trong sản xuất và trong sinh hoạt còn rất lãng phí. Vì vậy, để bảo đảm nhu cầu, vấn đề đặt ra là đi đôi với tăng sản lượng, cần thực hành chính sách tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả" - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ.
Theo đánh giá của Viện Năng lượng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năm 2006 năng lượng tiết kiệm tuy chỉ bằng 1,56% tổng mức tiêu thụ điện trong năm, nhưng con số tuyệt đối tương đương 1,6 tỷ kWh; năm 2007 là 3,15%, tương đương 6,55 tỷ kWh; năm 2008 là 3,48%, tương đương 8 tỷ kWh. Riêng Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, sản lượng điện tiết kiệm năm 2017 là hơn 1,3 tỷ kWh. Qua đó cho thấy ý nghĩa to lớn của chính sách tiết kiệm điện.
Nhận thấy tiềm năng về vị trí địa lý của tỉnh thích hợp để phát triển nguồn năng lượng mặt trời, hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được nhiều gia đình quan tâm.
Hiện tại, Sở Công thương TP. Cần Thơ đang hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt chú trọng khai thác năng lượng mặt trời. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam ban hành năm 2017 đã tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình triển khai đầu tư xây dựng.
Ngoài chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, buổi tập huấn cũng nêu cao lợi ích của việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời như góp phần tiết kiệm điện cho hệ thống điện quốc gia, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sinh hoạt tại các hộ gia đình. Bên cạnh đó, đây còn là nguồn năng lượng sạch, giúp bảo vệ môi trường, tránh tác động xấu của biến đổi khí hậu.
Link gốc