Cán bộ Điện lực TP Cẩm Phả tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Vì vậy đòi hỏi tỉnh cần phải có định hướng kế hoạch cụ thể, dài hơi trong triển khai thực hiện tiết kiệm năng lượng và hiệu quả.
Thống kê của Sở Công Thương cho thấy, giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân sử dụng năng lượng trên địa bàn tỉnh đạt gần 6% và đến hết năm 2019, tổng nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh đạt trên 5 triệu TOE. Trong đó, nhu cầu sử dụng năng lượng của ngành nông nghiệp tăng trên 32%; công nghiệp, xây dựng tăng 5,8%; thương mại, dịch vụ tăng 5,9%; giao thông vận tải tăng 5,6% và các hoạt động khác tăng 10,63%...
Xác định vai trò quan trọng của năng lượng, thời gian qua các cấp, các ngành của tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đã tiết kiệm được trên 245 triệu kWh điện; tổn thất khai thác than giảm từ 6% xuống 4,5% đối với khai thác lộ thiên và từ 29% xuống 24% đối với khai thác than hầm lò; nhận thức của nhân dân trong sử dụng điện tiết kiệm được nâng lên. Riêng TP Hạ Long và Uông Bí đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tiết kiệm điện và trung tâm điều khiển công suất; nhiều mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được áp dụng trong cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; xăng sinh học được ứng dụng rộng rãi trên địa bàn.
Lắp mặt trời áp mái là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực lên hệ thống lưới điện của tỉnh. Ảnh: Công ty Điện lực Quảng Ninh kiểm tra hệ thống điện mặt trời áp mái tại gia đình ông Đào Quang Tuấn (khu 7, phường Cao Xanh, TP Hạ Long).
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng nhìn nhận thực tế cũng cho thấy việc triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm chưa thực sự quan tâm đến tiết kiệm năng lượng; việc đầu tư thay thế dây chuyền thiết bị tiết kiệm năng lượng gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư lớn, đội ngũ người quản lý năng lượng mặc dù được đào tạo nhưng kết quả triển khai tại cơ sở chưa cao.
Điều đáng nói là theo dự báo, tổng tiêu thụ năng lượng toàn tỉnh đến năm 2025 dự kiến đạt khoảng 43,8 triệu TOE, riêng năm 2025 sẽ đạt gần 9,1 triệu TOE, có nghĩa là nhu cầu tiêu thụ năng lượng của tỉnh trong năm 2025 sẽ tăng gần gấp 2 lần so với năm 2019. Nếu như việc sử dụng năng lượng không thực sự tiết kiệm và hiệu quả ngay từ bây giờ, nguy cơ thiếu điện trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới là rất lớn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo chuyển biến đột phá trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, hiện Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2030. Kế hoạch nêu chi tiết nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho từng sở, ngành, địa phương liên quan cũng như trách nhiệm của cộng đồng.
Trong đó, có nhiều giải pháp đột phá, quyết liệt hơn so với giai đoạn trước và yêu cầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm trong việc triển khai kế hoạch như: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện các giải pháp kỹ thuật, thúc đẩy các dự án đầu tư về sử dụng năng lượng tiết kiệm đối với hoạt động sản xuất; kiểm tra, giám sát và đánh giá về kết quả thực hiện; truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng; tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về sử dụng năng lượng...
Ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Quản lý Năng lượng (Sở Công Thương) cho biết: Mục tiêu kế hoạch đặt ra là phấn đấu hàng năm tiết kiệm 2% tổng điện năng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với các ngành có mức tiêu thụ năng lượng lớn, mức giảm bình quân trong tổng tiêu thụ toàn ngành như: Rượu, bia và nước giải khát 8%; cơ khí 9,1%; dệt may 7,3%; hóa chất 8,5%; khai thác than 6,9%; sản xuất nhựa 9,7%; sản xuất vật liệu xây dựng 7,2%; xi măng 11,4%. Đối với các ngành công nghiệp khác giảm 9%.
Link gốc