Quản lý năng lượng

Cần cơ chế phù hợp

Thứ tư, 9/1/2019 | 08:58 GMT+7
Là quốc gia có thế mạnh về năng lượng tái tạo ( NLTT), nhưng đến nay, nguồn năng lượng này ở Việt Nam phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Giá thành đầu tư cho NLTT đang được xem là “rào cản” lớn để phát triển nguồn năng lượng này tại Việt Nam.

can co che phu hop
Dự án điện gió Phú Lạc đã từng bước phát huy hiệu quả
 
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - cho biết: “Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển NLTT, theo kịch bản sơ bộ, Việt Nam có thể khai thác đến 50.000 MW công suất với sản lượng hơn 10 tỷ kWh từ NLTT vào năm 2030 và lên đến 70.000-80.000 MW vào năm 2035, tuy nhiên chi phí sản xuất và giá thành đang được xem là rào cản chính cho phát triển NLTT”.
 
Nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý thì NLTT sẽ đóng góp rất lớn cho nhu cầu của quốc gia về sản lượng điện và đảm bảo an ninh năng lượng. Quan trọng hơn, phát triển NLTT sẽ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính. Do đó, để thúc đẩy phát triển NLTT, Việt Nam cần có các công cụ chính sách hỗ trợ như: Cơ chế hạn ngạch, cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu và cơ chế cấp chứng chỉ - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.

Liên quan đến cơ chế hạn ngạch (định mức chỉ tiêu): Chính phủ quy định bắt buộc các đơn vị sản xuất (hoặc tiêu thụ) phải đảm bảo một phần lượng điện sản xuất/tiêu thụ từ nguồn NLTT, nếu không sẽ phải chịu phạt theo định mức đặt ra theo tỷ lệ. Cơ chế này có ưu điểm là sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh giữa các công nghệ NLTT, giúp Chính phủ chỉ quy định hạn ngạch nhằm đạt mục tiêu định ra cho NLTT, còn giá thành sẽ do thị trường cạnh tranh tự quyết định...
 
Về cơ chế giá cố định: Chính phủ định mức giá cho mỗi kWh sản xuất ra từ NLTT, định mức giá có thể khác nhau cho từng công nghệ NLTT khác nhau. Chính phủ tài trợ cho cơ chế giá cố định từ nguồn vốn nhà nước hoặc buộc các đơn vị sản xuất, truyền tải phải mua hết điện từ nguồn NLTT. Cơ chế này giảm thiểu những rủi ro cho các nhà đầu tư vào NLTT. Tuy nhiên, hạn chế là với giá cố định cho một thời gian dài sẽ khó kiểm soát được lợi nhuận của các nhà đầu tư và tăng chi phí cho việc điều độ…
 
Cơ chế đấu thầu: Chính phủ sẽ đề ra các tiêu chí đấu thầu cạnh tranh, có thể riêng cho từng loại công nghệ NLTT. Ưu thế của cơ chế này là sự cạnh tranh làm giảm chi phí bù giá tối thiểu. Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát số lượng dự án được lựa chọn, có nghĩa là kiểm soát được chi phí bù lỗ. Song cơ chế này cũng bộc lộ một số nhược điểm là khi trúng thầu, nhà đầu tư có thể sẽ trì hoãn việc triển khai dự án do nhiều lý do: Chờ đợi thời cơ để giảm giá thành đầu tư, chấp nhận đấu thầu lỗ chỉ nhằm mục đích găm dự án không cho đơn vị khác cạnh tranh và sẽ không triển khai các dự án lỗ…
 
Với cơ chế cấp chứng chỉ, có thể là chứng chỉ sản xuất, hoặc chứng chỉ đầu tư, hoạt động theo nguyên tắc cho phép các đơn vị đầu tư vào NLTT được miễn thuế sản xuất cho mỗi kWh, hoặc khấu trừ vào các dự án đầu tư khác. Cơ chế này có ưu điểm là đảm bảo sự ổn định cao, đặc biệt khi cơ chế này được dùng kết hợp với các cơ chế khác để tăng hiệu quả. Tuy nhiên, hạn chế nữa là cơ chế này thiên về ủng hộ các đơn vị lớn, có tiềm năng và nhiều dự án đầu tư để dễ dàng khấu trừ thuế vào đó…
 
Hiện tại, Việt Nam chưa có cơ chế hỗ trợ phát triển NLTT một cách tổng thể, ngoài cơ chế hỗ trợ giá riêng cho cho điện gió được thông qua năm 2011. Trong một số dự án nghiên cứu do Viện Năng lượng tiến hành trong thời gian qua, một số cơ chế khác như cơ chế đấu thầu hoặc cơ chế hạn ngạch cũng đã cho thấy có khả năng thích hợp. Ngoài ra, để hỗ trợ các dự án NLTT nhỏ và độc lập (không nối lưới), các nghiên cứu trên cũng cho thấy một “cơ chế cấp tín dụng trực tiếp cho người tiêu dùng” là thích hợp trong điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng bất cứ cơ chế nào cũng nên áp dụng bổ sung các chế tài hoặc các cơ chế hỗ trợ khác để phát huy hiệu quả tối đa sự hỗ trợ phát triển NLTT.
Theo: Kinh tế Việt Nam