Công nhân thi công lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời Dự án Nhà máy điện mặt trời Bim 2 tai xã Phước Ninh (Thuận Nam, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Chiều ngày 7/12, tại Hội thảo “Điện mặt trời mái nhà, giải pháp xanh - sạch - tiết kiệm cho lĩnh vực công - thương nghiệp” do Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HBA) phối hợp cùng Công ty cổ phần Năng lượng TTC (TTC Energy - thành viên Tập đoàn TTC) tổ chức, các chuyên gia cho rằng, điện mặt trời đã và đang trở thành loại hình thay thế cho các dạng năng lượng hóa thạch ở nhiều nơi trên thế giới; trong đó, năng lượng mặt trời đang có lợi thế khi giá bán thiết bị công nghệ giảm mạnh và có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam.
Báo cáo do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố cho thấy, năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời, sẽ phát triển bùng nổ trên toàn thế giới trong 5 năm tới. Đồng thời, các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ sẽ là những nước đi đầu trong lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, hiện nay, hoạt động sản xuất điện hầu hết đang sử dụng các nguồn tài nguyên truyền thống như than đá, thủy điện và dầu khí.
Tuy nhiên, với nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển nhanh và đứng trước sức ép về nhu cầu năng lượng, về lâu dài đòi hỏi Việt Nam phải có chính sách cụ thể, hướng tới xây dựng cơ cấu năng lượng cân bằng thông qua phát triển năng lượng tái tạo.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA cho biết, tăng cường sử dụng điện mặt trời mái nhà, giải pháp xanh - sạch - tiết kiệm cho lĩnh vực công - thương nghiệp là một trong những chiến lược mục tiêu thực hiện tốt những chỉ thị, quyết định do Chính phủ đề ra và góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.
Cụ thể, ngày 7/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện; trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, mặt trời, biomass…
Ngoài ra, hàng năm các doanh nghiệp thuộc danh mục cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện để tiết kiệm ít nhất bằng 1% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm so với năm trước đó.
Trước bối cảnh này, TTC Energy đã tăng cường hợp tác, liên kết toàn diện cùng các tổ chức tài chính, ngân hàng trong nước và quốc tế, gồm: Vietcombank, OCB, UOB…
Đồng thời, trở thành đối tác chiến lược với các thương hiệu thiết bị điện mặt trời hàng đầu thế giới để đa dạng hóa nguồn sản phẩm phù hợp với từng nhu cầu của khách hàng, đảm bảo định hướng phát triển bền vững và an ninh năng lượng quốc gia.
Sau gần 2 năm đầu tư và phát triển, TTC Energy đã hoàn tất việc đóng điện và đưa vào hoạt động nhiều công trình trong tất cả các lĩnh vực.
Thống kê, với tổng công suất lắp đặt lên đến 15MWp, tiết kiệm được hơn 20.000 tấn CO2 thải ra môi trường… các dự án được lắp đặt ở Khu chế xuất Linh Trung, Trung tâm thương mại Sense City, Khu vui chơi giải trí Đầm Sen, Nhà máy Việt Long Hưng…\
Bà Đỗ Thu Ngân, Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn TTC cho hay, mục tiêu đến năm 2020, TTC Energy dự kiến đạt tổng công suất lắp đặt lên đến 50MWp với mạng lưới công trình trải dài trên khắp các tỉnh, thành trong nước và các quốc gia lân cận bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar…
Song song đó, triển khai trong hầu hết các lĩnh vực, hiện thực hóa mục tiêu rót vốn 100 triệu USD vào lĩnh vực điện mặt trời trên mái nhà từ các nhà đầu tư đối tác chiến lược của TTC Energy trong tương lai.
Kế hoạch triển khai giải pháp toàn diện về điện mặt trời trên mái nhà sẽ góp phần mang đến diện mạo mới cho ngành năng lượng Việt Nam.
Từ đó, TTC Energy mong muốn sử dụng các nguồn lực hiệu quả, tối ưu hóa giá trị gia tăng cho khách hàng, người lao động và tạo ra nguồn năng lượng xanh phục vụ cộng đồng, phát triển theo định hướng tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, bảo vệ môi trường.
Theo tính toán, với mức độ gia tăng nhu cầu năng lượng lên đến 8% vào năm 2018, các tỉnh phía Nam của Việt Nam đang phải đối mặt những thách thức hết sức to lớn trong việc duy trì đà tăng trưởng.
Mặt khác, trong 3 năm tới, các tỉnh phía Nam có khả năng sẽ phải đối mặt với việc thiếu hụt điện ở mức từ 1,2 đến 1,6 tỷ kWh mỗi năm.
Ông Đặng Nguyên Phương, Trưởng Ban kiểm tra giám sát mua bán điện, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho rằng, định hướng của ngành điện Việt Nam, cụ thể là EVN SPC đối với lĩnh vực năng lượng mặt trời là tập trung đảm bảo nguồn cung phát triển công nghiệp, vận động khách hàng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả để giảm lượng cầu, cũng như tăng hiệu suất sử dụng.
Việt Nam có tiềm năng sản xuất điện, nhưng do biến đổi khí hậu, đặc thù truyền tải và phân phối điện, nên cần giải pháp để khắc phục các rào cản còn tồn tại.
Riêng đối với lĩnh vực điện mặt trời, EVN SPC ưu tiên chọn thí điểm triển khai hệ thống và công nghệ cho các doanh nghiệp thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; trồng hoa, chăn nuôi; nhà hàng, khách sạn ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam; trong đó, xúc tiến khuyến khích thu hút các khách hàng công nghiệp thông qua hợp tác với các đơn vị sản xuất kinh doanh tiềm năng đưa giải pháp điện mặt trời vào các khu công nghiệp – khu chế xuất, khu công nghệ cao…
Các tỉnh, thành có khu công nghiệp – khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp đặc thù thì phát triển rất nhanh về điện công nghiệp. Về tăng trưởng điện thương phẩm, khu vực công nghiệp chiếm tỷ lệ hơn 60%.
Để đảm bảo nguồn cung phát triển công nghiệp, cần vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nhằm giảm lượng cầu, tăng hiệu suất sử dụng./.