Diễn đàn năng lượng

Cần “mở đường” cho phát triển điện mặt trời đối với cơ sở sản xuất công nghiệp

Thứ ba, 24/10/2023 | 09:35 GMT+7
Không chỉ giúp giảm chi phí, chủ động nguồn điện trong những thời điểm cần điều tiết luân phiên, sử dụng năng lượng mặt trời còn giúp các nhà máy tiến dần vào lộ trình đáp ứng các tiêu chí sản xuất “xanh” - một trong những đòi hỏi của những thị trường khó tính.

Công trình điện mặt trời áp mái tại Công ty TNHH 888 (Quảng Xương).

Công ty TNHH 888 (xã Quảng Hợp, Quảng Xương) có 2 xưởng may quy mô 1.000 công nhân. Năm 2020, đơn vị đã mạnh dạn đầu tư 8 tỷ đồng cho hệ thống công trình điện mặt trời áp mái công suất 750 KWp tại phân xưởng số 2 được đầu tư xây dựng mới. Ông Đỗ Mạnh Kiên, quản lý dự án điện mặt trời Công ty TNHH 888, cho biết: “Qua gần 4 năm, dự án đang vận hành khá hiệu quả. Vào thời điểm mùa hè, hệ thống đáp ứng tới 80 - 90% nhu cầu sử dụng điện tại nhà máy, với mùa đông thì được khoảng 40 - 50%. Ước tính dự án sẽ thu hồi vốn sau 7 năm và được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi vòng đời dự án lên tới 20 - 25 năm”.

Theo ông Lê Văn Bắc, Giám đốc điều hành công ty thì không chỉ là hiệu quả kinh tế, mà việc sử dụng năng lượng sạch cũng sẽ giúp công ty đáp ứng được tiêu chí xanh - một tiêu chuẩn sản xuất ngày càng được chú trọng bởi các khách hàng khó tính trên thế giới. “Ngoài các thị trường truyền thống là Mỹ, EU, chúng tôi đang tiến tới hợp tác thêm với một số thị trường tiềm năng tại châu Á. Một số khách hàng khó tính luôn có những yêu cầu cao trong sản xuất xanh, sạch, an toàn cho người lao động. Vì vậy, từ khuôn viên nhà máy tới hệ thống đèn, các tiêu chuẩn an toàn về không khí luôn được chúng tôi chú trọng. Việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng là một tiêu chuẩn để công ty hướng tới những tiêu chí sản xuất trung hòa khí nhà kính trong tương lai”.

Cũng trong năm 2020, Công ty TNHH May Hoàng Tùng (Nông Cống) đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái quy mô 989 KWp với tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng. Anh Nguyễn Bá Tùng - giám đốc công ty chia sẻ: “Dự án hoạt động ổn định, chi phí bảo dưỡng thấp. Những năm vừa qua, mùa hè kéo dài nên việc sử dụng năng lượng mặt trời cũng phát huy hiệu quả hơn. Chúng tôi dự kiến thu hồi vốn sau 7 năm đầu tư”.

Thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã đầu tư vốn ban đầu để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái và đã phát huy hiệu quả kinh tế cũng như góp phần giảm tải cho ngành điện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 600 khách hàng là doanh nghiệp, hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 67.134,6 KW. Tổng sản lượng điện phát lên lưới của các hệ thống điện mặt trời áp mái trung bình đạt 63,2 triệu KWh/năm, tương ứng với doanh thu khoảng 122,5 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Công ty Điện lực Thanh Hóa, sau khi các hệ thống điện mặt trời áp mái đi vào hoạt động đã giúp giảm tải từ 0,5% đến 2,1% cho các đường dây 35 KV, 22 KV, 10 KV và lưới điện hạ áp 0,4 KV được đấu nối vào, góp phần giảm tải cho các trạm 110 KV và các trạm biến áp phụ tải. Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà góp phần giảm chi phí tiền điện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình.

Cùng với đó, điểm thuận lợi của những dự án lắp đặt và đấu nối thành công vào lưới điện trước thời điểm 31/12/2020 là được phát bán lại lượng điện dư thừa cho ngành điện, giúp chủ đầu tư có thêm thu nhập.

Mới đây, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điện VIII) đã được Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch này đặt ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030 cả nước có thêm 2.600 MW điện mặt trời đi vào vận hành theo cơ chế tự sản, tự tiêu (không bán lên lưới điện quốc gia). Tuy nhiên quy hoạch cũng nêu rõ mục tiêu và đối tượng ưu tiên là hướng đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu mà chưa đề cập rõ tới việc phát triển năng lượng mặt trời áp mái tại các nhà xưởng, khu công nghiệp.

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, tiềm năng của điện mặt trời áp mái lớn hơn nhiều so với mục tiêu 2.600 MW trong quy hoạch. Hơn nữa, công trình năng lượng áp mái phát huy hiệu quả tốt hơn tại các công xưởng, nhà máy do thời gian hoạt động hiệu quả của công trình trùng với thời gian nhà máy vận hành. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất ngày càng tăng cao, việc đầu tư công trình điện áp mái không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sử dụng điện mà còn hạn chế sự phụ thuộc vào điện lưới, do đó cần được khuyến khích lắp đặt và ban hành quy định cụ thể về kiểm soát để bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống điện khi đi vào vận hành.

Link gốc

 

Theo: Báo Thanh Hóa