Diễn đàn năng lượng

Thúc đẩy tiến trình Phát triển Năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam

Thứ tư, 27/9/2023 | 16:06 GMT+7
Năng lượng tái tạo và LNG, điện khí được đánh giá là 2 nguồn cơ bản giúp Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng xanh và sạch. 

Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây đã xác định rõ điều này. Vấn đề đặt ra là làm sao để hiện thực hoá các mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nguồn điện Việt Nam theo hướng xanh, sạch - trong bối cảnh tăng trưởng điện thương phẩm bình quân của giai đoạn này dự báo vẫn cao - ở mức trên 8,5%, trong khi các nguồn lực vốn, công nghệ, nhân lực… được nhìn nhận là rất hạn chế? Rất nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách cần tháo gỡ được các chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra tại Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình Phát triển Năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam” do Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam và Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương tổ chức hôm nay (27/09/2023). 

Các luận cứ để phát triển, chuyển đổi năng lượng xanh, sạch của Việt Nam được ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đưa ra đầu tiên là năng lượng tái tạo (NLTT), trong đó có điện gió, điện mặt trời đã được đẩy mạnh - thể hiện cụ thể tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (QH điện VIII). Cụ thể, điện gió trên bờ tăng từ 16.000 MW (11%) vào năm 2030 tới 56.000 MW (14,4%) vào năm 2045; điện gió ngoài khơi tăng từ 7.000 MW (4,8%) vào năm 2030 lên tới 64.500 MW (16,6%) vào năm 2045; điện mặt trời quy mô lớn tăng từ khoảng 8.700 MW (6%) vào năm 2030 lên tới 76.000 MW (19,6%) vào năm 2045). 

Cơ hội hiện thực hoá điện gió nhờ vào lợi thế của một quốc gia nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa và bờ biển dài hơn 3.200 km là rất triển vọng. Song, ông Bùi Quốc Hùng cũng điểm danh tới 9 thách thức lớn cho việc phát triển NLTT nói chung, điện gió và điện gió ngoài khơi nói riêng của Việt Nam, nhất là vấn đề vốn lớn, rủi ro cao, thiếu những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời, điện gió...

"Về điện gió còn có các thách thức như: Chưa có quy hoạch không gian biển; Thiếu số liệu về tốc độ gió cho nghiên cứu phát triển nguồn điện gió ở các khu vực khác nhau; Thiết bị nhà máy điện gió đều là thiết bị siêu trường, siêu trọng trong khi cơ sở hạ tầng đường, cảng còn thô sơ dẫn đến rủi ro cao và không đảm bảo an toàn; Thiếu năng lực quản lý, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các dự án điện gió; Thiếu tiêu chuẩn hòa lưới điện quốc gia áp dụng với điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi và hòa lưới điện độc lập dẫn đến quá trình đàm phán đấu nối lưới điện kéo dài".

Cùng với NLTT (điện gió, điện mặt trời), nguồn năng lượng khí LNG cũng chiếm tỷ trọng cao tại Quy hoạch điện VIII - với khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện vào năm 2030 và là một trong các nguồn điện nền - sạch góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho hệ thống điện quốc gia. Song, hàng loạt các rào cản, thách thức được chỉ ra, lớn nhất vẫn là Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong phát triển các chuỗi dự án khí - điện, cũng như xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và tham gia vào thị trường LNG trên thế giới. Tiếp đến là việc không chủ động được nguồn cấp LNG do hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này. Việc phát triển các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lên tới hàng tỷ USD cho cả chuỗi khí - điện, vì vậy để các nhà đầu tư có các tổ chức tài chính chấp thuận thu xếp cho dự án cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý, cung cấp tài chính cho các dự án. Việc thu xếp vốn cho dự án gặp nhiều khó khăn do cần đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính về các điều kiện bảo lãnh, cam kết để dự án đầu tư có hiệu quả.v.v. 

TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam cho rằng, để có đủ nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, phải coi trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế. "Các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch và xanh nói riêng và năng lượng nói chung thì cần một khối lượng và quy mô đầu tư rất lớn. Do đó, nếu không huy động được các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài thì Việt Nam chúng ta khó có thể hiện thực hóa được các mục tiêu đã đặt ra cũng như những mục tiêu đã cam kết. Vì vậy, đẩy mạnh và tăng cường hợp tác thu hút đầu tư nước ngoài sẽ là chìa khóa để thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng sạch xanh của Việt Nam".

Trên cơ sở diễn biến thực tế về sản xuất và tiêu thụ năng lượng, với xu hướng nhu cầu chuyển đổi năng lượng trong tiêu dùng sang điện đã làm cho nhu cầu điện tiếp tục tăng cao, việc nhập khẩu than và các nguồn năng lượng sơ cấp để sản xuất điện thời gian qua đang là thực tế, ông Đỗ Văn Long - Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương nhấn mạnh tới những chính sách đồng bộ trong phát triển các phân ngành năng lượng để giảm thiểu phát thải ra môi trường. Riêng trong phát triển thị trường, ông Đỗ Văn Long nhấn mạnh tới 8 chính sách cơ bản: "Điển hình như là chính sách phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo; Xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; Đồng thời, không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường như thuế, phí và các quỹ… và chính sách an ninh xã hội phải phù hợp…

Theo các chuyên gia, điều quan trọng là các quy hoạch phát triển năng lượng Quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đã được phê duyệt, Chính phủ cần sớm phê duyệt các kế hoạch thực hiện các quy hoạch này để làm cơ sở cho việc triển khai các dự án năng lượng. Đồng thời, để phát triển NLTT, trong đó có điện gió ngoài khơi thì quy hoạch không gian biển cũng phải được ban hành đồng bộ với các quy hoạch trên. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn Quốc gia cho năng lượng tái tạo cũng cần sớm ban hành để có cơ sở áp dụng, thực hiện. Đặc biệt, cần xem xét nghiên cứu xây dựng và sớm trình ban hành Luật năng lượng tái tạo.

Nguyên Long