Diễn đàn năng lượng

Cẩn trọng tấm pin năng lượng mặt trời kém chất lượng

Thứ sáu, 11/9/2020 | 16:17 GMT+7
Doanh nghiệp cho rằng đang có hiện tượng sản xuất pin năng lượng mặt trời không đạt chất lượng như trên mác và bày tỏ quan ngại nếu các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt các tấm pin này.
 
Lắp đặt điện mặt trời mái cần thận trọng hơn về nguồn gốc xuất xứ của thiết bị vật tư.
 
Cơ chế hướng dẫn đã cụ thể
 
Trước những băn khoăn, vướng mắc, không có hướng dẫn rõ trong quy định thế nào là điện mặt trời mái nhà, đã bị nhiều nhà đầu tư trục lợi để hưởng khuyến khích từ quy chế; mới đây, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
 
Cụ thể, theo Quy định chung về điện mặt trời mái nhà tại Quyết định 13 và Thông tư 18, ghi rất rõ hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của bên mua điện.
 
Trong hướng dẫn còn chỉ rõ, về trường hợp hệ thống ĐMTMN của công trình trang trại nông nghiệp: Trên cơ sở quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư 02), chủ trang trại có trách nhiệm tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn; tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Để phù hợp với quy định tại Quyết định 13, công trình xây dựng của trang trại phải có mái nhà. Mái nhà của trang trại cần phù hợp với công năng, loại hình trang trại.
 
Ngoài ra, với hệ thống điện mặt trời công suất đến 01 MW, lắp đặt trên hệ thống khung giá đỡ (không có mái nhà) hoặc lắp đặt trên đất; trường hợp hệ thống điện mặt trời lắp trên mái nhà xưởng trong khu công nghiệp vừa mua điện của EVN để sử dụng vừa bán điện của hệ thống ĐMTMN lên lưới của EVN tại cấp điện áp 110 kV; Trường hợp hệ thống ĐMTMN của trang trại với công suất > 01 MW; trường hợp hệ thống ĐMTMN đấu nối vào cấp điện áp trên 35 kV thì không được áp dụng giá bán điện đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà theo quy định tại Quyết định 13.
 
Lo ngại tấm pin mặt trời kém chất lượng
 
Hiện tại nguồn gốc xuất xứ pin mặt trời, thiết bị vật tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời đang được khá nhiều khách hàng quan tâm. Đứng trước cơn sốt ĐMTMN tại Việt Nam, gần đây càng có nhiều đơn vị cung cấp sản phẩm, thiết bị vật tư với nhiều thương hiệu, dẫn đến việc cạnh tranh về giá để thu hút khách hàng. Nhiều đại lý nhỏ lẻ lợi dụng sức nóng của thị trường, nhằm cung cấp hàng không đảm bảo chất lượng, gắn mác nào vào tấm pin.
 
Ông Đào Du Dương – Bảo Long Solar Energy cho biết, hiện tại các tấm pin hiện nay chỉ đảm bảo 80% công suất, cụ thể hệ thống 1MW thì chỉ đạt 800KW là tối đa, còn bình quân chỉ đạt khoản 70%. Mặc khác, do tình hình Covid-19 thế giới rất căng thẳng, việc nhập khẩu các thiết bị từ chất lượng từ Châu Âu là rất hạn chế, đặc biệt giá rất cao, phần lớn các tấm pin và thiết bị lắp đặt đều từ phía Trung Quốc, các tấm pin được đặt theo yêu cầu của đơn vị mua có thể gắng nhãn mác bất kỳ.
 
Trong tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2020 vừa qua, ông Hoàng Mạnh Tân - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà chia sẻ, đang có hiện tượng sản xuất pin năng lượng mặt trời không đạt chất lượng như trên mác và bày tỏ quan ngại nếu các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt các tấm pin này.
 
Đặc biệt, việc đánh giá kiểm tra các sản phẩm kém chất lượng hiện nay là rất khó, Bộ khoa học và Công nghệ cần sớm có hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn quốc tế hoặc sớm có tiêu chuẩn chính thức. Bởi nếu các doanh nghiệp chỉ cạnh tranh về giá thì dứt khoát sẽ có việc bán hàng kém chất lượng và 5-7 năm sau thì việc xử lý các tấm pin hỏng là cực kỳ khó lường. 
Theo: Diễn đàn DN