Diễn đàn năng lượng

Cảnh báo hình thức “núp bóng” làm điện mặt trời mái nhà

Thứ ba, 18/8/2020 | 11:03 GMT+7
Điện mặt trời (ĐMT) mái nhà đang nở rộ và là chủ trương được Tập đoàn Điện lực Việt Nam khuyến khích với giá bán hơn 1.900 đồng/kWh. 
Nhiều chủ đầu tư và địa phương lúng túng do chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 13, về phát triển điện mặt trời áp mái. (Ảnh: Lê Kiên)
 
Thế nhưng, quy định thế nào là “áp mái” lại chưa rõ ràng, trong khi các nhà đầu tư dùng nhiều hình thức “núp bóng” ĐMT mái nhà dễ dẫn đến nảy sinh, vướng mắc sau này. 
 
Băn khoăn thế nào là điện mặt trời mái nhà
 
Năm 2019, ông Nguyễn Văn Nam cùng người bạn khác từ Hà Nội vào Tây Nguyên lập trang trại trồng trái cây xuất khẩu ở Tây Nguyên với diện tích hơn 20 ha. Sau đó, ông tiếp tục làm phân hữu cơ trên diện tích hơn 2ha, muốn vậy, cần có nhà ủ phân... Vì thế, sau khi có Quyết định 13 của Thủ tướng về khuyến khích ĐMT, trong đó có ĐMT áp mái, ông Nguyễn Văn Nam liền lập kế hoạch lắp ĐMT mái nhà để giảm thiểu chi phí mua điện. Ông muốn tận dụng mái nhà ủ phân để lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời. Lý do là vào mùa khô, mỗi tháng trang trại của ông phải mất đến 60 triệu đồng tiền điện để tưới nước cho cây. Việc có ĐMT áp mái sẽ giúp gia đình ông tiết kiệm chi phí đáng kể, thậm chí có thể có lãi nếu được mua điện với giá hơn 1.900 đồng/kWh.
 
Trước cơn sốt ĐMT áp mái, nhiều nhà đầu tư (NĐT) cũng đã thuê mái nhà/trang trại của nhiều hộ dân để đầu tư các dự án ĐMT. Thậm chí nhiều nhà đầu tư đề xuất làm trang trại nông nghiệp nhưng mục đích chính lại là để lắp ĐMT để bán điện cho EVN nhằm kiếm lời. Theo tính toán, để đầu tư 1MW ĐMT mái nhà, chi phí là khoảng 15 đến 16 tỷ đồng. Với giá bán hơn 1.900 đồng/kWh, nếu thực hiện dự án ở Gia Lai, thì nhà đầu tư có thể hoàn vốn được trong vòng năm đến sáu năm.   
 
Tuy nhiên, do nhiều NĐT ồ ạt vào làm ĐMT áp mái cũng khiến ngành điện bối rối. Theo thống kê, trong bảy tháng năm 2020, trên toàn quốc đã lắp đặt 19.810 dự án ĐMT mái nhà với tổng công suất 541,66 MWp. Lũy kế đến nay, đã có 42.187 dự án ĐMT mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất là 925,8 MWp. So với con số 377,9 MWp được lắp đặt trước ngày 31-12-2019, dễ nhận thấy trong bảy tháng qua đã có sự gia tăng chóng mặt ở lĩnh vực ĐMT áp mái. Bên cạnh sự hưởng ứng của nhiều hộ gia đình khi lắp đặt các hệ thống ĐMT áp mái trên nóc nhà để tự dùng, lĩnh vực ĐMT áp mái cũng có sự tham gia của các NĐT với nguồn gốc khá đa dạng. 
 
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, nhiều khách hàng dùng tấm pin thay cho mái nhà nên chưa thể xác định rõ ràng hình thức này là hệ thống ĐMT mái nhà hay ĐMT nối lưới. Bởi nếu là ĐMT mái nhà, giá bán là hơn 1.900 đồng/kWh. Song, nếu là ĐMT nối lưới, giá bán chỉ hơn 1.600 đồng/kWh. Ngoài ra, theo tìm hiểu, nhiều NĐT còn chỉ dựng mái bằng nhựa trên các trang trại để đủ tiêu chí “áp mái”. Thậm chí lắp đặt ngay tấm pin lên các trụ cọc để kịp hoàn thành.   
 
Đại diện EVN thừa nhận, vướng mắc lớn hiện nay là định nghĩa về công trình xây dựng và cơ sở để xác định là loại hình ĐMT mái nhà. Trường hợp các công trình xây dựng dân dụng, nhà xưởng đã có sẵn như: Trụ sở, nhà máy, trường học… thì bảo đảm quy định ở QĐ 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam (gọi tắt là Quyết định 13). Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều dự án ĐMT xấp xỉ 1MWp thực hiện theo mô hình trang trại nông nghiệp, cơ sở để xác định có phải là ĐMT mái nhà thiếu rõ ràng và chưa có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng.
 
Việc xác định “tấm pin quang điện lắp đặt trên mái nhà” theo Quyết định 13 cũng gặp khó khăn do hình thức “mái nhà” rất đa dạng về hình thức tấm mái (mái tôn, mái nhựa, tấm lấy sáng, bạt nilon…), cách thức lợp mái (trên/dưới xà gồ…) trong khi, các quy định để xác định thế nào là mái nhà chưa cụ thể. Nhiều dự án lắp đặt trên khung giá đỡ nằm trên đất vườn, đất nông nghiệp theo mô hình kinh tế trang trại, có mục đích chính là để sản xuất ĐMT nhằm hưởng giá bán điện dành cho ĐMT mái nhà. Mặt khác, một số công trình dùng chính tấm pin làm mái che và lắp đặt cách nhau một khoảng hở để lấy ánh sáng cho phù hợp vật nuôi, cây trồng bên dưới, sau đó có lắp bổ sung các tấm lợp bên dưới xà gồ để công nhận là ĐMT mái nhà. “Do các hướng dẫn để xác định cụ thể về dự án ĐMT mái nhà chưa rõ ràng, vì vậy các Tổng Công ty điện lực rất khó khăn trong việc xác định để áp dụng đúng giá mua bán điện theo Quyết định 13”, đại diện EVN cho hay.
 
Sớm có hướng dẫn để người dân yên tâm
 
Sau khi báo chí phản ánh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Công thương sớm giải quyết các vướng mắc liên quan đến tiêu chí phân biệt ĐMT áp mái và ĐMT nối lưới.  
 
Ở góc độ ngành điện, EVN kiến nghị, các hệ thống ĐMT công suất đến 1MW, có các tấm pin mặt trời lắp trên hệ thống khung giá đỡ (có mái, không có mái), lắp đặt một phần trên mái nhà, một phần trên đất của khách hàng sử dụng điện, đấu nối vào cấp điện áp dưới 35 kV; các hệ thống ĐMT lắp trên mái nhà xưởng trong khu công nghiệp vừa mua điện của EVN để sử dụng vừa bán điện lên lưới của EVN qua máy biến áp 110 kV được ghi nhận “là dự án ĐMT mái nhà”.  
 
Điều này để khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ĐMT và EVN sẽ thực hiện ký hợp đồng, thanh toán tiền mua điện cho các chủ đầu tư theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay tại cuộc làm việc giữa Bộ Công thương với EVN và các đơn vị thành viên chung quanh vấn đề này mới đây, Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Quá trình phát triển ĐMT mái nhà trong thực tiễn đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc. Sau cuộc họp này, Bộ Công thương cần rà soát các khó khăn, vướng mắc, sớm có văn bản hướng dẫn để EVN và các đơn vị trực thuộc triển khai Quyết định số 13, cũng như Thông tư số 18/2020/TT-BCT của Bộ Công thương. Sau hai ngày, ngày 10-8, EVN đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương trả lời cụ thể các vướng mắc này. Cùng ngày, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cũng có văn bản đề nghị Cục Điều tiết điện lực sớm có ý kiến góp ý với những vấn đề EVN nêu ra.
 
Việc có một hướng dẫn rõ ràng thế nào là ĐMT áp mái đang trở nên bức thiết. Thực tế diễn ra thời gian qua cho thấy, việc lắp đặt ĐMT trên mái nhà đã không còn dừng lại ở việc "tự sản tự tiêu", thừa mới bán cho EVN. Thay vào đó, ĐMT mái nhà đã trở thành một hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Do đó cần có hướng dẫn rõ ràng từ Bộ Công thương, việc lập ra các trang trại nông nghiệp nhưng mục đích chính là làm ĐMT để bán với giá cao có được chấp nhận hay không sẽ phân định được "ai làm thật, ai làm gian".
 
 
 
Theo: Nhân dân