Tư vấn sử dụng điện

Cảnh báo tai nạn có thể gây chết người do bỏng điện

Thứ tư, 6/12/2017 | 10:20 GMT+7
Bỏng điện là một loại tai nạn thương tích thường hay xảy ra trong quá trình lao động, sinh hoạt, vui chơi... mà mọi người ít chú ý để đề phòng.

Chỉ cần một chút sơ suất nhỏ là con người có thể gặp ngay tai nạn với những tổn thương trầm trọng do vừa bị điện giật, vừa bị bỏng điện nặng dẫn đến hậu quả nguy kịch và tử vong. Mọi người phải cảnh giác để hạn chế những điều đáng tiếc xảy ra.
 
Các loại bỏng điện
 
Bỏng điện thường kèm theo điện giật. Có hai loại bỏng điện là bỏng do điện sinh hoạt, còn gọi là điện hạ thế và bỏng do điện cao thế.
 
Bỏng điện sinh hoạt hay điện hạ thế thường gặp trong các trường hợp vô ý để bàn tay, ngón tay hay chọc que kim loại vào ổ cắm điện; dùng dao, kéo cắt dây điện hoặc dùng miệng ngậm vào các đồ dùng bằng điện chưa được ngắt nguồn điện. Ngoài ra cũng có thể gặp trong khi cắm phích điện vào ổ điện không dứt khoát, không đúng kỹ thuật an toàn; vô tình chạm phải các dụng cụ điện như ấm đun nước bằng điện, nồi cơm điện... bị rò rỉ điện; đường dây điện bị hở tại hàng rào bảo vệ hay trần nhà. Một vài trường hợp có thể gặp do đường dây điện bị đứt vì lực va chạm hay gió mạnh rơi xuống đất, đánh bắt cá bằng điện...
 
Bỏng điện cao thế xảy ra trong khi lao động, sinh hoạt, vui chơi đã vi phạm hành lang an toàn của lưới điện; trèo lên các cột điện cao thế để treo biển hiệu, kéo băng rôn, bắt chim hoặc lấy diều vướng mắc... và bị phóng điện. Ngoài ra cũng thường gặp bỏng điện cao thế xảy ra trong các trường hợp sét đánh khi trời mưa giông đứng dưới các gốc cây to, gần các dụng cụ kim loại dẫn điện...
 
Các tổn thương do bỏng điện
 
Nạn nhân bỏng điện thường kèm theo các thương tổn điện giật như bị sốc điện ngay tức thì, nếu xảy ra trong trong các trường hợp nhẹ cũng gây nên sự co cứng, co giật cơ; khi thoát khỏi được nguồn điện thì các rối loạn sẽ hết nhanh. Trong các trường hợp nặng, nạn nhân có thể bị co giật mạnh, thậm chí dẫn đến bất tỉnh với các triệu chứng như da tím xám, ngừng tim, ngừng thở, hôn mê, đồng tử mắt giãn rộng... dẫn đến tử vong ngay. Khi bị điện giật, cơ thể có thể phục hồi nếu nhanh chóng ngắt ngay nguồn điện và xử trí cấp cứu kịp thời.
 
Ngoài tổn thương điện giật, nạn nhân có thể bị bỏng điện với mức độ rất sâu và thường xảy ra tại nơi chạm phải dòng điện. Da nạn nhân bị cháy bỏng khô đen, có khả năng bỏng đến cơ, gân, xương, khớp, mạch máu, thần kinh... buộc phải cắt cụt tay hoặc chân khi xử trí điều trị. Nếu bỏng điện với mức độ sâu xảy ra ở vùng đầu, mặt; có thể dẫn đến viêm não, viêm màng não, gây mù mắt...
 
Đồng thời, các thương tổn khác do điện giật và bỏng điện cũng thường gặp như gãy xương, vỡ sọ não, thủng bụng... vì nạn nhân bị ngã từ trên cao xuống đất. Ngoài ra, hiện tượng sét đánh cũng được xem là một loại bỏng điện cao thế với hiệu số điện thế tới hàng triệu vôn hình thành từ khí quyển, có khả năng gây chết người ngay tức khắc hoặc làm đứt lìa một chi của cơ thể và gây bỏng rất sâu.
 
Cách sơ cấp cứu nạn nhân bị điện giật và bỏng điện
 
Điện giật và bỏng điện luôn xảy ra đồng hành với nhau, vì vậy việc sơ cấp cứu nạn nhân phải được thực hiện tuần tự qua 4 bước theo quy định xử trí.
 
Bước 1: Cần bình tĩnh, nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện bằng cách ngắt nguồn điện như tháo cầu chì, cắt cầu dao, kéo phích cắm khỏi ổ điện. Dùng vật liệu cách điện sẵn có tại chỗ để gỡ dây điện khỏi cơ thể nạn nhân như đứng trên tấm ván khô, đi guốc dép khô hoặc đeo găng tay cao su hay quấn bao ny lông, vải khô, chân đi ủng cao su. Có thể dùng gậy khô như đòn gánh, cán chổi hoặc cuộn giấy, vật cách điện khác để gạt dây điện. Người sơ cấp cứu cần chú ý điều không nên làm là dùng tay không, đi chân đất để gỡ dây điện vì cơ thể nạn nhân trong lúc này cũng đang dẫn điện.
 
Bước 2: Thăm khám nhanh chóng nạn nhân và tiến hành sơ cấp cứu tối khẩn cấp. Nếu nạn nhân bị điện giật nhẹ, sau khi ngắt được dòng điện, cơ thể nạn nhân tự phục hồi, tỉnh táo và tự thở lại bình thường. Tuy vậy, nạn nhân vẫn còn trạng thái lo sợ, hốt hoảng nên cần an ủi, động viên bằng cách cho nằm nghỉ ngơi, có người ngồi bên cạnh. Nếu nạn nhân bị bất tỉnh, cần nhanh chóng kiểm tra nhịp thở và mạch đập. Tiến hành hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực khi nạn nhân bị ngừng thở, ngừng tim và phải thực hiện kỹ thuật này ngay tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn, không được vận chuyển đi nơi khác. Người sơ cấp cứu phải kiên trì thực hiện phương pháp hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực cho đến khi nạn nhân thở lại được, tim đập trở lại và chỉ ngừng khi nạn nhân có triệu chứng chết thật sự như da lạnh, đồng tử mắt giãn to.
 
Bước 3: Việc xử trí vết thương bị bỏng điện chỉ tiến hành sau khi nạn nhân có nhịp tim đập và thở trở lại. Có thể dùng khăn mặt, khăn tay, vải màn... sạch để phủ lên chỗ bị bỏng điện. Băng bảo vệ vết bỏng điện bằng băng sạch. Đối với các trường hợp bị bỏng ở mặt, bỏng ở bộ phận sinh dục thì chỉ cần phủ lên đó một lớp gạc sạch. Nếu nạn nhân bị chấn thương kèm theo gãy xương, chỉ vận chuyển khi đã cố định tạm thời xương gãy.
 
Bước 4: Chuyển nạn nhân bị điện giật và bỏng điện đến ngay bệnh viện nơi gần nhất và thuận tiện nhất khi nạn nhân đã thở được và tim đập trở lại để xử trí điều trị phù hợp. Trên đường vận chuyển, cũng phải tiếp tục hồi sức cấp cứu cho nạn nhân để bảo đảm an toàn.
 
Phòng ngừa điện giật và bỏng điện
 
Với những tai nạn thương tích xảy ra trong thời gian qua do nạn nhân bị điện giật và bỏng điện ở một số địa phương, đặc biệt là điện cao thế đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo nên các di chứng, thậm chí có thể gây tử vong nên mọi người cần quan tâm đến việc lắp đặt các thiết bị điện đúng quy tắc an toàn như sử dụng các ổ cắm điện có nắp đậy, có rơ le tự ngắt khi chập điện, để ổ điện trên cao ngoài tầm tay với đến của trẻ em. Phải tôn trọng nội quy các cột điện, trạm biến áp điện của các đường dây điện cao thế. Không vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Tránh xa những nơi có dây điện bị đứt. Không nên lao động, sinh hoạt, chơi đùa ở những nơi gần đường điện, nhất là điện cao thế; không được trèo lên các cột điện, trạm biến áp điện vì có thể bị điện cao thế phóng điện gây điện giật và bỏng điện.
 
Ngoài ra tuyệt đối không được phơi quần áo lên dây điện, thường xuyên kiểm tra đường dây điện, đồ dùng bằng điện, đề phòng chuột cắn làm hở mạch điện. Đối với trẻ em, không cho trẻ nghịch phá dụng cụ điện, thao tác cắm điện, sửa chữa điện; phải bịt kín các ổ điện không dùng đến bằng băng keo dính.
 
Ngoài ra, một vấn đề cũng cần được quan tâm là phòng ngừa điện giật và bỏng điện do sét đánh với luồng điện cao thế bằng cách không được ở nơi vắng vẻ như cánh đồng khi trời mưa có sấm sét, không trú mưa dưới gốc cây to, không để vật kim loại dẫn điện ở gần. Khi xây nhà cao tầng, phải lắp đặt các cột thu lôi chống sét.
Theo: Tuổi trẻ