Tin trong nước

Cảnh giác với chiêu trò lừa bán thiết bị điện

Thứ hai, 18/9/2017 | 16:12 GMT+7
Mặc đồng phục ngành điện lực, tranh thủ giờ hành chính chỉ có người già và trẻ nhỏ ở nhà, một số đối tượng trên địa bàn khu vực miền Trung đã “gạ” người dân mua thiết bị tiết kiệm điện dởm.
 
 
Lợi dụng lòng tin
 
Tháng 7 vừa qua, tại xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, xuất hiện một nhóm người mặc đồng phục màu cam của điện lực “gạ” người dân mua thiết bị tiết kiệm điện với giá từ 500.000 - 1,2 triệu đồng. Theo họ giới thiệu, sử dụng thiết bị này có thể giảm tiền điện trung bình hàng tháng từ 50 - 60%. Khi khách hàng đồng ý, đối tượng sẽ phá niêm phong chì kiểm định công tơ và gắn thiết bị làm công tơ quay chậm lại.
 
Ngoài ra, một số đối tượng còn giả danh công nhân điện lực kiểm tra công tơ rồi kết luận công tơ đo đếm của khách hàng bị hỏng, cần mang đi sửa chữa và thu phí sửa chữa. Trường hợp khác, đối tượng nhận hồ sơ làm thủ tục lắp đặt công tơ để bán dây dẫn và các thiết bị điện kém chất lượng với giá thành cao, thu lợi bất chính.
 
Theo Giám đốc Điện lực Tuy An, Phú Yên Trần Văn Huynh, trò lừa đảo này tuy không mới, nhưng người dân khu vực ngoại ô, vùng nông thôn vẫn cả tin mắc bẫy. Hậu quả, người dân mất tiền oan, nguy hiểm hơn, còn gây nguy cơ mất an toàn khi sử dụng các thiết bị điện kém chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của ngành điện.
 
Người dân đề cao cảnh giác
 
Điện lực Đà Nẵng cho biết, để hạn chế tình trạng trên, Điện lực Đà Nẵng đã khuyến nghị các cơ quan, tổ chức và người dân cần đề cao cảnh giác, phân biệt rõ cán bộ, công nhân viên ngành điện với các đối tượng giả mạo. Đồng thời, Điện lực Đà Nẵng cũng tăng cường tuyên truyền đến khách hàng, giúp họ phân biệt rõ, đâu là cán bộ, công nhân viên ngành điện, đâu là giả danh. Cụ thể, đối với cán bộ, công nhân viên Điện lực Đà Nẵng khi thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường cũng như làm việc trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị hoặc tại nhà khách hàng, bắt buộc phải mặc đồng phục của công ty, có phù hiệu của đơn vị trên vai áo, đeo thẻ hoặc bảng tên. Trong một số trường hợp cần thiết, khách hàng có thể yêu cầu cán bộ, công nhân điện lực xuất trình thẻ công vụ theo quy định. Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng Ngô Tấn Cư khẳng định: Ngoài công tác chuyên môn là phân phối điện năng, Điện lực Đà Nẵng không có chủ trương mời khách hàng mua bán bất kỳ một thiết bị nào.
 
Trước những hiện tượng trên, Điện lực Phú Yên cũng đã khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không đóng tiền cho các đối tượng không cấp hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Khi các thiết bị điện trong gia đình như công tơ, dây dẫn bị hỏng, chập, cháy… khách hàng cần liên hệ trực tiếp đến các đơn vị điện lực để được sửa chữa, khắc phục kịp thời.
 
Trong trường hợp, khách hàng phát hiện các đối tượng có biểu hiện khả nghi, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ Tổng đài Trung tâm Chăm sóc khách hàng của các Tổng công ty Điện lực, để có các biện pháp ngăn chặn, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”. 
Theo: Người đại biểu ND