Thông tin đầu tư

Cấp phép 2 dự án BOT nhiệt điện hơn 4,8 tỉ đô la Mỹ

Thứ sáu, 30/6/2017 | 14:39 GMT+7
Hai dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) nhà máy nhiệt điện được cấp phép gần đây với tổng vốn đăng ký lên đến 4,863 tỉ đô la Mỹ đã giúp cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm nay tăng cao.
Một dự án nhiệt điện ở phía Bắc - Ảnh minh họa: Văn Nam .
 
Theo báo cáo về tình hình thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong 6 tháng của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hóa được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
 
Với tổng vốn đăng ký lên đến 2,793 tỉ đô la Mỹ, nhà đầu tư của dự án này sẽ thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài không nêu tên chủ đầu tư của dự án này, nhưng vào ngày 7-11 năm ngoái, tổ hợp nhà đầu tư Marubeni (Nhật Bản) và KEPCO (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận với lãnh đạo Bộ Công Thương về việc đầu tư dự án nhiệt điện BOT có tên là Nghi Sơn 2 tại Thanh Hóa.
 
Trong thỏa thuận đầu tư dự án BOT Nghi Sơn 2, Bộ Công Thương cam kết sẽ hợp tác với chủ đầu tư trong quá trình xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư và thu xếp tài chính cho dự án. Phía nhà đầu tư cũng hứa sẽ đẩy nhanh các thủ tục cho dự án, nhất là thu xếp tài chính với các tổ chức tín dụng quốc tế.
 
Đây là dự án có quy mô rất lớn, tổng công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy 600MW, được đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu.
 
Với tổng mức đầu tư lên đến gần 2,8 tỉ đô la Mỹ, đây được xem là một trong số ít dự án BOT nhiệt điện lớn Việt Nam được cấp phép. Đây cũng là dự án đầu tư nước ngoài có vốn đăng ký lớn nhất trong nửa đầu năm nay được cấp phép đã đưa Thanh Hoá trở thành địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 3,06 tỉ đô la Mỹ, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư.
 
Một dự án nhiệt điện khác được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,07 tỉ đô la Mỹ. Dự án này do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.
 
Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp vào giữa tháng 6 này, dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 thực hiện trên cơ sở hợp đồng BOT ký kết với Bộ Công Thương. Dự kiến dự án sẽ được triển khai trên khu đất rộng hơn 242 héc ta tại xã Hải Châu và Hải Ninh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
 
Dự án BOT nhà máy nhiệt điện than này sẽ bao gồm hai tổ máy với công suất khoảng 554,7 MW cho mỗi tổ máy. Thời hạn vận hành của Hợp đồng BOT cho dự án này là 25 năm sau ngày vận hành thương mại của nhà máy điện.
 
Cũng nhờ dự án đầu tư có vốn lớn này mà Nam Định được xếp đứng thứ 3 về thu hút vốn nước ngoài trong 6 tháng đầu năm nay, với tổng số vốn đăng ký đạt 2,19 tỉ đô la Mỹ, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư.
 
Hiện Việt Nam đã có một số dự án BOT điện đã đi vào vận hành thương mại gồm nhiệt điện Phú Mỹ 1-2-3 trong số 18 dự án BOT đăng ký, đã và đang đầu tư.
 
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2020, có xét đến năm 2030 (hay còn gọi là Tổng sơ đồ VII) đã được hiệu chỉnh, đến năm 2030, dự kiến sẽ đưa vào vận hành khoảng 90.000 MW công suất nguồn điện mới. Trong đó dự kiến có 16 dự án nguồn điện BOT với tổng công suất trên 22.000MW. Nhiệt điện Nghi Sơn 2 thuộc dự án đầu tư sau năm 2020.
 
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, với 2 dự án nhiệt điện BOT được cấp phép trên, tính chung trong gần 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 19,22 tỉ đô la Mỹ, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Ngoài 2 dự án nhà máy nhiệt điện BOT trên, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn được cấp phép trong nửa đầu năm 2017 bao gồm dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn tại tỉnh Kiên Giang có tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,3 tỉ đô la Mỹ.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2017, các công ty nước ngoài đầu tư vào 60 tỉnh, thành phố. Trong đó, Thanh Hoá là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký là 3,06 tỉ đô la Mỹ, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư; tiếp đến là Bắc Ninh với tổng vốn đăng ký là 2,85 tỉ đô la Mỹ, chiếm 14,83% tổng vốn đầu tư; Nam Định đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 2,19 tỉ đô la Mỹ, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư.
 
Trong nửa đầu năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 5,25 tỉ đô la Mỹ, chiếm 27,34% tổng vốn đầu tư, chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn là 9,48 tỉ đô la Mỹ, chiếm 49,3% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng đầu năm nay.
 
Vốn FDI thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt hơn 7,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Theo: Thời báo KT Sài Gòn