Tập đoàn tư vấn và nghiên cứu toàn cầu Wood Mackenzie ngày 5/10 cho hay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ đầu tư 3,3 nghìn tỷ USD vào sản xuất điện trong 10 năm tới; trong đó, 49% sẽ được dành cho năng lượng gió và năng lượng mặt trời và 12% dành cho lưu trữ năng lượng.
Một cánh đồng pin năng lượng mặt trời. Ảnh minh họa: TTXVN
Cụ thể, trong bài phát biểu tại Triển lãm Năng lượng tái tạo Ấn Độ năm 2023, sự kiện đang được tổ chức từ ngày 4 - 6/10, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng và năng lượng tái tạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Wood Mackenzie, ông Alex Whitworth nhận định, khu vực này đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng của ngành điện, vì đây là khu vực có tới hơn một nửa nhu cầu điện trên toàn cầu trong năm nay.
“Hai thị trường lớn nhất trong khu vực là Ấn Độ và Trung Quốc đang đi đầu trong tăng trưởng năng lượng tái tạo, nhưng cũng đang dẫn đầu thế giới về triển khai năng lượng từ than”, ông Alex Whitworth nói thêm.
Theo đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ bổ sung thêm 1.840 gigawatt (GW) công suất mới trong 5 năm tới, nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Trong đó, Ấn Độ là một trong những thị trường năng lượng đang phát triển quan trọng và năng động nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
“Là thị trường khu vực lớn thứ hai sau Trung Quốc,… tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ vẫn còn rất lớn. Nhu cầu điện đã tăng gấp đôi trong 12 năm qua, một thành tựu mà chúng ta rất có thể sẽ được chứng kiến thêm một lần nữa, khi sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ tiếp tục trong 12 năm tới”, ông Alex Whitworth lưu ý.
Ngoài ra, Ấn Độ có một số nguồn năng lượng tái tạo có chi phí thấp nhất thế giới, thúc đẩy việc triển khai nhanh chóng năng lượng gió và năng lượng mặt trời quy mô lớn. Điều này đã thúc đẩy tỷ lệ sản xuất điện từ năng lượng tái tạo của quốc gia này lên 22% vào năm 2022, với năng lượng gió và năng lượng mặt trời chiếm gần một nửa trong tổng số.
Link gốc
Theo: Báo Thừa Thiên Huế