Tin thế giới

Châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng

Thứ sáu, 17/9/2021 | 16:55 GMT+7
Giá điện ở châu Âu lên cao nhất trong nhiều năm do một số yếu tố, từ giá khí đốt và carbon tăng cực mạnh cho đến sản lượng điện gió thấp.
 
Giá điện ở châu Âu lên cao nhất trong nhiều năm do giá khí đốt, carbon tăng cực mạnh và sản lượng điện gió thấp. Ảnh: Getty Images. 
 
Giá điện tăng kỷ lục
 
Trong vài tuần gần đây, giá điện ở châu Âu lên cao nhất trong nhiều năm do một số yếu tố, từ giá hàng hóa và carbon tăng cực mạnh cho đến sản lượng điện gió thấp. Đà tăng kỷ lục của giá điện dự kiến sẽ không sớm kết thúc và giới phân tích năng lượng cho rằng tâm lý lo lắng của thị trường có thể kéo dài suốt mùa đông năm nay.
 
Giá khí đốt giao tháng 10 tại kho chứa TTF Hà Lan tăng lên kỷ lục 79 euro/MWh (93,31 USD/MWh) vào ngày 15/6. Hợp đồng này đã tăng hơn 250% kể từ tháng 1.
 
Trong khi đó, giá hợp đồng điện tiêu chuẩn ở Pháp và Đức đều tăng gấp đôi, theo Reuters.
 
Tại Anh, nơi có giá điện đắt nhất châu Âu, giá tăng mạnh trong bối cảnh quốc gia này phụ thuộc nhiều vào khí đốt và năng lượng tái tạo để sản xuất điện. Cụ thể, ngày 15/6, giá hợp đồng điện ngày hôm sau tăng gần 19% lên 475 GBP (656,5 USD). Giá hợp đồng này từng lên sát mức cao nhất mọi thời đại ngay sau khi xảy ra hỏa hoạn tại đường truyền tải điện nối giữa Anh và Pháp, khiến hoạt động nhập khẩu điện sang Anh bị gián đoạn.
 
“Đến thời điểm hiện tại, yếu tố tác động lớn nhất tới giá điện là giá khí đốt”, Glenn Rickson, trưởng phòng phân tích thị trường điện châu Âu, nói với CNBC.
 
Giá khí đốt lên cao cũng là yếu tố chính đẩy giá carbon và than lên cao kỷ lục, theo ông Rickson. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như sản lượng điện gió thấp và châu Âu không có sẵn nhà máy điện hạt nhân.
 
Giá carbon tại châu Âu đã tăng gần 3 lần trong năm nay do Liên minh châu Âu (EU) giảm nguồn cung tín dụng CO2 (một loại tín dụng có thể mua bán được giữa các nhà máy, các hãng xe với nhau). Trong vài tuần gần đây, giá hợp đồng carbon của EU tăng hơn 60 euro/tấn lần đầu tiên trong lịch sử.
 
Hệ thống Giao dịch khí thải của EU là chương trình giao dịch carbon lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% lượng khí thải nhà kính của khối kinh tế này. Giá carbon cao kỷ lục khiến các nguồn phát điện gây ô nhiễm, như than, trở nên ít hấp dẫn hơn.
 
Ông Rickson cho biết triển vọng giá điện ở châu Âu trong mùa đông này sẽ phụ thuộc nhiều vào giá khí đốt. Ông dự đoán giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. “Chúng tôi cũng dự đoán giá nhiên liệu này sẽ biến động mạnh. Giá có thể xuống thấp, thậm chí âm, khi sản lượng điện gió cao. Ngược lại, giá sẽ lên rất cao khi sản lượng điện gió thấp và nhu cầu lớn.
 
Tại sao giá khí đốt tăng mạnh?
 
Giá khí đốt ở châu Âu tăng nhanh kể từ đầu tháng 4, khi thời tiết lạnh bất thường khiến lượng khí đốt tại các kho lưu trữ ở châu Âu giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm trước đại dịch, dấy lên nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.
 
Kể từ đó, châu Âu phải chật vật tìm cách đưa dự trữ khí đốt cho mùa đông sắp tới trở lại mức cần thiết. Đà phục hôi kinh tế khi các chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan tới Covid-19 cùng với việc nhu cầu cao hơn dự kiến đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt khí đốt.
 
Trong khi đó, Nga cũng bị cho là chậm giao khí đốt cho châu Âu. Điều này dấy lên nghi vấn liệu đây có phải là động thái cố ý của Moscow để thúc đẩy việc khởi động dự án Nord Stream 2. Dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 gây tranh cãi, nhằm đưa khí đốt tự nhiên từ Nga tới châu Âu nhưng không đi qua Ukraine và Ba Lan, được dự kiến sớm đi vào hoạt động hết công suất và có thể giải quyết một số vấn đề về nguồn cung khí đốt cho khu vực.
 
Tình trạng thiếu khí đốt đang khiến thị trường rất lo lắng, đặc biệt là khi sắp bước vào mùa đông. “Cùng với đó, thị trường xuất hiện sự cạnh tranh rất lớn từ các nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ châu Á và Nam Mỹ. Vì thế, giá khí đốt lại càng lên cao”, Stefan Konstantinov, chuyên gia phân tích cấp cao tại ICIS Energy, nói với CNBC.
 
Lo ngại về khủng hoảng khí hậu
 
Đầu tháng 9, việc giá khí đốt tăng mạnh và sản lượng điện gió thấp đã khiến Anh phải tái khởi động một nhà máy điện than cũ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện.
 
Động thái này đặt ra một nghi vấn về các cam kết môi trường mà các chính phủ ở châu Âu từng đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu. Than là nhiên liệu hóa thạch thải ra nhiều carbon nhất và vì thế nó là mục tiêu thay thế quan trọng nhất trong đề xuất chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
 
Khi được hỏi về quyết định sử dụng than để sản xuất điện của Anh trong bối cảnh thế giới có nhu cầu cấp thiết giảm mạnh sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ông Konstantinov cho biết: “Nếu có đủ gió, nó có thể đáp ứng hơn một nửa hoặc 2/3 nhu cầu điện của Anh trong một ngày nhu cầu sử dụng tương đối thấp. Nhưng vấn đề là chúng tôi không có gió nên buộc phải sử dụng than để phát điện. Thoạt nhìn thì điều đó không phù hợp với tham vọng khử carbon của chính phủ. Song hành động này là kết quả của tính chất không liên tục của năng lượng tái tạo, gồm cả gió và mặt trời”.
 
Anh cam kết loại bỏ hoàn toàn điện than trước tháng 10/2024 để giảm lượng khí thải carbon.
 
Theo: NDH/CNBC