|
Chuyên gia Trung Quốc và Việt Nam tại Phòng Kỹ thuật |
Chúng tôi đến với công trường Nhà máy thủy điện Bản Vẽ khi nhà thầu đang gấp rút thực hiện các hạng mục đập tràn và đập dâng tránh lũ tiểu mãn. Mục tiêu của Ban quản lý dự án thủy điện 2 là phải đạt cao trình 195m trước tháng 7. Do nhiệt độ trên công trường thường ở mức cao, nhà thầu đã phải sử dụng công nghệ RCC (bê tông đầm lăn), hạ thấp nhiệt độ bê tông bằng đá lạnh, tăng thời gian đông kết của vật liệu, đảm bảo chất lượng công trình.
Do năng lực vận chuyển của nhà thầu không đáp ứng nhu cầu, công suất thi công chỉ đạt 65.000 m3/tháng (dự kiến 140.000 m3/tháng). Điều làm Ban quản lý dự án thủy điện 2 lo lắng nhất là việc đối phó với lũ. Ông Nguyễn Tám, Phó Ban quản lý dự án thủy điện 2, người trực tiếp chỉ đạo thi công công trường khẳng định: "Việc hai hạng mục trên đạt được cao trình 180m để chống lũ tiểu mãn với lưu lượng nước 1450 m3 nước/s và đạt cao trình chứa 155m trước tháng 5 là hoàn toàn khả thi vì cán bộ công nhân viên của Ban, nhà thầu, chuyên gia nước ngoài và hàng trăm công nhân trên công trường đang nỗ lực hết mình, sử dụng các phương tiện thi công hiện đại nhất nhằm đảm bảo tiến độ...".
Cùng với đập tràn và đập dâng, hố xói - hạng mục có ý nghĩa đặc biệt trong việc chống lũ, điều tiết hồ chứa cũng đang được gấp rút thi công. Ngập trong khói bụi, giữa cái nắng chói chang của những ngày đầu hè, hàng trăm công nhân vẫn cần mẫn làm việc. Từng lớp RCC đổ lên nhanh chóng được san phẳng. Từng hàng xe nối đuôi nhau chở vật liệu tập kết lên bờ đập, cả công trường đang hồ hởi, khẩn trương chờ ngày hoàn thành. Anh Lê Văn Thuận, một cán bộ kỹ thuật cho biết: "Hiện tại công trường đang làm việc 3 ca/ngày với cường độ và khối lượng công việc cao để các hạng mục công trình hoàn thành đúng tiến độ...".
Với dung tích hồ chứa lớn, khi đi vào hoạt động, đập thủy điện Bản Vẽ có chức năng điều tiết khu vực hạ du sông Nậm Nơn, sông Lam, cung cấp nước tưới trong mùa khô và chủ động chống lũ trong mùa mưa.
Theo: Báo ĐT Nghệ An