Với hơn 90% người dân tộc Mông, còn lại là người La Ha, gần 100% hộ nghèo, phân bố tại 17 bản, trên diện tích 13.000 ha, địa hình chia cắt do núi cao, vực sâu, quanh năm sương mù bao phủ, Chiềng Công được mệnh danh là “Sa Pa” thứ hai của Việt Nam.
Trên đỉnh “Sa Pa”
Sau gần 2 giờ đồng hồ đánh vật trên cung đường đất đá lô nhô, dốc đứng như muốn hắt chúng tôi xuống vực sâu bất cứ lúc nào. Nhưng nhờ có tay lái “lụa” của vị Bí thư xã Chiềng Công – Nguyễn Thanh Lạng, cuối cùng tôi đã đặt chân trên đỉnh “Sa Pa”, khác với Sa Pa của tỉnh Lào Cai nơi này có sự ngự trị của trên 4.500 con người, của 17 bản người dân tộc Mông và La Ha. Mặc dù trời rét căm căm, gió thổi mạnh, nhưng không thể cản được sự chăm chỉ của những vận động viên không chuyên, họ đang hăng say luyện tập môn bóng chuyền để chuẩn bị cho những ngày thi đấu giao lưu sắp tới với các bản lân cận khi tết đến xuân về.
Để chinh phục tiếp các bản làng và được tận mắt chứng kiến lớp học mẫu giáo của Chiềng Công, tôi đề nghị đồng chí Nguyễn Thanh Lạng – Bí thư xã Chiềng Công cho mượn chiếc xe gắn máy và cho một người dân bản địa dẫn đường, không hiểu trời xui đất khiến thế nào, ngay lúc đó cô giáo Hoàng Thị Hảo – Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Chiềng Công và cô Hằng cùng trường cũng có mặt tại đây, hai cô xung phong dẫn đường cho nhà báo. Thú thật lúc đầu tôi cũng hơi lo lắng cho hai cô, vì đường núi hiểm trở, đi lại hết sức khó khăn, nhưng có lẽ sự lo lắng của tôi đã thừa, bởi chính các cô mới là người leo đèo, lội suối chuyên nghiệp.
Đặt chân tới bản Chông Du Tẩu, dựng xe máy bên vệ đường, chúng tôi tiếp tục đi bộ để tới thăm lớp học mẫu giáo. Một căn nhà mái lá, phên gỗ nhưng thủng vài chỗ, gió vẫn lùa vào từng cơn, bên trong 22 khuôn mặt trẻ thơ ngây ngây, ngô ngô, bẻn lẻn khi nhìn thấy sự có mặt của chúng tôi. Tại đây, các em đang được cô Lò Thị Diệp dạy làm quen với bảng chữ cái tiếng Việt và các con số. Một thực tế đã tồn tại từ rất lâu tại các lớp học mẫu giáo Chiềng Công, đó là các em tới trường bằng “tay không” học chữ và không có quần áo mặc đủ ấm. Cô Lò Thị Diệp, chủ nhiệm lớp mẫu giáo bản Chông Du Tẩu tâm sự: “Các thầy cô giáo đã phải bỏ tiền túi ra để hỗ trợ mua phấn và một số đồ dùng giảng dạy cho các em, tuy nhiên nhà các em quá nghèo nên việc mua vở, bút, đất màu… là điều rất khó khăn”. Cô Diệp cho biết thêm: “Trẻ nhỏ ở đây rất thích đến trường học, nhưng ngược lại những bậc phụ huynh thì lại xem nhẹ việc học của con trẻ, nên họ luôn có tư tưởng con đến trường thì có các thầy cô lo”!.
Các em tới lớp chỉ “tay không” học chữ
Rời bản Chông Du Tẩu, trong đầu tôi luôn văng vẳng câu nói của anh Mùa A Chống, Phó trưởng bản Chông Du Tẩu: “Bản có 46 hộ thì cả 46 hộ nghèo, mong cán bộ viết bài kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để các cháu được tới trường đi học”. Vòng về thăm trường cấp 1 và 2, thật không may cho chúng tôi, các em vừa thi học kỳ xong nên Nhà trường cho các em nghỉ học ít ngày. Một sự lạnh lẻo, hoang vu đang ngự trị nơi đây, đứng trên khuôn viên của Trường chúng tôi nhìn thấy cả dòng sông Đà đổ về xuôi nhỏ như một con kênh đào ở đồng bằng, làng bản xung quanh bị bao phủ bởi sương mù, ngôi nhà bán trú của các em học sinh vùng cao trở nên chênh vênh giữa núi đồi, những đợt gió thổi mạnh đập vào các phên gỗ tạo ra một tiếng kêu phịch phịch, phù phù rất não nề…
Cảm ơn EVN PC Sơn La
Chiềng Công được PC Sơn La nhận đỡ đầu từ năm 1998, khi mà đường giao thông đi vào trung tâm xã còn rất khó khăn, điện sáng quốc gia chưa có, mọi hoạt động hầu như bị cô lập với bên ngoài. Cụ Sùng A Lữ (trên 100 tuổi), nguyên chủ tịch UBND xã Chiềng Công kể lại: “Hơn 10 năm nay, bà con dân tộc mang ơn Công ty Điện lực Sơn La rất nhiều, ngày xưa khi chưa có điện lưới, mỗi khi hội họp, bầu cử thì rất cần có điện để truyền thanh cho dân biết, Công ty đã đầu tư mua máy phát điện chạy bằng dầu”. Cụ Lữ cho biết thêm: “Khi xã có điện lưới, Công ty quay sang đầu tư cho giáo dục, như xây nhà bán trú, tặng giường tầng làm bằng sắt, hỗ trợ đồ dùng học tập, quần áo hàng năm cho các cháu học sinh…”
PC Sơn La tặng quà cho các em học sinh Chiềng Công nhân ngày tựu trường
Ông Nguyễn Văn Lạng, Bí thư xã Chiềng Công cho hay, việc đầu tiên để giúp đồng bào các dân tộc vùng cao nơi đây là phải vực được giáo dục phát triển nhanh, hiện tại Chiềng Công ở cấp học mầm non có 247 cháu - 12 lớp, tiểu học 650 em - 42 lớp, trung học cơ sở 336 em - 8 lớp, 10 em vào cấp 3 và đặc biệt năm 2010 – 2011 Chiềng Công đã có 3 em học tới trung cấp, điều mà mấy chục năm nay chưa có ở xã.
Được biết, hàng tháng PC Sơn La đều cử cán bộ chuyên trách lên Chiềng Công vừa để vận hành an toàn lưới điện, vừa nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con để tìm giải pháp giúp đỡ. Anh em thuộc từng đường vào bản, nhớ từng con dốc, quả đồi, hiểu được phong tục tập quán của bà con dân tộc và nhiều cán bộ còn nói được tiếng Mông như tiếng mẹ đẻ. Giám đốc Điện lực huyện Mường La, Bùi Văn Lương cho biết: “Không ồn ào, không phô trương, PC Sơn La đang lặng thầm đỡ đầu cho Chiềng Công thoát nghèo bằng việc quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho giáo dục phát triển. Chúng tôi cảm nhận được việc làm đầy ý nghĩa và cao quý mà PC Sơn La đang làm, họ giúp bà con bằng việc cho họ cái “cần câu” chứ không cho “xâu cá”. Tuy không nhiều, nhưng đấy là cả tấm lòng mà tập thể CBCNV PC Sơn La đóng góp để dựng xây cho Chiềng Công mỗi năm”. Tới đây, tôi lại nhớ lại câu nói của ông Lê Quang Thái – Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La: “Chúng tôi có một phần trách nhiệm giúp đỡ Chiềng Công phát triển, vươn lên thoát nghèo, tất cả các hoạt động từ thiện của PC Sơn La hàng năm đều có hướng về Chiềng Công”.
Rời “Sa pa” trong tình cảm bịn rịn của kẻ ở, người đi, tôi tự nhủ nhất định sẽ trở lại thăm Chiềng Công, thăm các em học sinh, làng bản và con người nơi đây. Chúng tôi đi xa dần trung tâm xã Chiềng Công, trường cấp 1 và 2 khang trang khuất dần trong sương chiều, những ngôi nhà đã bắt đầu lên đèn, một vệt sáng đỏ ửng chân trời phía Tây như báo hiệu một cuộc sống ấm no, sung túc đang hiện về với Chiềng Công./.