Thiết bị đóng cắt là tên gọi chung dành cho loại khí cụ điện có chức năng đóng ngắt cho dòng điện khi có xảy ra những sự cố như ngắn mạch, quá tải giúp bảo vệ cho các thiết bị trong hệ thống điện trở nên an toàn khi chẳng may có sự cố. Nhờ vậy mà thiết bị đóng cắt hỗ trợ người dùng tránh được xảy ra sự cố.
Các dòng thiết bị đóng cắt hiện đang có trên thị trường như: MCCB ( cầu dao tự động dạng khối), MCB (cầu dao tự động dạng tép), ACB (máy cắt không khí), VCB (máy cắt chân không), RCBO (cầu dao chống rò, chống quá dòng), RCCB (cầu dao chống rò), ELCB (cầu dao chống rò thêm bộ cảm biến cho dòng rò).
Nếu nhìn theo góc độ nguyên tắc khi bảo vệ thì RCCB và ELCB có khả năng đóng cắt và lấy điện hoàn toàn gần giống với nhau và chỉ khác nhau với tên gọi. RCBO chức năng đóng cắt gần giống như là ELCB, bằng với RCCB + MCCB (MCB). Phụ thuộc vào tính năng cũng như tại môi trường hoạt động mà Aptomat sẽ được chia ra làm loại công nghiệp (MCCB, RCD, ACB và ELCB) và loại dân dụng (MCB, MCCB). Trong hệ thống khu công nghiệp thường dùng aptomat MCCB để bảo vệ quá tải, sụt áp, ngắn mạch cho mạch điện.
Trên thị trường Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên, các thiết bị này được bày bán rộng rãi với nhiều mẫu mã, giá cả, chủng loại khác nhau và có ở hầu hết các cửa hàng chuyên kinh doanh đồ điện nước, điện dân dụng.
Đối với cầu dao tự động (aptomat), thị trường xuất hiện nhiều thương hiệu như Panasonic, Schneider, Mitsubish, Delixi… và một số sản phẩm sản xuất từ Việt Nam. Mức giá của loại thiết bị này khá đa dạng, có loại chỉ 40.000 đồng/chiếc, có loại lên tới cả triệu đồng tùy vào mục đích sử dụng, phù hợp với dòng điện làm việc lớn nhất của các thiết bị cần bảo vệ. Các sản phẩm cầu chì dân dụng bán trên thị trường có giá dao động hiện khoảng 500 đồng/chiếc tới 10.000 đồng/chiếc tùy mục đích sử dụng.
Một số thiết bị đóng cắt, thiết bị bảo vệ quá tải trên thị trường.
Theo ông Phan Minh Nhựt, Chuyên viên nghiên cứu và phát triển của KTG - Khaitoan Grou, nhằm đảm bảo sự an toàn tối đa cho người sử dụng, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin của từng loại sản phẩm từ chủng loại, cách vận hành đến những quy định trong lắp đặt.
Đối với các thiết bị đóng cắt như MCB và MCCB, việc lựa chọn sản phẩm phải thỏa mãn điều kiện: IB < In < IZ và ISCB > ISC. Trong đó, IB là dòng điện tải lớn nhất; In là dòng điện định mức của MCB, MCCB; Iz là dòng điện cho phép lớn nhất của dây dẫn điện (được cho bởi nhà sản xuất); ISCB là dòng điện lớn nhất mà MCB, MCCB có thể cắt; Isc là dòng điện ngắn mạch.
Ví dụ một tải một pha sử dụng nguồn điện 220V có dòng điện lớn nhất là 13A và dòng điện ngắn mạch tính toán được là 5KA. Thì ta chọn MCB và dây dẫn như sau: MCB Comet CM216A có dòng định mức là 16A, cường độ cắt lớn nhất là 6KA và dây dẫn Cadivi 2 x 2,5mm2 có dòng cho phép lớn nhất là 18A.
"Người dùng nên chọn MCB, MCCB của các nhà sản xuất có uy tín trên thị trường hiện nay như Comet, Clipsal, Hager... vì những sản phẩm này được sản xuất và kiểm tra dưới những điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế. Đối với trường hợp kém chất lượng thì nên thay cái mới, không nên sửa chữa", ông Nhựt nói.
Đối với thiết bị đóng cắt như RCD (residual current device) hoặc ELCB (Earth Leakage Circuit Breaker) hoặc RCCB (residual current circuit breaker) sẽ có chức năng ngắt mạch điện một cách tự động khi có hiện tượng dòng rò xảy ra giữa dây qua và dây trung tính hoặc dây nối đất.
RCD thường được dùng kết hợp với thiết bị đóng cắt hạ áp khác... Nhưng có trường hợp các thiết bị đóng cắt hạ áp này bao gồm cả một bộ RCD ngay trong cấu tạo của nó và được gọi chung là RCD hoặc RCCB (residual current circuit breaker).
Cũng theo ông Nhựt, người dùng nên kiểm tra RCD hàng tháng, cách để kiểm tra RCD là nhấn vào nút "Test" hoặc là "T" trên thân RCD, động tác này là việc mô phỏng có xuất hiện dòng điện rò. Nếu RCD tác động tốt, thì mạch điện đã bị ngắt. Nếu ngược lại RCD không tác động thì chúng ta nên thay cái mới. Việc kiểm tra phải được lặp đi lặp lại nhiều lần để đảm bảo RCD hoạt động một cách tốt nhất.