“Chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường điện”

Thứ tư, 20/4/2022 | 09:42 GMT+7
Đó là khẳng định của ông Tạ Trung Kiên- Giám đốc Công ty nhiệt điện Thái Bình - Một doanh nghiệp còn rất “non trẻ” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi mà đơn vị này liên tục trong 03 năm qua đã chủ động thích ứng, linh hoạt đảm bảo sản xuất điện ổn định, an toàn và đạt hiệu quả cao trên thị trường điện cạnh tranh.

Chủ động thích ứng
 
Sau hơn 04 năm phát điện thương mại, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình do Công ty Nhiệt điện Thái Bình quản lý và vận hành, đã sản xuất được 13,28 tỷ kWh. Nhà máy chính thức tham gia thị trường điện từ tháng 1/2019 với sản lượng điện tham gia thị trường điện bán buôn đạt 11,084 tỷ kWh.
 
Với sản lượng điện sản xuất khoảng 3,6 tỷ kWh/năm, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình được xem là một trong những dự án trọng điểm của Chính phủ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư trên 26.000 tỷ đồng. Chỉ sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Nhà máy đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khu vực miền Bắc và lưới điện quốc gia cũng như góp phần tạo sự minh bạch trên thị trường điện cạnh tranh.
 
Theo đó, sau 03 năm tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh, Công ty nhiệt điện Thái Bình đã tham gia liên tục và tuân thủ đúng quy định của thị trường. Công ty đã tự chủ trong việc thực hiện chào giá, xác nhận các sự kiện của thị trường. ..
 
Kể từ khi tham gia thị trường điện, Công ty đã có thể chủ động khởi động/dừng tổ máy thông qua bản chào ngày tới và giờ tới căn cứ vào tình trạng thực tế của tổ máy. Công ty đánh giá đây là ưu điểm lớn nhất khi tham gia thị trường điện.
 
Có được kết quả trên không thể không nó đến sự cố gắng, nỗ lực của Ban lãnh đạo, tập thể CBCNV Công ty và sự chỉ đạo sát sao từ Ban Lãnh đạo EVN khi mà chỉ sau 01 năm đi vào hoạt động, Công ty đã gặp rất nhiều khó khăn và thử thách khi cả năm 2020 và 2021 đại dịch đã mang lại những tác động và ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.
 
Và ngay từ đầu năm 2022 này khi mà dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành thì giá bán than cho sản xuất điện tăng cao, thiếu hụt than cho sản xuất điện đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty. Đặc biệt là than pha trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu, đã tăng đến 25% so với thời điểm cuối năm 2021. Chi phí sản xuất tăng dẫn đến giá điện chào trên thị trường cũng tăng điều này đã ảnh hưởng đến khả năng được hệ thống huy động và công suất phát điện của nhà máy giảm xuống.
 
“Đây là khó khăn và thách thức rất lớn cho nhà máy để có thể hoàn thành kế hoạch sản lượng điện năm 2022 do Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cho đơn vị. Đồng thời cũng là “liều thuốc thử” cho Ban lãnh đạo cùng tập thể CBCNV công ty làm sao vừa phải thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, vừa phải đảm bảo sản xuất ổn định, tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”, ông Tạ Trung Kiên cho biết.
 
Thích ứng linh hoạt, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

 
Hoạt động ổn định, an toàn và liên tục trên thị trường điện cạnh đã góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Có được kết quả này theo ông Kiên chia sẻ là Công ty đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số vào trong hoạt động, quản trị doanh nghiệp, đồng thời tạo dựng môi trường làm việc, học tập chuyên nghiệp cho người lao động.
 
Theo đó, Công ty đã triệt để áp dụng các phần mềm dùng chung trong Tập đoàn như: Văn phòng điện tử D-Office; Các phân hệ phần mềm (HRMS) như: Phân hệ KPI, hồ sơ nhân sự, quản lý công tác đào tạo, tổ chức, thi đua khen thưởng, quản lý sức khỏe; Cập nhật tình hình tiếp nhận than của Nhà máy lên phần mềm hỗ trợ điều phối tiếp nhận than; Theo dõi, ghi nhận các thông số kỹ thuật trong quá trình tổ máy vận hành, cập nhật các nội dung sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ, lập các báo cáo ngày, tuần, tháng và báo cáo năm, lập dự toán sửa chữa lớn vào phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS).
 
Việc ứng dụng cập nhật, quản lý phần mềm kỹ thuật đã giúp công tác quản lý kỹ thuật của Công ty theo dõi sát sao các thông số kỹ thuật các tổ máy hàng giờ, hàng ngày, nhanh chóng thiết lập kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa định kỳ phù hợp và đảm bảo tổ máy vận hành an toàn, tin cậy đáp ứng huy động của Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.
 
Cùng với đó, đơn vị từng bước hoàn thiện phần mềm KPI nhằm tổ chức phân công công việc và đánh giá chất lượng công việc; Cập nhật các thông tin số liệu, tài liệu đối với các dự án vào phần mềm quản lý đầu tư xây dựng, tỉ lệ lập hồ cơ công việc điện tử đạt 100% và nộp lưu theo quy định; Triển khai áp dụng chữ ký số 100% đối với tất cả các văn bản (trừ văn bản mật) giúp giảm đáng kể thời gian xử lý công việc và báo cáo bằng văn bản.
 
Với phần mềm Phần mềm D-Office hay phần mềm quản lý HRMS đã tạo nên một sự thay đổi lớn trong việc, nâng cao hiệu suất công việc tại Công ty Nhiệt điện Thái Bình, tạo ra hệ thống thông tin thống nhất, tập trung toàn ngành về cả dữ liệu, quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng lực quản lý tài chính, vật tư doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. ..
 
Là dự án mới được đầu tư nên các thiết bị của nhà máy được tự động hóa cao, do đó công tác chuyển giao công nghệ được Công ty rất coi trọng. Đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Nhà thầu để đảm bảo công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công nhân kỹ thuật giúp người lao động tiếp cận nhanh và sớm làm chủ công nghệ.
 
Cụ thể, Công ty đã thực hiện các khóa đào tạo ngay tại nhà máy về hệ thống điều khiển DCS của hãng Yokogawa tại Hà Nội, hệ thống điều khiển các trạm lẻ như bộ điều khiển PLC của Siemens, Mitsubishi, Allen Bradley… Hệ thống SCADA, khóa đào tạo chuyên đề về thị trường điện cho lực lượng kỹ sư, nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn và nắm bắt các tình huống công tác bảo trì, cũng giúp đội ngũ CBCNV Công ty từng bước làm chủ được thiết bị, nhanh chóng phát hiện và xử lý triệt để các bất thường, đảm bảo an toàn..
 
Chính vì vậy, trong năm 2021 mặc dù đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng hoặc điều chỉnh sản xuất giảm, tuy nhiên bằng các giải pháp linh hoạt và chuyển đổi số thành công, sản lượng điện sản xuất năm 2021 của Công ty vẫn đạt 3.655,5 triệu kWh vượt 102% so với kế hoạch, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, đặc biệt là công tác sửa chữa lớn Tổ máy số 1 đã hoàn thành trước thời hạn... những kết quả này đã góp phần xây dựng Công ty ngày càng phát triển vững mạnh, giữ vững vai trò đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 
Theo: Báo Công thương