Ông Alok Kumar Sharma (trái) tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 14.2.
Ông Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), bày tỏ như trên tại cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chiều 14.2 nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Ứng phó biến đổi khí hậu khó nhưng cấp bách
Trao đổi về việc triển khai các kết quả Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhưng trọng tâm, cấp bách. Với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và hành động nhanh chóng, mạnh mẽ, tổng thể, toàn diện, Việt Nam tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và coi đây là cơ hội để chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp.
Thủ tướng nêu rõ tinh thần hợp tác trên cơ sở tin cậy, tôn trọng, bình đẳng và các bên đều có lợi, hợp tác từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ tới khó, từ nhỏ tới lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội.
Ngay sau COP26, Việt Nam đã nghiêm túc và nhanh chóng triển khai cam kết của mình thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng làm trưởng ban.
Việt Nam đang tiếp tục tích cực để sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan, dùng một luật để sửa nhiều luật; nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể; rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch có liên quan; huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu… để thực hiện các cam kết này.
Trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam đang rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, thúc đẩy phát triển mạnh các nguồn năng lượng điện tái tạo, chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch một cách phù hợp, bền vững, bảo đảm công bằng.
"Vấn đề là nguồn lực"
Thủ tướng tin tưởng Việt Nam sẽ có đủ hành lang pháp lý cần thiết để thực hiện tốt các cam kết đã đưa ra tại COP26, vấn đề còn lại là huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện với nhu cầu tài chính rất lớn.
Thủ tướng đề nghị ngài Alok Kumar Sharma, với tư cách là Chủ tịch COP26, sẽ tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và các đối tác phát triển trong hỗ trợ chuyên môn, công nghệ, năng lực, tài chính để Việt Nam thực hiện các cam kết, các Sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng mong muốn Chủ tịch COP26 hỗ trợ Việt Nam kết nối với các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng có khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính, tín dụng cho Việt Nam tương tự mô hình "Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng" mà Vương quốc Anh cùng với Pháp, Đức, Mỹ và Liên minh châu Âu đã ký kết với Nam Phi.
Thủ tướng cũng đề nghị hỗ trợ Việt Nam thành lập thị trường carbon trong nước kết nối với thị trường quốc tế; thành lập Trung tâm năng lượng tái tạo nhằm đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm pháp luật, quản trị quốc gia; hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam nội luật hóa các cam kết tại COP26; đánh giá hiện trạng phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp, cơ sở phát thải tại Việt Nam; chuyển giao công nghệ hoặc kết nối với các doanh nghiệp có công nghệ xử lý pin mặt trời sau khi hết hạn sử dụng; đánh giá tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam…
Bộ trưởng Alok Kumar Sharma, Chủ tịch COP26, đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong khu vực, đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị COP26 và Thỏa thuận Khí hậu Glasgow; hoan nghênh quan điểm tiếp cận, các hành động nhanh chóng, toàn diện của Việt Nam, những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành để bảo đảm các cam kết được triển khai trong thực tế.
Bộ trưởng khẳng định sẵn sàng tích cực hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam để hỗ trợ triển khai các cam kết, nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng là chìa khóa cho các cam kết khí hậu của Việt Nam bởi 70% lượng khí thải của Việt Nam là từ ngành năng lượng. Vương quốc Anh sẽ nỗ lực hỗ trợ Việt Nam tiếp cận và huy động các nguồn tài chính cần thiết trong quá trình này.