Tin trong nước

Chủ tịch UBND tỉnh sẽ điều hành xả lũ thủy điện, thủy lợi

Thứ sáu, 12/9/2014 | 13:43 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định (số 909) về việc “Ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa lũ hằng năm”. Theo đó, sẽ tước quyền xả lũ của các chủ hồ thuỷ điện, thuỷ lợi, đồng thời giao trách nhiệm điều hành vận hành xả lũ các hồ đập cho đích danh Chủ tịch UBND các tỉnh. Đây là nét mới, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn phòng, chống thiên tai ở khu vực miền Trung…

Ảnh minh họa.
 
Nâng trách nhiệm cá nhân

Theo quy chế vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (liên quan đến 2 địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam) vào mùa mưa, từ ngày 1.9 - 15.12 hằng năm, các hồ A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2 phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thuỷ điện. Đồng thời, góp phần giảm lũ cho hạ du và đảm bảo hiệu quả phát điện.

Thực tế, quy trình vận hành liên hồ trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đã được Thủ tướng ban hành từ năm 2010, tuy nhiên thực tế, sau khi vận hành đúng quy trình đó vẫn không đảm bảo sự an nguy của hàng triệu dân dưới vùng hạ du. Bằng chứng là sau hàng loạt sự cố xả lũ thuỷ điện, gây ngập lụt đột ngột, làm tổn thất tài sản, tính mạng của người dân vùng hạ lưu (năm 2009 và mới nhất là bão số 10-2013).

Các chủ hồ thuỷ điện khẳng định mình vận hành đúng quy trình. Nhưng những tổn hại của người dân có thể định lượng được là rất nặng nề. Một trong những nguyên nhân dễ thấy nhất là do trước đây, việc điều hành xả lũ các hồ thuỷ điện chưa thống nhất, các chủ hồ mạnh ai nấy xả, dẫn đến tình trạng lũ chồng lũ, vùng hạ du bị động.

Quyết định 909 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay giao trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp điều hành xả lũ, giữ lũ nên không thể có tình trạng chồng chéo trong chỉ đạo. Điểm mới nữa là Trưởng ban phòng, chống thiên tai (bao gồm bão lụt, hạn hán, động đất, sóng thần…) được chỉ định cụ thể là Chủ tịch UBND các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, không còn chung chung là lãnh đạo chính quyền như trước đây.

Như vậy, việc chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai sẽ được vận hành trực tiếp, đồng bộ và có hiệu lực cao nhất. Đồng thời với quyết định này thì trách nhiệm của cá nhân Chủ tịch UBND chính quyền các cấp được nâng cao, ràng buộc cụ thể.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Điểm mới quan trọng trong quy trình vận hành vừa được phê duyệt là buộc các hồ thuỷ điện phải hạ mức đón lũ sâu hơn quy định trước đây hàng chục mét. (Ví dụ, với mực nước cao trình của hồ thuỷ điện A Vương là 380m – so với mực nước biển, trước đây quy định phải hạ mức đón lũ là 376m.

Quy trình mới buộc phải hạ còn 366m). Điều này rõ ràng tăng mức an toàn cho hạ du, tuy nhiên ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng phát điện. Đặc biệt, với những cơn bão bị dự báo sai (như bão Haiyan 2013 chẳng hạn) thì ngành điện phải gánh hậu quả nặng.

Theo ông Văn Phú Chính - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều kiêm Phó Văn phòng, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai Trung ương - hiện nay Việt Nam có trên 6.500 hồ đập lớn nhỏ, với hơn 65 tỉ mét khối nước “treo” trên thượng nguồn, luôn đe doạ sự an nguy của người dân vùng hạ du mùa lũ. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý hồ đập còn chồng chéo.

Các hồ thuỷ điện thì thuộc Bộ Công Thương, hồ thuỷ lợi thuộc Bộ NNPTNT, các lưu vực sông thuộc Bộ TNMT, các hồ đập nhỏ lại thuộc chính quyền các tỉnh... quản lý, vận hành xả lũ do các chủ hồ tự quyết. Bây giờ quy trình vận hành liên hồ mới được ban hành giao vai trò điều hành cho Chủ tịch UBND tỉnh, rõ ràng đây là bước tiến, phát huy được vai trò “nhạc trưởng” trong vấn đề xả lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho rằng, đây là quyết định phù hợp thực tiễn, khắc phục việc chỉ đạo chồng chéo, chấm dứt việc chủ hồ tự ý xả lũ ồ ạt gây lũ chồng lũ. Tuy nhiên, lãnh đạo một số nhà máy thuỷ điện trên lưu vực Vu Gia, Thu Bồn thì cho rằng, cần phải có thời gian để thẩm định.

Giao quyền điều hành xả lũ cho chủ tịch tỉnh được lợi thế trong điều hành đồng bộ, tính hiệu lực cao, song thêm nhiệm vụ mà không thêm nhân sự sẽ gây khó cho chủ tịch. Theo ông Lê Đình Bản - Phó GĐ Cty CP thuỷ điện A Vương -thì cần bổ sung thêm bộ máy giúp việc cho chủ tịch gồm các chuyên gia, kỹ sư thuỷ lợi, thuỷ điện chuyên nghiệp, được đào tạo, tập huấn thực tế thì việc điều hành xả lũ liên hồ mới phát huy tác dụng cao.
Theo: Báo Lao động