Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng (áo vest đen) trao tặng 10 bộ máy vi tính cho trường THCS Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Lặng lẽ nhìn vết tích của cơn lũ đã đi qua từng vị trí cột điện… tôi cảm nhận được những khó khăn, gian khổ mà người lính truyền tải điện đã phải chống chọi với hung thần để giữ vững dòng điện thông suốt trong mọi hoàn cảnh. Và khi bão lũ đã rời xa, mọi người đang bị hối thúc bởi một năm sắp hết, họ vẫn dành thời gian quý báu đến với các em học sinh trao tặng 100 chiếc máy tính để bàn tại 10 điểm trường của tỉnh Quảng Ngãi.
Chia ngọt sẻ bùi cùng nhân dân
Nghĩ về những người lính truyền tải điện, ai cũng nghĩ về hình ảnh những người công nhân truyền tải điện có sắc phục màu xanh, trèo đèo, lội suối, trên vai mang vác túi dụng cụ như ba lô của người lính; sẵn sàng gác lại mọi niềm vui, hạnh phúc giản dị nhất của mình để ngày đêm giữ cho dòng điện truyền tải mọi miền của tổ quốc. Những việc làm ý nghĩa đó đã góp phần làm cho cuộc sống đổi thay từng ngày. Nhưng tôi cũng nhìn thấy những người lính truyền tải điện ở một góc nhìn khác – những tấm lòng chia ngọt sẻ bùi với đồng bào trong hoạn nạn, trong thiên tai mưa lũ năm 2020.
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hành Tín Tây – huyện Nghĩa Hành – tỉnh Quảng Ngãi là 2 trong 10 điểm trường do tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn để Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia trao tặng máy vi tính để bàn. Mặc dù là huyện đồng bằng nhưng huyện có địa hình trung du, có nhiều đồi núi, cao ở phía tây và thoải dần về phía đông. Do có dòng sông Vệ là một trong bốn con sông lớn ở Quảng Ngãi chảy qua giữa hai xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây nên mùa mưa thường gây lũ lụt lớn. Xã Hành Tín Tây có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 3.700ha những đã có đến gần 3.000ha là đất lâm nghiệp, đất khu dân cư chỉ có 35,24ha và đa số cư dân người Hrê của huyện Nghĩa Hành sống ở đây. Vì vậy, có thể thấy, Hành Tín Tây là không “thiên thời, địa lợi”. Ở một xã như vậy thì những thiệt hại từ bão số 9 như nhà tốc mái, trường học bị ngập trong nước sâu, các đường giao thông bị tắc nghẽn do sạt lở và cây cối ngã đổ… thì việc tập trung khắc phục để sớm ổn định đời sống cho nhân dân đã là việc lớn rồi.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền (đầu tiên bên phải), Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng (giữa) cùng các thày cô giáo trường tiểu học Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trước những bộ máy vi tính do EVNNPT tặng.
Quảng Ngãi là tỉnh không có “của ăn, của để” nhưng rất coi trọng công tác giáo dục. Vì theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền thì giáo dục không chỉ là vấn đề bồi dưỡng kiến thức, mà nó còn giúp nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên học sinh để có lối sống đẹp hơn, đóng góp tích cực vào các lĩnh vực khác của đời sống. Từ đó, việc giáo dục không gói gọn trong trách nhiệm của nhà trường mà là cả cộng đồng.
Điều dễ nhận thấy khi đi qua 10 điểm trường đều là những xã nghèo nhưng ngôi trường nào cũng được xây dựng khang trang, rộng rãi và 100 máy tỉnh để bàn Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia hỗ trợ trong tháng Tri ân khách hàng, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định dành trọn vẹn cho trường học của các xã khó khăn nhất.
Em Phạm Thị Phượng – học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Hành Tín Tây lần đầu tiên được đặt tay lên bàn phím như chủ nhân của chiếc máy tính.
- Em đã bao giờ được sử dụng máy tính chưa?
- Em đã được chạm vào nhưng chưa bao giờ được quyền sử dụng như một môn học.
- Em thích không?
Cô học trò nhỏ không trả lời, chỉ cười. Một nụ cười rạng rỡ.
Gương mặt thầy giáo Nguyễn Ngọc Thanh – giáo viên bộ môn tin học của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần văn Trà – TP Quảng Ngãi lộ rõ niềm hạnh phúc: Những chiếc máy tính này là món quà quý giá giúp các em học sinh Tiểu học có thêm tri thức khi được học bộ môn Tin học như các em học sinh ở các trường học có điều kiện. Và đặc biệt, với việc đưa bộ môn tin học vào chương trình học tập sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn của ngành Giáo dục. Lần đầu tiên kể từ khi thành lập trường Tiểu học Trần Văn Trà – năm 1990, đến nay, nhờ sự hỗ trợ của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, các em học sinh tiểu học mới có điều kiện được học môn tin học.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) Nguyễn Tuấn Tùng thổ lộ, EVNNPT quản lý vận hành 24.950km đường dây truyền tải, trong đó, hơn 7.827km đường dây cấp điện áp 500kV và 17.123km đường dây cấp điện áp 220kV. Như thế có nghĩa, người lính truyền tải điện có mặt ở khắp mọi miền của Tổ quốc.
EVNNPT là doanh nghiệp luôn coi trọng đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Cùng với quá trình phát triển, các giá trị văn hóa vừa phù hợp với văn hóa EVN vừa mang bản sắc riêng của EVNNPT đã được hình thành, thấm sâu và chi phối tình cảm, suy nghĩ, lời nói và hành động của con người EVNNPT, tạo nên khối đoàn kết, thống nhất, xây dựng EVNNPT phát triển bền vững. Bên cạnh đó, EVNNPT luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, đây chính là cơ sở để đẩy mạnh công các tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tham gia bảo vệ các đường dây truyền tải điện. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác bảo vệ tài sản quốc gia, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nhân dân, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển lưới điện truyền tải và giữ cho dòng điện thông suốt trong mọi tình huống.
Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng mong muốn món quà 100 máy tính để bàn trao tặng cho 10 điểm trường của tỉnh Quảng Ngãi không chỉ giúp các em học sinh có thêm cơ hội học tập tốt mà còn giúp các em có thêm hiểu biết về những người làm công tác truyền tải điện, canh giữ “trục xương sống” của Hệ thống điện Việt Nam như những người lính canh giữ biên cương của Tổ Quốc. Từng ngôi nhà được tỏa sáng trong bình yên là đóng góp quan trọng của những người lính truyền tải điện. Nhiệm vụ của EVNNPT trong những năm tới là rất nặng nề. EVNNPT sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng để phát triển lưới điện truyền tải. Cố gắng, nỗ lực của EVNNPT là chưa đủ, cần thiết phải có sự hỗ trợ từ chính quyền các địa phương và nhân dân- nơi có đường dây đi qua. Có như vậy, EVNNPT mới có thể hoàn thành tốt những trọng trách, nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao. Sự thấu hiểu và hỗ trợ của các địa phương và nhân dân là hành trang, động lực lớn lao cho CBCNV EVNNPT vượt qua mọi sóng gió, vững vàng thực hiện thành công sứ mệnh vinh quang của mình.
Sưởi ấm tình người
Chủ tịch HĐTV EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng (trái) trao tặng 10 bộ máy vi tính cho trường THCS Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Giữa đời thường hôm nay của những người lính truyền tải điện, có lẽ là câu chuyện không bao giờ có hồi kết, và phải tốn rất nhiều giấy mực, đã có rất nhiều bài báo viết về họ. Họ là những người công nhân quản lý vận hành đường dây truyền tải điện và cuộc đời gắn với những tháng ngày trèo đèo lội suối, tuổi xuân trôi qua trên khắp các nẻo đường Tổ quốc. Họ là những người giúp dân trong hoạn nạn. Họ là những người đồng cam cộng khổ với nhân dân ở những nơi có đường dây truyền tải đi qua và cả những nơi không có đường dây truyền tải đi qua. Bởi, bên cạnh nhiệm vụ quản lý vận hành, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục trong phát triển kinh tế xã hội, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị trực thuộc còn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại các địa phương với nhiều chương trình ý nghĩa như: chương trình tặng quà Tết cho người nghèo, chương trình hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ khắc phục dịch bệnh Covid, khắc phục thiên tai….
Chủ tịch Công đoàn EVNNPT Trịnh Tuấn Sơn cho biết, thực hiện Chỉ thị liên tịch số 158/CTLT-EVN-CĐĐVN ngày 25-3-2020 của EVN và Công đoàn Điện lực Việt Nam về việc “Vận động quyên góp ủng hộ Quỹ tương trợ xã hội năm 2020”; nhằm tiếp tục chăm lo cho CNVCLĐ gặp khó khăn và thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội năm 2020, đặc biệt là dịch COVID - 19 đang gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, EVNNPT đã vận động toàn thể cán bộ công nhân viên và người lao động đóng góp mỗi người ít nhất một ngày lương với tổng số tiền là 2,7 tỷ đồng để đóng góp vào Quỹ phòng chống COVID - 19 Quốc gia.
Trong đợt bão lũ xảy ra ở khu vực Miền Trung năm 2020, cán bộ công nhân viên và người lao động EVNNPT đã ủng hộ đồng bào Miền Trung khắc phục khó khăn thiên tai trong năm 2020, với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” với số tiền hơn 4 tỷ đồng; thăm hỏi phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ quỹ bảo trợ người tàn tật, chất độc màu da cam, trẻ mồ côi, hội người mù ... với tổng số tiền 416,7 triệu đồng.
Ngoài số tiền trên từ EVNNPT, Công ty Truyền tải điện 2 là đơn vị quản lý vận hành có đường dây truyền tải đi qua các tỉnh từ Quảng Bình vào đến Quảng Ngãi là những địa phương chịu thiệt hại nặng nề từ bão số 9 và dịch bệnh Covid, đã ủng hộ Quỹ phòng chống dịch bệnh Covid với số tiền gần 249 triệu bằng nguồn đóng góp một ngày lương của cán bộ công nhân viên và người lao động trong Công ty; ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai 497 triệu đồng; phối hợp chính quyền địa phương trao quà hỗ trợ cho các gia đình khó khăn, bị ảnh hưởng do bão lũ ở dọc theo các tuyến đường dây truyền tải điện gồm 100 xuất tại Quảng Bình (các xã Quảng Hòa TX Ba Đồn, Sơn Thủy Lệ Thủy); 100 xuất tại Quảng Trị (phường 4 Đông Hà, các xã Triệu Ái, Triệu Thượng Triệu Phong, Hải Lẹ, Hải Chánh Hải Lăng, Cam Hiếu, Cảm Thủy Cam Lộ); 100 xuất tại Thừa Thiên Huế (các xã Lộc Điền, Lộc Trì, Lộc Thủy Phú Lộc, Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Thu Phong Điền, Thủy Dương Hương Thủy); 100 xuất tại Thạnh Mỹ Quảng Nam mỗi xuất quà trị giá 500 000 đồng; hỗ trợ sách vở và dụng cụ học tập cho học sinh tại Quảng Ngãi 250 xuất (các trường học tại xã Đức Phú Đức Phổ, Bình Minh Bình Sơn, Đức Lân Mộ Đức và Di Lăng Sơn Hà); tại Quảng Nam 300 xuất (các trường học tại xã Zơ Nông, Chà Vàl, Zuooich, Thạnh Mỹ Nam Giang); tặng quà hỗ trợ khắc phục bão lụt tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi mỗi tỉnh 500 000 000 đồng; tham gia xây dựng đường bê tông trong chương trình xây dựng Nông thôn mới tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Khương của huyện Hòa Vang với 40 ngày công lao động.
Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 Trần Thanh Phong chia sẻ, số tiền này được trích từ quỹ đóng góp ngày lương của người lao động trong toàn đơn vị. Đây là tấm lòng, tình cảm cũng như trách nhiệm của người lao động Công ty Truyền tải điện 2 đối với xã hội.
Những việc làm thiết thực của người lính truyền tải đã góp phần vào sự thay đổi nhận thức của người dân sống gần đường dây truyền tải. Từ đó, người dân luôn chấp hành tốt các quy định về an toàn hành lang lưới điện cao áp, đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc bảo vệ lưới điện truyền tải.
Những nơi có dấu chân người lính truyền tải đi qua đều mang đến niềm vui và sự sẻ chia đối với người dân. Họ - những người lính truyền tải điện đã đem tình yêu thương để sưởi ấm lòng người dân ở mọi miền Tổ quốc, ở những nơi có đường dây đi qua và cả những nơi hải đảo xa xôi chưa từng có đường dây truyền tải điện.