Tin trong nước

Chú trọng đảm bảo đê điều, hồ đập, hệ thống điện trước bão Noru

Chủ nhật, 25/9/2022 | 21:05 GMT+7
Ngày 25/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành – Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về ứng phó với bão Noru.
 

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN (ngoài cùng bên trái) dự cuộc họp.
 
Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Cao Lục – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai. 
 
Hội nghị được chỉ đạo trực tuyến đến các địa phương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, Gia Lai và Kon Tum. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc, ông Phạm Hồng Long – Trưởng ban An toàn EVN dự hội nghị.
 
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10h00 ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 123,2 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 250km về phía Đông. Đêm 25/9, rạng sáng ngày 26/9, bão đi vào biển Đông (bão số 4) với cường độ cấp 13, giật cấp 16 và tiếp tục duy trì cường độ trong ngày 27/9. Đêm 27/9, rạng sáng 28/9, bão đổ bộ vào khu vực miền Trung (dự kiến từ TT.Huế đến Quảng Ngãi). 
 
Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
 
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để ứng phó với bão Noru, ngày 25/9/2022, Tập đoàn đã ban hành Công điện số /CĐ-EVN về việc chủ động ứng phó với bão Noru. Tập đoàn đã thành lập nhóm Viber nhằm chủ động, kịp thời thông tin, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai có thể gây ra.
 
Hiện tại, hệ thống lưới điện chưa bị ảnh hưởng. Hệ thống đập, hồ chứa đang vận hành bình thường, các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên có dung tích phòng lũ hơn 3,3 tỷ m3 nước.
 
Tập đoàn kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai xem xét, chỉ đạo chính quyền địa phương hỗ trợ, phối hợp với ngành Điện trong việc vận động người dân chặt tỉa cây xanh, phát quang hành lang tuyến đường dây trong đô thị mùa mưa bão, trước khi bão đổ bộ.
 
Hỗ trợ, phối hợp tuyên truyền bảo vệ tài sản của ngành Điện, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; Phối hợp trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo người dân sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão, đặc biệt việc kiểm tra các thiết bị sử dụng điện trong quá trình khôi phục cấp điện trở lại sau bão hoặc khu vực ngập sâu trước khi sử dụng lại; Thiết lập, quản lý hành lang thoát lũ của các hồ chứa.
 
Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trong quá trình di chuyển nhân lực, vận chuyển phương tiện, trang thiết bị nhằm kịp thời ứng phó, khẩn trương khắc phục sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra.
 
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng các phương án ứng phó bão số Noru. Phó Thủ tướng cho biết: "Đây cơn bão mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây, di chuyển nhanh, cấp 13, giật cấp 16, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động tổ chức thực hiện di tản dân, kêu gọi tàu thuyền... Tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác". 
 
Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố biển hiệu, nha ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao.
 
Các địa phương chỉ đạo công tác đảm bảo an toan các tuyến đê biển, đê cửa sông nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sẵng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt. Chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
 
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chu động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu. 
 
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo kiểm tra, ra soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an tòan các hầm, lò khai thác khoáng sản, các công trình đang thi công, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
 
Các cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt la hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Kim Thái