Tin trong nước

Chú trọng đảm bảo vận hành an toàn hồ đập thủy điện khu vực phía Bắc

Thứ ba, 14/7/2020 | 13:20 GMT+7
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị công tác phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trao Bằng khen của Bộ cho những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai năm 2019. Trong ảnh: Ông Phạm Hồng Long - Trưởng ban An toàn EVN (thứ 2 từ phải sang) và ông Khương Thế Anh - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La (ngoài cùng bên phải) nhận Bằng khen của Bộ trưởng.
 
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, từ đầu năm 2020 đến nay, tai các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó 8 đợt trên diện rộng; 2 trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất. Tính đến ngày 09/7/2020, đã làm 19 người chết, 79 người bị thương; 1.618 nhà sập, 52.015 nhà bị hư hại, tốc mái; 10.009 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính là 610 tỷ đồng.
 
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết, thiên tai trong khu vực những tháng cuối năm 2020 cụ thể như sau: Mưa, lũ tập trung vào tháng 8 đến giữa tháng 10; lượng mưa tháng 7 ở mức thấp khoảng từ 10-25% so với trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ lớn nhất trên các sông suối từ tháng 7-10 phổ biến ở mức báo động 1- báo động 2. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc. 
 
Về bão, có xu hướng hoạt động muộn hơn so với TBNN, có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào những tháng cuối năm. Bão xảy ra muộn vào thời kỳ các hồ thủy điện đã tích nước, hoàn lưu sau bão thường gây mưa lũ lớn sẽ ảnh hưởng đến an toàn đập và xả lũ ngập lụt hạ du, an toàn hệ thống đê điều.
 
Ngoài ra, khu vực miền núi phía Bắc có thể còn tiếp tục xuất hiện các hình thái thời tiết nguy hiểm đã xảy ra gây thiệt hại lớn từ đầu năm 2020 như dông lốc, sét, mưa đá khi có biến động về thời tiết.
 
Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp - ATMT (Bộ Công Thương) tại Hội nghị: Tính đến tháng 6 năm 2020 khu vực miền núi phía Bắc có 225 hồ chứa thủy điện đã có quy trình vận hành đơn hồ chứa, trong đó có 145 hồ chứa thủy điện nhỏ và nhiều hồ thủy điện lớn gồm: Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang, Thác Bà.
 
Qua công tác quản lý, Cục ATMT đánh giá, các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện đã thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu trong công tác vận hành xả lũ, vận hành phát điện bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. Các chủ đập, hồ chứa thủy điện đã nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện theo quy định. 
 
Việc vận hành hồ chứa thủy điện bảo đảm mực nước hồ chứa được thực hiện theo nguyên tắc chung trong mùa lũ, các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện vận hành hồ chứa để duy trì mực nước hồ ở mực nước trước lũ. Trước khi vận hành xả lũ, hầu hết các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện thực hiện việc thông báo bằng văn bản đến các cơ quan chức năng và cảnh báo bằng còi tại mặt đập theo đúng quy định, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. 
 
Để nâng cao hơn nữa công tác vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa mưa bão, ATMT kiến nghị Ban Chỉ đạo có ý kiến để Bộ NN&PTNT sớm tham mưu cơ quan có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền: Cách xác định vùng hạ du đập, hồ chứa thủy điện; Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp... để xử lý theo hướng chỉ cần xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp (bao gồm cả tình huống khẩn cấp do thiên tai hoặc sự cố kỹ thuật công trình hoặc cả hai yếu tố này gây ra); Chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện rà soát tổng thể, xác định trách nhiệm xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du làm cơ sở để xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.
 
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao sự chủ động của các bộ, ngành địa phương trong thời gian qua để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Để công tác phòng, chống thiên tai đảm bảo toàn diện, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp kịp thời các thông tin về mưa và dòng chảy phía thượng nguồn; cập nhật, nâng cấp bản đồ nguy cơ sạt lở đất đá để cung cấp cho các địa phương trong khu vực. Bộ Công Thương chỉ đạo việc rà soát, lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị theo dõi, quan trắc, giám sát, cảnh báo xả lũ xuống hạ du; phối hợp với địa phương giám sát việc xả lũ theo quy trình đã được phê duyệt; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn khu vực khai thác khoáng sản, ngăn chặn hiện tượng khai thác trái phép. Viện Vật lý địa cầu tăng cường theo dõi, cung cấp nhanh chóng các bản tin động đất tới các cơ quan chuyên môn, chính quyền và người dân để ứng phó kịp thời.
Kim Thái