Thỏa thuận mới nhất, áp dụng trong giai đoạn 2021-2023, đặt mục tiêu các doanh nghiệp tham gia đạt mức cải thiện 4,5% hiệu quả năng lượng tổng thể.
Ông Lex Delles, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Năng lượng và Du lịch đã đưa ra đánh giá kết quả sơ bộ của chương trình trong giai đoạn 2021-2023. Ông cho biết chương trình sẽ tiếp tục được gia hạn.
Công nghiệp - lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng điện, khí và than nhất - đang nỗ lực để trở nên thân thiện với môi trường hơn. Theo dữ liệu của Statec tháng 12 năm 2023, ngành công nghiệp đã giảm 29% mức tiêu thụ khí tự nhiên. Kết quả này đạt được do các doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi năng lượng để giảm mức tiêu thụ năng lượng.
Từ năm 1996, Liên đoàn doanh nghiệp Fedil, phối hợp với chính phủ Luxembourg, đã khuyến khích gần 50 doanh nghiệp công nghiệp tham gia chương trình thỏa thuận tự nguyện. Theo thỏa thuận, các doanh nghiệp cam kết triển khai các hoạt động như đảm bảo quản lý năng lượng hiệu quả, giám sát hàng năm, thực hiện kiểm toán năng lượng hoặc đăng ký tham gia các khóa đào tạo về hiệu quả năng lượng. Đổi lại, họ có thể nhận được một số ưu đãi về thuế với các sản phẩm năng lượng và điện.
Các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận là các cơ sở có lượng tiêu thụ năng lượng lớn. Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Lex Delles cho biết: Các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận tự nguyện có mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng năm 2021 là 7.301 GWh và 6.375 GWh vào năm 2022.
“Mục tiêu cải thiện chỉ số hiệu quả năng lượng tổng thể cho các công ty ký kết thỏa thuận tự nguyện là 1,5% năm, tương đương 4,5% trong giai đoạn 2021-2023 so với chỉ số cơ sở (mức 100). Đến cuối năm 2022, chỉ số năng lượng chung đạt được là 92,14 (so với mục tiêu 97), vì vậy mức cải thiện hiệu quả năng lượng đã vượt mục tiêu”, Bộ trưởng Lex Delles thông tin thêm.
Do thỏa thuận mới cho giai đoạn 2024-2030 chưa thể triển khai chính thức cho đến khi quá trình đánh giá thỏa thuận trước đó hoàn tất, thỏa thuận 2021-2023 sẽ được gia hạn thêm một giai đoạn trong năm 2024 hoặc đến năm 2025. Giai đoạn thứ hai hiện đang được xây dựng (phương pháp tính Chỉ số khử cacbon mới và xác định các mục tiêu, phù hợp với Kế hoạch năng lượng và khí hậu quốc gia) và sẽ áp dụng sau khi điều chỉnh cơ sở pháp lý, ông Delles cho biết.
Thỏa thuận mới có hiệu lực đến năm 2030 sẽ đưa ra chỉ số khử cacbon mới, với việc giám sát chi tiết lượng khí thải của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận. Đặc biệt, theo thỏa thuận hiện tại, lượng phát thải khí nhà kính chưa được tính đến, và việc tự tiêu thụ điện tái tạo do doanh nghiệp sản xuất chỉ được tính một phần.