Chạy đua với thời gian
Ông Phùng Kim Đại - Phó giám đốc Công ty Điện lực (PC) Quảng Ninh - cho biết, dự án cấp điện lưới cho 5 xã đảo huyện Vân Đồn có tổng mức đầu tư khoảng 312 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh Quảng Ninh, vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Dự án được khởi công từ tháng 4/2014, đến nay đã hoàn thành trên 80% khối lượng, trong đó, đã đóng điện cho 1 xã là Bản Sen, 4 xã còn lại sẽ nghiệm thu, đóng điện vào ngày 15/12/2014.
Để hoàn thiện một khối lượng lớn công việc như xây dựng mới 2.300 cột điện các loại, kéo trên 84 km đường dây trung áp, 53 km đường dây hạ áp, lắp đặt 21 trạm biến áp và 1.983 công tơ cấp điện... PC Quảng Ninh và các nhà thầu đã hết sức nỗ lực vượt qua khó khăn. Địa hình núi cao, hiểm trở, có nhiều khoảng vượt biển lớn và cách xa đất liền, đặc biệt là công tác vận chuyển vật tư, vật liệu trang thiết bị máy móc thi công. Tuy nhiên theo ông Đại, dự án đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ lớn của lãnh đạo ngành điện, tỉnh Quảng Ninh và người dân các xã đảo trong việc thu xếp đủ nguồn vốn, giải phóng mặt bằng.
Chứng kiến công tác thi công tại xã đảo Ngọc Vừng, chúng tôi thấu hiểu nỗi vất vả của công nhân ngành điện đang chạy đua với thời gian, trong thời tiết giá lạnh và mưa gió, miệt mài kéo dây, lắp đặt công tơ, trạm biến áp... với mục tiêu hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Ngày vui đang đến gần
Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Chủ tịch xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn:
Dự án đưa điện lưới ra các xã đảo Vân Đồn có ý nghĩa rất quan trọng với người dân. Nó sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên những tiềm năng mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. |
Bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Chủ tịch xã Ngọc Vừng cho biết, cả xã có gần 300 hộ dân với khoảng 1.200 nhân khẩu, do cách xa đất liền hơn 40 cây số lại thiếu nước, thiếu điện nên kinh tế xã đảo còn nhiều khó khăn. Trước năm 2011, tất cả các hộ dân xã đảo phải dùng máy phát điện chạy dầu, cứ 2-3 nhà chung nhau một máy phát nhưng chỉ dám dùng vài ba tiếng một ngày vì chi phí rất tốn kém. Từ năm 2011 đến nay, các hộ dân được sử dụng điện pin mặt trời do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, tổ chức phi Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh tặng nhưng cũng chỉ để thắp sáng và xem tivi.
Cũng theo bà Phượng, khi dự án điện triển khai, ai cũng háo hức vui mừng vì thỏa mãn ước mơ bao đời của người dân xã đảo, mở ra nhiều cơ hội cho bà con phát triển kinh tế nông ngư nghiệp, dịch vụ du lịch, nâng cao dân trí, góp phần giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo vùng Đông Bắc của tổ quốc.
Chị Nguyễn Thị Hạnh - chủ nhà nghỉ ở thôn Bình Ngọc - chia sẻ: hiện gia đình phải dùng 2 nguồn điện, một từ máy phát, một từ điện mặt trời nạp ắc quy, tính ra mỗi tháng cũng mất khoảng 2-3 triệu tiền dầu, còn đun nấu phải dùng gas. Vì không có điện lưới nên gia đình không dám mua sắm nhiều đồ điện. Khi có điện, chắc chắn chúng tôi sẽ mua tủ lạnh, bếp điện, điều hòa để mở rộng kinh doanh dịch vụ du lịch. Năm 2014, gia đình cũng đón được - 200 khách.
Chị Trần Thị Ngân - một giáo viên trẻ tâm sự, vì không có điện nên phải tranh thủ ánh sáng ban ngày để soạn giáo án, chăm con và làm các công việc khác. Cuộc sống, công việc trở nên khó khăn hơn, bố mẹ ở đất liền luôn lo lắng, sợ con khổ. Vì thế khi biết sắp có điện chị rất mừng.