Chuyển đổi số được PECC2 áp dụng rộng rãi trong hầu hết các khâu.
Khi số hoá giúp xoá sổ thói quen lưu trữ, tra cứu bản giấy
Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, …. những cụm từ được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những năm gần đây. Nhiều lĩnh vực được kỳ vọng có sự thay đổi mạnh mẽ nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của chuyển đổi số ở nhiều doanh nghiệp chỉ thể hiện bằng một vài con số rời rạc trong các bản báo cáo khô cứng.
Còn với ngành điện, vài năm trở lại đây, không chỉ khách hàng mua điện bán lẻ của EVN được hưởng lợi từ việc đơn giản hoá các dịch vụ, thủ tục cung cấp điện năng, nhiều doanh nghiệp khác cũng được ‘tận hưởng’ sự chăm sóc chưa từng có từ các dịch vụ tư vấn, thi công được số hoá của ngành điện giúp nâng cao hiệu quả công tác đầu tư xây dựng và quản lý công trình.
Với ngành điện, hoạt động chuyển đổi số phải thừa nhận đã có những thay đổi đáng kinh ngạc, nhất là các công nghệ nghệ cảm biến, lưu trữ, phân tích dữ liệu và mạng thông tin, kỹ thuật tự động hóa. Sự lột xác không chỉ thể hiện thông qua việc áp dụng các ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách hàng của ngành điện mà còn tiến mạnh sang cả số hóa các hoạt động đầu tư cũng như thiết kế công trình năng lượng.
Hoàn toàn thoải mái khi giới thiệu về những việc mà Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) đã làm nhiều năm qua, ông Trương Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và đào tạo cho rằng, chuyển đổi số phải xuất phát từ từng cá thể. “Chúng tôi có tập huấn, đào tạo cho nhân sự trong công ty phải học hỏi các công nghệ số để trải nghiệm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Nhưng trước hết chúng tôi xác định mang lại sự thuận lợi cho công việc của khách hàng cũng như chính bản thân mình”.
Còn với ông Đào Minh Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Năng lực số của PECC2, chuyển đổi số được tóm tắt bằng các ý ngắn gọn: Với các đơn vị làm dịch vụ như PECC2, chuyển đổi số là công việc hàng ngày và các bộ phận không cần nhắc đến nhiều nữa. Theo ông Hiển, thiết kế 2D hiện đã trở nên lỗi thời và đang dần trở thành lịch sử. “Ngày nay, BIM (Building Information Model) được ví như “bộ não thông minh” của ngành xây dựng hiện đại, từ thiết kế, xây dựng và vận hành các dự án, công trình điện, và là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình”, ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, với BIM, toàn bộ dữ liệu của quá trình từ khi phác thảo cho đến lúc công trình được hoàn thiện, cả những thay đổi, chỉnh sửa sẽ được lưu trữ trên hệ thống đám mây, từ đó giúp dễ dàng trao đổi và tương tác giữa các bên tham gia dự án một cách chính xác.
Hình ảnh sản phẩm Scan-To-BIM đang được hình thành cho công trình Sân phân phối Nhà máy điện Vĩnh Tân 4 mà PECC2 thực hiện.
“Các cảnh báo về xung đột và những điểm bất hợp lý cũng được phát hiện một cách thông minh và linh hoạt thông qua mô hình thiết kế 3D”, ông Hiển nhận xét và cho biết thêm, với ứng dụng Scan to BIM, hiện trạng của công trình sẽ được chụp lại một cách chi tiết với những thông tin chuẩn xác nhất. Với khả năng khôi phục chính xác mô hình nguyên trạng của công trình cũng như những dữ liệu đã bị mất, việc phục hồi các dữ liệu công trình hoàn công đã bị hư hỏng không còn quá khó khăn.
“Với mô hình BIM, chúng tôi có thể quản lý và sử dụng không gian của công trình thay vì phải đi vào các công trình đó trên thực địa, đặc biệt là các vị trí có mức độ nguy hiểm cao không thể đến trực tiếp. Ngay cả việc tra cứu cũng đơn giản hơn. Một bộ hồ sơ công trình hàng chục nghìn trang, nếu cần tìm bản giấy thì mất cả tiếng đồng hồ. Còn với việc dùng ứng dụng Scan to BIM, chỉ một vài click chuột là tất cả thông số hiện lên một cách trực quan nhất”, ông Hiển chia sẻ.
Đổi mới hay là chết?
Vô vàn "nỗi khổ đau" là đúc kết của ông Nguyễn Trọng Nam, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 (EVNPECC2) khi nói về những thành công bước đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số tại công ty. Theo ông Nam, trước đây, khi mới làm khảo sát, công ty gặp nhiều lỗi sai. Mà khi sai trong thiết kế, đương nhiên chủ đầu tư bị thiệt hại.
“Yêu cầu về chất lượng đầu tư ngày càng cao nên doanh nghiệp buộc phải lựa chọn đi tiếp hay là chết. Đội ngũ không phát triển, doanh thu giảm, việc ít đi thì nhân sự tốt sẽ bỏ đi dần. Hơn 10 năm trở lại đây, các lãnh đạo EVNPECC2 nhận ra vấn đề và chạy đua với thời gian để thay đổi, gia tăng chuyển đổi để tồn tại. Đến nay nền tảng hạ tầng, cơ sở vật chất của công ty đã thay đổi và là công ty niêm yết trên sàn với những thông tin minh bạch”, ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, Ban lãnh đạo công ty đặt ra yêu cầu rất cao về dịch vụ, tư vấn. “Mỗi một ngày phải tốt hơn ngày hôm qua. Chuyển đổi số bắt đầu từ yêu cầu thực tế. Chuyển đổi từ khâu thiết kế. Chúng tôi đưa vào vòng xoáy, gia tăng và tiếp tục gia tăng. Chúng tôi lấy ngắn nuôi dài để đầu tư. Đến nay nhân sự công ty đã lên đến trên 1.000 người. Số nhân sự cơ học của công ty tăng vì phát triển thêm ngành nghề, nhưng thực tế mỗi bộ phận đã tiết giảm được nhiều nhân sự nhờ chuyển đổi số và hiệu quả đã tăng lên rất nhiều” ông Nam nói.
“Ngày tôi vào công ty, mọi việc làm thủ công, nên từ khảo sát, đo đạc đều có thể bị sai. Nhưng nhờ áp dụng các công nghệ mới, những lỗi trong khảo sát, thiết kế ngày càng giảm gần như về 0. Trước chúng tôi phải mất 5 năm mới chủ trì được một thiết kế thì giờ đây, các bạn trẻ chỉ mất 12-18 tháng. Đó là hiệu quả rất rõ ràng và thực tế của chuyển đổi số”, Ông Nguyễn Trọng Nam, Phó tổng giám đốc PECC2 nhớ lại.