Diễn đàn năng lượng

Chuyên gia kêu gọi sử dụng tiết kiệm và phát huy nội lực để đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định

Thứ sáu, 9/8/2024 | 16:29 GMT+7
Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021-2030 lên tới hơn 130 tỷ USD, nhưng trong hơn 3 năm qua mới đạt khoảng 30 tỷ USD, như vậy trong hơn 6 năm còn lại, Việt Nam còn cần hơn 100 tỷ USD nữa đầu tư cho ngành điện. 

Đây là một thách thức rất lớn trong việc đảm bảo điện ổn định, trong bối cảnh phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng gắn với phát triển hợp lý các nguồn năng lượng tái tạo vẫn là các giải pháp căn cốt được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 08/08.

Việc chuyển dịch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo của Việt Nam không hề dễ dàng bởi các hệ thống cung cấp năng lượng xanh đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn. Trong khi đó, hạ tầng hệ thống điện chưa đáp ứng được với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực năng lượng tái tạo; thiếu nguồn điện linh hoạt, chưa tự chủ sản xuất được thiết bị phát điện, thiếu hệ thống lưu trữ năng lượng tin cậy. Các dự án điện khí LNG cũng đang gặp nhiều vướng mắc về chính sách khi triển khai thực hiện, thiếu quy định pháp luật cho phát triển điện gió ngoài khơi. Công nghệ nhiên liệu hydrogen còn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa được thị trường hóa… Tất cả các khó khăn này đang và sẽ tạo áp lực trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định. 
Trong khi đó, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí. 

GS. TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội nêu thực tế, việc phát huy nội lực của một đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên ưu đãi như nắng, gió, sóng biển và một nền kinh tế nông nghiệp ổn định để phát triển năng lượng tái tạo là vô cùng quan trọng. Ông nhấn mạnh tới nguồn điện sinh khối nhiều tiềm năng, cùng với LULUCF (Land Use, Land Use Change and Forestry) – nghĩa là sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa cam kết Net-Zero thông qua các hoạt động giảm phát thải và hấp thụ carbon từ đất nông nghiệp, đất ngập nước và rừng.

"Thế mạnh của Việt Nam hiện nay hầu như chúng ta chưa đầu tư để phát triển và khai thác đó chính là điện sinh khối. Việt Nam chúng ta là nước nông nghiệp, nếu như chúng ta phát triển về trồng rừng thì chúng ta hãy nhìn đến phát triển điện sinh khối. Nếu chúng ta quy hoạch đất tốt thì chúng ta sẽ có nhiên liệu sinh học, và đó chính là nguồn năng lượng nằm trong gói về tái tạo mà chúng ta cần phát triển. Ngoài ra, thị trường carbon cũng phải dựa trên sinh khối, thế thì đấy chính là yếu tố mà chúng ta cần phải hết sức quan tâm. Cho nên tôi quay trở lại là lĩnh vực năng lượng chúng ta nên tập trung cho Lulucf là vì thế". 

Nhấn mạnh Quy hoạch điện VIII được phê duyệt năm 2023 cũng khẳng định ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%; rồi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 (được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 01/10/2021) cũng tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh... Song trước các thách thức, khó khăn về nguồn lực, nhất là vốn đầu tư vào ngành điện trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam kiên trì kiến nghị việc nghiên cứu và xây dựng chính sách phải làm sao cân bằng giữa cung và cầu, phải tính đến hiệu quả trong sử dụng năng lượng từ phía cầu/phía tiêu dùng chứ không chỉ tính phương án “đảm bảo nguồn cung bằng mọi giá” nhưng giá điện thì lại chưa được tính đúng, tính đủ.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn. Vì thế, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn năng lượng, trong đó tiết kiệm điện phải trở thành thói quen, nhất là khi việc chuyển sang sử dụng điện thay thế các nguồn năng lượng truyền thống (như than, xăng dầu, khí đốt) đang ngày càng trở nên phổ biến.

Nguyên Long