Cùng với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tại Việt Nam giúp đất nước giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ nước ngoài. Song, có rất nhiều thách thức Việt Nam cần sớm vượt qua để quá trình chuyển dịch năng lượng diễn ra nhanh hơn. Đó là khẳng định của cả cơ quan quản lý và chuyên gia tại Diễn đàn chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024 diễn ra ngày 27/6/2024 tại Hà Nội.
Chuyển dịch năng lượng là quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống như nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ, than đá, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo và sạch hơn như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối, năng lượng địa nhiệt và các nguồn năng lượng sạch khác. Quá trình chuyển dịch năng lượng không chỉ liên quan đến việc thay đổi nguồn cung cấp năng lượng mà còn bao gồm các cải tiến trong công nghệ, chính sách, hạ tầng và thói quen tiêu dùng năng lượng…
Báo cáo của Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy, có ít nhất 4 thách thức lớn trong quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, đó là: Mặc dù chi phí của các công nghệ năng lượng tái tạo đã giảm đáng kể, việc triển khai trên quy mô lớn vẫn đòi hỏi đầu tư ban đầu cao, nhất là điện gió. Thứ 2 là hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng đủ để tích hợp năng lượng tái tạo, hệ thống lưới điện hiện tại cần được nâng cấp để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục như năng lượng mặt trời và gió. Thứ 3 là để đối phó với tính không liên tục của một số nguồn năng lượng tái tạo, cần phát triển các công nghệ lưu trữ năng lượng hiệu quả như pin và hệ thống lưu trữ nhiệt; Và thứ 4 là cần cải thiện khung pháp lý và các quy định liên quan đến năng lượng tái tạo, ban hành sớm các chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo, các dạng năng lượng sạch khác cũng như ban hành các quy định hạn chế theo lộ trình nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất.
Ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng ban Ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2023, hệ thống điện quốc gia có 84.360MW công suất đặt nguồn điện, trong đó năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời (tính cả điện mặt trời mái nhà) khoảng 23.000MW, chiếm tỷ lệ 27% trong tổng số công suất đặt nguồn điện của hệ thống. Khi tỷ lệ năng lượng tái tạo càng lớn thì càng gặp nhiều thách thức trong vận hành. Theo Quy hoạch điện 8, nguồn năng lượng tái tạo sẽ được phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì vậy, cần sớm có cơ chế để khuyến khích đầu tư hệ thống lưu trữ năng lượng/BESS.
"Rõ ràng Bess đóng một vai trò rất quan trọng trong chuyển dịch năng lượng. Vì để chuyển dịch năng lượng tốt và cam kết Netzero đến năm 2050 thì rõ ràng là năng lượng tái tạo, năng lượng mới phải đưa vào trong hệ thống. Trong Tổng sơ đồ điện 8 cũng đã hoạch định rất rõ thời điểm nào, như đến năm 2030 thì chúng ta không sản xuất thêm các nhà máy nhiệt điện than nữa mà chúng ta sẽ hướng tới năng lượng tái tạo nhiều hơn v.v. Và như vậy thì chúng ta cũng cần các loại hình tích trữ năng lượng mới như hệ thống Bess để chúng ta đưa vào trong hệ thống điện, để phục vụ cho chính các nhà đầu tư, nhưng nó cũng giúp cho ngành điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc vận hành hệ thống điện ổn định, an toàn, linh hoạt".
Bà Vũ Chi Mai - chuyên gia năng lượng của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng, chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam là một quá trình quan trọng và cần thiết trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức về năng lượng và môi trường. Việt Nam đang thực hiện nhiều bước để chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững hơn. Vì thế, cần ít nhất 4 yếu tố để thúc đẩy thành công quá trình này.
"Thứ nhất là cần một chính sách dài hạn, minh bạch để khuyến khích các nhà đầu tư, giữ chân các nhà đầu tư, đi kèm với chính sách đó là công tác quản trị - theo dõi quá trình chính sách như cần được thay đổi hay không, đáp ứng hoặc là đi theo thị trường hay không. Tiếp theo là nguồn vốn, bởi vì chúng ta biết là chuyển dịch năng lượng là chuyển sang một nền kinh tế xanh và ở Việt Nam thì chúng ta đang ở trong cái thách thức hai lần, một thách thức là chúng ta đang bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đồng thời cũng lại phải chuyển sang nền kinh tế xanh hơn, vì vậy nguồn tài chính rất quan trọng. Yếu tố thứ ba là nguồn nhân lực phải làm sao để tiếp nhận được công nghệ mới, để làm chủ nó phần nào đó trong chuỗi giá trị, kể cả những công việc như là vận hành, bảo dưỡng dự án… Và cuối cùng, đấy là thị trường của mình phải làm sao đủ tính cạnh tranh".
Từ việc chia sẻ kinh nghiệm sử dụng điện hiệu quả trong chiếu sáng đô thị thông qua việc chuyển đổi nhanh chóng đèn đường thông thường sang thông minh, ứng dụng mô hình chuyển đổi đèn LED thông minh, công nghệ CN Widers tại Hàn Quốc và một số doanh nghiệp trong nước, các chuyên gia nhấn mạnh, giải pháp trước mắt góp phần chuyển dịch năng lượng hiệu quả ở Việt Nam chính là sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện.
Đánh giá cao các góp ý, khuyến nghị từ diễn đàn, ông Nguyễn Mai Dương - Cục trưởng Cục phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo (Bộ Kế hoạch và đầu tư) khẳng định.
"Có những doanh nghiệp tiên phong trong việc triển khai hiệu quả những chính sách về chuyển dịch năng lượng, cũng như nhìn thấy Việt Nam cần phải tăng cường hơn nữa năng lực nội sinh về công nghệ để đáp ứng được xu thế chuyển dịch năng lượng. Bên cạnh đó, đối với những công nghệ tiên tiến của các quốc gia đã phát triển, nhất là tri thức của nhân loại đã được phát minh, sáng chế ra thì chúng ta cần phải có những giải pháp, những công cụ và biện pháp để làm sao đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ, làm sao đó để các doanh nghiệp trong nước, các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước cập nhật và tiệm cận nhanh nhất đối với những công nghệ tiên tiến để phục vụ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội".
Từ thực tế chuyển dịch năng lượng đang rất chênh lệch giữa các nhóm nước phát triển và nước đang phát triển, các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi năng lượng xanh phải trở thành vấn đề cấp bách ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, công cụ tài chính cần được xác định là chìa khóa cho tiến trình chuyển đổi nêu trên. Để đồng hành thúc đẩy “làn sóng năng lượng xanh” trên toàn cầu, các nước phát triển và các định chế tài chính quốc tế cần quan tâm nhiều hơn việc cung ứng nguồn vốn phù hợp và giảm nợ cho các nước đang phát triển để họ có thể dành ngân sách đầu tư cho các dự án phát triển năng lượng sạch.