Tin trong nước

Chuyện về những người thắp sáng Đảo Ngọc Phú Quốc

Thứ hai, 9/1/2023 | 14:19 GMT+7
Dòng điện quốc gia đang mở ra cơ hội giúp Phú Quốc phát triển vững mạnh về kinh tế- xã hội và du lịch, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Điện lưới thay điện dầu

Tháng 2/2014 đã đánh dấu bước ngoặt của ngành Điện Việt Nam, khi nguồn điện lưới quốc gia được đưa ra cấp điện cho Đảo Ngọc Phú Quốc bằng đường cáp ngầm xuyên biển 110kV Hà Tiên - Phú Quốc dài nhất Đông Nam Á. Điện lưới quốc gia từ đấy đã thay thế hoàn toàn nguồn điện diesel tại chỗ, tạo cú hích thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển du lịch và kinh tế biển Phú Quốc…

Từ khi có lưới điện quốc gia, nhu cầu cũng như tốc độ phụ tải trên đảo Phú Quốc tăng nhanh đột biến, chỉ sau 2 năm vận hành, công suất phụ tải tăng hơn 2 lần so với trước, đạt 16MW. Với số liệu thống kê, khảo sát mức đăng ký nhu cầu phụ tải điện trên địa bàn, dự báo đến năm 2020 lên công suất yêu cầu khoảng 250MW, trong khi đó nguồn cấp điện toàn bộ “đảo ngọc” qua đường cáp ngầm xuyên biển 110kV độc đạo chỉ đáp ứng tối đa 131MW.

Nhận thấy rõ nguy cơ và tiềm ẩn nhiều rủi ro nên từ đầu năm 2016, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung Dự án lưới điện 220kV cấp điện cho đảo Phú Quốc vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tại Văn bản số 2308/TTg-CN, ngày 27/12/2016.

Tháng 1/2018, EVN phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc. Ngay sau đó, EVNSPC đã khẩn trương triển khai, phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào tháng 5/2018, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công vào tháng 10/2018 và tổ chức khởi công công trình từ tháng 3/2019.

Dự án lưới điện 220kV cấp điện cho đảo Phú Quốc được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tại Văn bản số 2308/TTg-CN, ngày 27/12/2016.


Đường dây vượt biển trên không dài nhất Đông Nam Á

Sau hơn 3 năm nỗ lực thi công, ngày 14/10/2022, EVNSPC đã tổ chức Lễ đóng điện vận hành cấp điện áp 110kV giai đoạn 1 - Công trình Đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc. Đây là công trình đường dây vượt biển trên không cấp điện áp 220kV dài nhất khu vực Đông Nam Á, được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam, có tổng mức đầu tư trên 2.221 tỷ đồng bao gồm nguồn vốn tự có của EVNSPC và vốn vay tín dụng thương mại. Công trình được xếp loại năng lượng Cấp I - Nhóm B.

Quy mô công trình gồm 2 mạch có tổng chiều dài 80,4km, 169 vị trí cột; trong đó đoạn trên bờ thuộc huyện Kiên Lương dài 12,8km với 39 vị trí cột; đoạn trên biển dài 64,7km với 117 vị trí cột; đoạn trên đảo Phú Quốc dài 2,9km với 13 vị trí cột, với thiết kế cột tháp sắt 2 mạch trên không mạ và sơn chống muối biển, tiết diện dây dẫn phân pha 2xAACKP-400/95.

Phần trên biển có 117 vị trí cột, móng trụ được thiết kế với hệ cọc bê tông li tâm dự ứng lực, đúc sẵn chống nhiễm mặn, đóng tại chỗ, đường kính D700-800, liên kết với hệ đài móng bằng bê tông cốt thép, có diện tích khoảng 400m2/móng, chiều dài giữa các khoảng cột trung bình 560m, chiều cao cột 55-87m, đường dây đảm bảo tĩnh không hàng hải và trang bị hệ thống cảnh báo an toàn hàng không đầy đủ theo quy định.

Đồng bộ với công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc giai đoạn 1, vận hành ở cấp điện áp 110kV còn có công trình Trạm biến áp 110kV Nam Phú Quốc, công suất thiết kế là 2 máy x 63MVA, giai đoạn đầu lắp 1 máy 63MVA và phần đường dây đấu nối 2 mạch, có 5 vị trí cột, đấu nối từ vị trí tiếp bờ của Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc với Trạm biến áp 110kV Nam Phú Quốc.

Chia sẻ tại Lễ đóng điện vận hành cấp điện áp 110kV, giai đoạn 1 của công trình đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc, ông Nguyễn Phước Đức - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, quá trình triển khai thi công công trình gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết phức tạp.

Ông Đức cho biết: “Khi thi công trên môi trường biển thường xuyên có mưa, bão cùng với bùng phát đại dịch Covid-19 kéo dài, việc điều động máy móc, nhân lực thi công, vận chuyển vật tư, thiết bị gặp nhiều trở ngại, thêm việc giá cả nguyên nhiên liệu, xây dựng biến động, cộng với địa hình, địa chất, thổ nhưỡng phía đảo Phú Quốc rất phức tạp và công tác giải phóng mặt bằng phía 2 bờ Kiên Lương và Phú Quốc gặp rất nhiều khó khăn, tác động đến mục tiêu, tiến độ của công trình, dự án”.

“Việc hoàn thành công trình đóng điện vận hành cấp điện áp 110kV đã kịp thời sang tải cho đường cáp ngầm 110kV hiện hữu hiện đang vận hành ở mức tải dần tăng cao, khi công suất phụ tải đỉnh có lúc tăng lên đến 103 MW, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục với chất lượng và độ tin cậy cao cho thành phố đảo”.

Điểm nổi bật của công trình giúp năng lực cung cấp điện cho đảo Phú Quốc tăng gấp khoảng 5 lần phụ tải hiện hữu, có thể đáp ứng nguồn cung cấp điện đến năm 2035. Công trình hoàn thành tạo điều kiện quan trọng để địa phương phát triển vững mạnh về kinh tế - xã hội, nhất là đáp ứng nhu cầu cho sự phục hồi du lịch tại Phú Quốc sau đại dịch Covid-19, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, từ đó giúp thành phố Phú Quốc tiếp đà cất cánh, bay cao vươn tầm, tương xứng với vị thế đảo ngọc.

“Để đạt được thành tích hoàn thành đóng điện là sự đóng góp tuyệt vời, nỗ lực không biết mệt mỏi và tinh thần làm việc mạnh mẽ, quyết tâm của rất nhiều cá nhân, tập thể trong suốt quá trình 7 năm thực hiện từ năm 2016 đến nay”.

Trong giai đoạn tiếp theo, EVNSPC tiếp tục triển khai các công trình đồng bộ cấp điện áp 22kV-110kV-220kV bao gồm: Dự án tái cấu trúc lưới điện Phú Quốc vay vốn KfW (Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Đức); hoàn thành phần còn lại của Đường dây 110kV Phú Quốc - Nam Phú Quốc, trạm ngắt 110kV Phú Quốc, Đường dây 110kV Phú Quốc - Bắc Phú Quốc, Trạm biến áp 110kV Bắc Phú Quốc theo đúng quy hoạch điện lực đã được phê duyệt.

Theo lãnh đạo EVNSPC, việc triển khai các công việc trong thời gian tới sẽ còn không ít khó khăn, thách thức nhưng tin tưởng rằng với kinh nghiệm, quyết tâm của EVNSPC cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương và sự đồng hành, hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNSPC sẽ phát huy truyền thống, tiếp nối những thành quả của ngành với mục tiêu luôn đi trước một bước trong việc cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, khẳng định sẽ luôn hợp tác, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp điện.

Link gốc

VOV