Thí sinh thi phần thực hành tại hội thi.
Xung quanh chủ đề này, phóng viên (PV) có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Cường – Phó Giám đốc PTC3, Trưởng ban Tổ chức Hội thi.
PV: Xin ông cho biết đặc điểm lưới điện truyền tải do PTC3 quản lý? Từ những đặc điểm này, trong thời gian qua, việc áp dụng UAV đã mang lại hiệu quả như thế nào?
Ông Đinh Văn Cường: PTC3 đang quản lý vận hành lưới điện với quy mô hơn 5.300 km đường dây 500kV-220kV và 21 TBA (05 TBA 500kV, 16 TBA 220kV) trải dài trên 09 tỉnh nam miền Trung, Tây Nguyên. Cơ bản lưới điện do Công ty quản lý chủ yếu ở miền núi cao, khí hậu 2 mùa khác biệt nhau (mùa mưa Tây Nguyên là mùa nắng Duyên Hải và ngược lại), địa hình phức tạp, đèo núi quanh co nên công tác quản lý vận hành gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra đặc thù lưới điện PTC3 đấu nối nhiều nguồn điện, do các nhà máy năng lượng tái tạo khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên, các nhà máy thủy điện phát cao lên lưới, dẫn đến lưới điện truyền tải PTC3 quản lý vận hành thường xuyên vận hành đầy tải và quá tải. gây khó khăn trong công tác quản lý vận hành.
Trước kia, trong công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất công nhân phải đi bộ dọc theo hành lang tuyến, tuy nhiên đối với khu vực đồi núi, thung lũng hoặc đầm lầy, ao hồ việc đi dọc tuyến rất khó khăn, và mất nhiều thời gian, việc sử dụng ống nhòm, máy ảnh, máy quay phim sẽ không hiệu quả, vì khoảng cách từ mặt đất đến dây dẫn quá xa. Ứng dụng UAV để tiếp cận gần với dây dẫn, dây chống sét, mối nối, mối vá, khóa néo, phụ kiện… ở nhiều góc độ khác nhau, bay dọc theo đường dây, quay phim và chụp lại hình ảnh rõ nét với độ chính xác và tin cây cao giúp công nhân quản lý các đoạn đường dây đi qua khu vực này.
Ngoài ra để kiểm tra nhanh, tổng thể tình trạng móng cột, sạt lở, hành lang tuyến, trong một phạm vi cụ thể và hạn chế việc phải di chuyển khi kiểm tra, dùng UAV bay để tiếp cận quay phim, chụp ảnh thu thập dữ liệu để phục vụ trong công tác quản lý vận hành, bên cạnh đó phân tích, đánh giá tình trạng hành lang để có các giải pháp ngăn ngừa sự cố phù hợp với từng khu vực. Đặc biệt khi sự cố xảy ra, ứng dụng UAV trong việc tìm nguyên nhân sự cố, ghi lại hình ảnh ở nhiều góc độ phục vụ cho việc báo cáo, phân tích, điều tra sự cố rõ ràng, chính xác hơn.
PV: Việc tổ chức cuộc thi này nhằm mục đích gì và kết quả thu được sau khi kết thúc cuộc thi?
Ông Đinh Văn Cường: Để nâng cao năng lực của người lao động, cần tìm ra nhân tố hạt giống để xây dựng đội ngũ vững mạnh. Được sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty, PTC3 đã tổ chức Hội thi “UAV PTC3 năm 2022” nhằm mục tiêu tìm được nhân tài, nhân tố hạt giống góp phần tích cực vào cuộc cách mạng 4.0; Ngoài ra hội thi là môi trường thuận lợi cho người lao động thể hiện khả năng, năng lực tiềm ẩn của cá nhân, phát huy được sức mạch nội lực của tập thể. Đồng thời tạo sân chơi lành mạnh để các thành viên trong tổ vận hành công nghệ, người lao động ở các đơn vị chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức để giao lưu học hỏi lẫn nhau từ đó phát huy được sức mạnh tập thể, xây dựng Công ty Truyền tải điện 3 ngày càng vững mạnh.
Qua Hội thi giúp người lao động có góc nhìn rộng hơn về ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong đời sống, công việc, thấy được điều kiện lao động ngày càng được cải thiện từ đó rút kinh nghiệm về công tác quản lý vận hành và định hướng mới về sản xuất kinh doanh.
Ông Đinh Văn Cường – Phó Giám đốc PTC3.
PV: Đến thời điểm này Hội thi đã kết thúc, xin ông đánh giá như thế nào về đội ngũ những người điều khiển UAV trong các đơn vị của PTC3. Đâu là kinh nghiệm được rút ra sau cuộc thi, có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn ở các đơn vị của PTC3 được rộng hơn?
Ông Đinh Văn Cường: Qua cuộc thi có thể đánh giá đội ngũ những người điều khiển UAV của PTC3 đã nắm rõ được các Quy trình quản lý vận hành đường dây trên không, đồng thời làm chủ khai thác được các thiết bị UAV trong quá trình vận hành trên lưới điện tại các đơn vị Truyền tải điện khu vực.
Kinh nghiệm thực tiễn rút ra sau cuộc thi, có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn ở các đơn vị của PTC3 được rộng hơn: lực lượng quản lý vận hành cần nắm vững phần lý thuyết (quy trình quản lý vận hành đường dây trên không, các quy định soi, phát nhiệt, kiểm tra thiết bị….) kết hợp các kỹ năng sử dụng UAV (Kỹ năng chuẩn bị, khởi động máy, sử dụng thiết bị UAV để chụp hình, quay phim, điều khiển UAV khi khuất tầm nhìn…. các ứng dụng khác UAV trong quản lý vận hành phun lửa, soi phát nhiệt…) để phục vụ công tác quản lý vận hành lưới điện.
PV: Để ứng dụng UAV trong quản lý vận hành được sâu rộng hơn, PTC3 có đề xuất kiến nghị gì, thưa ông ?
Ông Đinh Văn Cường: Hiện nay thủ tục xin/cấp phép bay cho toàn bộ thiết bị bay theo quy định quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ của Chính phủ (yêu cầu xin/cấp phép cho từng chuyến bay của từng thiết bị bay, thời gian cấp phép của Cục tác chiến – Bộ Quốc phòng) đang còn phức tạp, thời gian cấp phép bay cho ngành điện còn ngắn chỉ từ 3-6 tháng mỗi lần. Do đó kiến nghị các cấp có cơ chế ưu tiên, hỗ trợ cho ngành điện trong việc ứng dụng UAV trong quản lý vận hành.
PV: Xin cảm ơn ông!
Kết quả Hội thi UAV PTC3 năm 2022
1. Giải tập thể
Giải nhất: Truyền tải điện Phú Yên;
Giải nhì: Truyền tải điện Gia Lai;
Giải ba: Truyền tải điện Ninh Thuận và Truyền tải điện Bình Thuận;
Giải khuyến khích: Truyền tải điện Khánh Hòa và Truyền tải điện Đắk Lắk.
2. Giải cá nhân
Giải nhất: Thí sinh Nguyễn Mạnh Dũng- Truyền tải điện Phú Yên;
Giả nhì: Thí sinh Nguyễn Huy Phong- Truyền tải điện Ninh Thuận;
Giải ba: Thí sinh Nguyễn Phi Hưng- Truyền tải điện Bình Định;
Giả khuyến khích: Thí sinh Trần Văn Hiếu- Truyền tải điện Gia Lai và Nguyễn Nguyên Trường- Truyền tải điện Khánh Hòa.
|