Quản lý năng lượng

Cổ phiếu ngành điện có hấp dẫn?

Thứ sáu, 19/1/2007 | 00:00 GMT+7
Cổ phiếu (CP) ngành điện là một trong những nhân tố đã làm thay đổi quan điểm về đầu tư của nhà đầu tư VN. Nếu trước kia, CP ngành điện chỉ được coi ngang hàng trái phiếu, thì hiện nay nếu xét theo độ an toàn, ổn định và mức lãi suất sinh lời, CP ngành điện không hề kém bất kỳ CP ngành nào khác.

Cơ hội cũ đã qua

 

Ngành điện được coi là có tiềm năng phát triển, bởi nhu cầu điện năng của VN rất lớn. Tuy nhiên, giá điện hiện đang được quản lý để kiểm soát chi phí đầu vào của nền kinh tế, nên tính đột biến về kết quả kinh doanh DN điện không cao (giá bán bị giới hạn, năng lực sản xuất điện của các nhà máy được biết trước).

 

Chính vì thế, trước kia CP ngành điện chỉ được coi như một dạng trái phiếu (an toàn, hiệu quả cao hơn trái phiếu). CPH, phát hành CP lần đầu (IPO), những CP ngành điện đầu tiên chỉ được nhà đầu tư coi là ngành có tiềm năng phát triển bình thường, ổn định và an toàn. Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh hay Nhiệt điện Phả Lại được mua với giá khởi điểm mà hàng còn ế lên đến hàng trăm tỉ đồng.

 

Lý giải điều này, có một số lý do chính như sau: Nhà đầu tư chưa đánh giá đúng tiềm năng ngành điện; số lượng IPO quá lớn trong khi TTCK chưa thu hút được sự quan tâm chú ý của nhà đầu tư; sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế (về thông tin và tỉ lệ được tham gia)…

 

Tuy nhiên, CP ngành điện hiện nay lại đang được đánh giá cao, thậm chí là rất cao. Khởi đầu cho làn sóng đầu tư CP ngành điện có thể nói là các nhà đầu tư nước ngoài. CP các DN sản xuất điện lớn như Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Nhiệt điện Phả Lại đã liên tục được nhóm này mua vào.

 

Nguyên nhân do quy mô lớn phù hợp với các quỹ có lượng vốn lớn cần giải ngân; giá CP hợp lý (2-3 lần mệnh giá vào thời điểm tháng 3.2006); DN hoạt động ổn định và một số thay đổi về chính sách đối với ngành điện.

 

Chính làn sóng này kéo theo một lượng cầu lớn từ nhà đầu tư trong nước và đặc biệt thay đổi cách nhìn của nhà đầu tư trong nước đối với CP ngành điện khiến CP ngành này đã có sự “leo dốc” ngoạn mục.

 

Tính đến cuối năm 2006, CP ngành điện rất được giá: VSH đạt giá trên 60.000 đồng/CP (hiện nay là trên 70.000 đồng/CP), PPC giá hơn 40.000 đồng/CP, RNC hơn 30.000 đồng/CP. Các nhà máy thuỷ điện mới đi vào hoạt động, đang triển khai (chưa phát điện), thậm chí cách trở xa xôi như Cty phát triển điện Việt - Lào cũng được tìm mua với mức giá hơn 2 lần mệnh giá.

 

Cơ hội đầu tư vào ngành điện vẫn còn nhiều, nhưng có thể nói, cơ hội đầu tư vào ngành điện với giá rẻ như trước đã qua đi.

 

Hấp dẫn đang ở phía trước?

 

Theo khảo sát của các cơ quan hữu quan, nhu cầu điện năng của VN tăng mạnh trong những năm qua, giai đoạn 1995-2004 tăng trung bình 15%. Trong thời gian tới, dự kiến nhu cầu về điện sẽ ngày càng cao và do vậy, nhu cầu đầu tư để phát triển ngành điện là rất lớn.

 

Theo kế hoạch của TCty Điện lực VN, trong giai đoạn 2006-2010, ngành điện sẽ xây dựng thêm 16 nhà máy điện mới và mở rộng công suất của 16 nhà máy đang vận hành.

 

Để đáp ứng nhu cầu phát triển ngành điện theo kế hoạch đặt ra, nhu cầu vốn đối với ngành điện mỗi năm lên tới 30.000 tỉ đồng (khoảng 2 tỉ USD) cho đầu tư xây dựng cơ bản. Nếu tính cả nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ phát triển (DAF), vốn từ phát hành trái phiếu chính phủ, vốn vay ngân hàng thì ngành điện vẫn chưa cân đối đủ nguồn tài chính”.

 

Xuất phát từ nhu cầu vốn đầu tư lớn như trên, để đáp ứng nhu cầu điện của VN, Tập đoàn Điện lực VN cần phải tiến hành CPH thu hút nguồn vốn đầu tư từ dân chúng để có thể đáp ứng nhu cầu điện của VN - dự kiến khoảng 90 tỉ kWh điện vào năm 2010. Hiện tại, EVN mới CPH được một số Cty như Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Cần Đơn, Thác Bà, Phả Lại…

 

Dự kiến trong thời gian tới, Tập đoàn Điện lực VN sẽ CPH thêm các nhà máy điện như: Thác Mơ, Uông Bí, Ninh Bình, Bà Rịa và Đa Mi - Hàm Thuận - Đa Nhim..., tiếp tục bán bớt phần vốn nhà nước tại các DN điện đã CPH, nhưng Nhà nước vẫn giữ mức cao như Nhiệt điện Phả Lại. Nguyên tắc CPH là Nhà nước nắm giữ tối thiểu 51% vốn trong các Cty cổ phần.

 

Kế hoạch điều chỉnh giá điện của Chính phủ và định hướng tới một thị trường điện cạnh tranh thực sự, sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động cho các nhà máy điện, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Lợi thế của ngành điện sẽ được nâng lên tầm cao mới, đáp ứng mong đợi của nhiều nhà đầu tư về CP ngành điện.

 

Kế hoạch CPH, bán bớt phần vốn nhà nước trong các DN ngành điện thực sự là một cơ hội tốt đối với nhu cầu đầu tư của công chúng, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu vốn để đầu tư phát triển của ngành điện. Với những đặc điểm hấp dẫn của ngành điện, chắc chắn thời gian tới, CP ngành điện vẫn là một trong các CP thu hút được sự quan tâm chú ý đặc biệt của các nhà đầu tư.

 

Phạm Đức Thọ (Cty CP đầu tư Việt-VICF)


Theo Lao Động