Vĩnh Sơn - Sông Hinh hiện đang sở hữu 2 nhà máy thủy điện là Vĩnh Sơn tỉnh Bình Định và Sông Hinh tỉnh Phú Yên, có công suất 70MW, sản lượng điện thương phẩm hàng năm là 715 triệu KWh.
Đây là cổ phiếu ngành điện thứ 2 niêm yết tại TTGDCK TP.HCM sau cổ phiếu RHC của Công ty Cổ phần Thủy điện Ry Ninh. Nhưng so với RHC thì Vĩnh Sơn-Sông Hinh là công ty có quy mô lớn gấp nhiều lần với mức vốn điều lệ là 1.250 tỷ đồng, so với 32 tỷ đồng của RHC.
Với mức vốn điều lệ như vậy, hiện Vĩnh Sơn-Sông Hinh là doanh nghiệp có quy mô vốn đứng thứ 3 thị trường, chỉ sau Sacombank (189,947 triệu cổ phiếu – tương đương gần 1.900 tỷ đồng) và Vinamilk (159 triệu cổ phiếu - tương đương 1.590 tỷ đồng).
Trong phiên giao dịch đầu tiên, đã có tổng cộng 74.370 cổ phần VSH được chuyển nhượng thông qua khớp lệnh, trị giá 2,64 tỷ đồng. Kết thúc phiên giao dịch, không còn dư mua ở mức giá đóng cửa của cổ phiếu này trong khi dư bán ở mức giá này là 8.370 cổ phần.
Theo một số nhà đầu tư có mặt tại Công ty chứng khoán Ngân hàng ngoại thương (VCBS) trưa 18/7, giá chào sàn của VSH trong phiên giao dịch hôm nay là tương đối cao bởi so với giá trong phiên cuối cùng trên sàn Hà Nội chỉ đạt 35.100 đồng/cổ phiếu trong khi VSH lên sàn đúng thời điểm các cổ phiếu trên TTGDCK TP.HCM đang trong xu hướng đi xuống, kể cả cổ phiếu ngân hàng Sacombank. Và nếu tính theo giá chào sàn 35.500 đồng thì hiện chỉ số giá/lợi nhuận 1 cổ phiếu (P/E) VSH đang đứng ở mức 49,6 lần, khá cao so với mức P/E trung bình khoảng 20 lần.
Trước đó, ngày 14/7/2005, Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã niêm yết trên Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. Sau một năm qua 155 phiên giao dịch, đã có 49,25 triệu lượt cổ phiếu được giao dịch thành công. Giá tại phiên cuối cùng ngày 3/7/2006 đạt 35.100 đồng/cổ phiếu.
Vĩnh Sơn-Sông Hinh cũng là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện “chuyển sàn” từ Trung tâm Hà Nội sang Trung tâm TP.HCM.
Như vậy, với sự góp mặt của VHS, TTGDCK TP.HCM hiện có 42 cổ phiếu tham gia niêm yết với tổng giá trị niêm yết đạt gần 7.593 tỷ đồng. Tổng mức vốn hoá thị trường đạt trên 47.500 tỷ đồng.
Vĩnh Sơn - Sông Hinh hiện đang sở hữu 2 nhà máy thủy điện là Vĩnh Sơn tỉnh Bình Định và Sông Hinh tỉnh Phú Yên, có công suất 70MW, sản lượng điện thương phẩm hàng năm là 715 triệu KWh. Hiện tại, Nhà nước đang sở hữu 750 tỷ đồng, chiếm 60% vốn điều lệ của công ty; nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 8,66%. Doanh thu hàng năm của doanh nghiệp này khoảng 400 tỷ đồng.
Về chiến lược đầu tư phát triển, Công ty đã xây dựng một kế hoạch đầu tư các dự án thủy điện từ nay đến 2012 gồm khoảng 5 - 7 dự án, với tổng số vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, để nâng năng lực sản xuất lên khoảng 4 - 5 lần so với thời điểm bắt đầu cổ phần hóa.
Theo tính toán Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), trong 20 năm tới nhu cầu điện tại Việt Nam sẽ phải tăng từ 15-17% mỗi năm. Và mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 5 tỷ USD đầu tư cho các công trình điện. Đây là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong ngành. Việc lên sàn sẽ giúp các doanh nghiệp này huy động vốn thực hiện các dự án này.