Ảnh minh họa: PressTV
Tuyên bố trên được các quan chức IAEA đưa ra tại một hội thảo nhằm thảo luận về lợi ích của năng lượng hạt nhân cũng như các biện pháp phát triển năng lượng hạt nhân an toàn với môi trường vừa diễn ra tại thủ đô Vienna (Áo).
Theo nhận định của IAEA thì hiện năng lượng hạt nhân đang ngày càng được chấp nhận rộng rãi tại nhiều quốc gia với vị trí là một nguồn năng lượng sạch và ổn định, có thể giúp giảm thiểu những tác động của thay đổi khí hậu.
Số liệu của IAEA cho thấy hiện đã có 60 nước đang phát triển đã tham vấn IAEA về phát triển năng lượng hạt nhân như là giải pháp cho nhu cầu năng lượng tăng vọt trong tương lai cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của 1,4 tỷ người chưa được tiếp cận nguồn năng lượng điện. Nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng 50% vào năm 2030, trong đó 70% là từ các nước đang phát triển. Nguồn năng lượng này sẽ giúp nâng cao năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh quốc gia của họ nên ngày càng nhiều nước đang phát triển lựa chọn giải pháp phát triển năng lượng hạt nhân sau khi cân nhắc thận trọng giữa lợi ích và thách thức từ nguồn năng lượng này.
Cũng theo IAEA thì hiện nhiều quốc gia đang sở hữu các cơ sở hạt nhân trên thế giới đang lên kế hoạch xây dựng các lò phản ứng mới nhằm nâng cao công suất. Theo tính toán của IAEA thì chi phí để xây dựng một nhà máy năng lượng hạt nhân là không hề thấp. Với chi phí như hiện nay, một nước phải mất đến từ 2-4 tỷ USD để xây dựng một nhà máy năng lượng hạt nhân với công suất 1000 megawatt, tuy nhiên, một khi đã hoàn thiện thì chi phí vận hành các nhà máy này lại không hề tốn kém. Bên cạnh đó, IAEA cũng nhấn mạnh rằng, quyền tiếp cận và phát triển năng lượng hạt nhân không nên bị hạn chế trong phạm vi các quốc gia phát triển mà cần được mở rộng ra các nước đang phát triển.
Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho biết, vào năm 2030, sẽ có từ 10-25 nước đang phát triển sẽ hòa nguồn điện hạt nhân lên lưới điện quốc gia. Hiện nay, 12 nước đang thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng điện hạt nhân. Khu vực có số nước đang tích cực thúc đẩy phát triển điện hạt nhân cao nhất là Đông Nam Á, sau đó là châu Phi, Trung Đông, châu Âu và Mỹ Latinh. IAEA hỗ trợ các nước này đánh giá các lựa chọn chính sách và công nghệ, cân bằng nhu cầu và nguồn cung năng lượng trong tương lai để phát triển các tổ hợp năng lượng tối ưu, nâng cao kỹ năng con người và công nghệ, cân nhắc các quyết định đào tạo con người đảm bảo đủ khả năng đáp ứng các thách thức của điện hạt nhân như an toàn, an ninh, các khuôn khổ luật pháp quốc gia và quốc tế, nâng cao năng lực quốc gia….IAEA sẽ cung cấp các nguyên tắc chỉ đạo về các tiêu chuẩn an toàn và an ninh năng lượng hạt nhân cũng như tạo các diễn đàn để các nước phát triển nguồn năng lượng này có thể trao đổi kinh nghiệm về các chương trình điện hạt nhân quốc gia, đảm bảo sự minh bạch và tuân thủ nghiêm ngặt các hiệp định quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân./.