Tin thế giới

Nhật Bản ráo riết tiến vào thị trường điện mặt trời

Thứ bảy, 27/11/2010 | 23:46 GMT+7

Nhật Bản ráo riết tiến vào thị trường điện mặt trời

Nhu cầu tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế đang trở thành một xu thế khó đảo ngược trong bối cảnh thế giới nhận thức ngày càng rõ hơn những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu. Sản xuất điện từ năng lượng Mặt trời (điện mặt trời) là một trong những nguồn năng lượng xanh và sạch được con người lựa chọn.

Theo nguồn tin công nghiệp, Công ty Thiết kế và đóng tàu Mitsui (Nhật Bản) đã xây dựng một nhà máy sản xuất điện mặt trời thí điểm ở Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).


Trong khi đó, khu vực sa mạc nóng bỏng mênh mông rộng lớn ở Tunisia được cho là nơi phù hợp để triển khai mô hình hợp tác khai thác điện mặt trời đầu tiên của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản hiện thực sự quan tâm đến ngành công nghiệp điện mặt trời ở Tunissia, chấm dứt một thời gian dài ngành công nghiệp này bị xao nhãng.

Trong tháng tới, các công ty Nhật Bản sẽ bắt đầu điều tra thực địa tại một khu vực sa mạc Bắc Phi chuẩn bị cho dự án cùng xây dựng nhà máy điện mặt trời với chính phủ Tuynisia, nơi Nhật Bản đã thắng thầu. Sau ba thập kỷ xao nhãng, Nhật Bản giờ đây đang xúc tiến xuất khẩu công nghệ sản xuất điện mặt trời sang các nước khác.

Thứ trưởng kỳ cựu Tadahiro Matsushita của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản đã đi thăm nhà máy thí điểm sản xuất điện mặt trời ở UAE vào tháng 1/2010. Ông Matsushita cho biết: “Chúng tôi muốn phát triển thêm những công nghệ này của Nhật Bản”. Một tổ chức chính phủ của UAE và Công ty Dầu lửa Cosmo của Nhật Bản đã chi 1 tỷ yên (12 triệu USD) cho các hoạt đông nghiên cứu tiền khả thi.


Hồi những năm 1980, Chính phủ Nhật Bản và khu vực tư nhân đã cùng thực hiện “Kế hoạch Ánh dương" phát triển công nghệ điện mặt trời. Tuy nhiên, Tokyo đã ngừng ủng hộ dự án này suốt 30 năm qua do hiệu suất phát điện kém và cho rằng công nghệ này sẽ khó phát triển do Nhật Bản không có nhiều ánh nắng mặt trời.


Tình hình đã thay đổi khi chính phủ do đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lãnh đạo quyết định xuất khẩu cơ sở hạ tầng, như các nhà máy điện hạt nhân, đường sắt cao tốc và hệ thống cấp thoát nước, coi đây là mũi nhọn trong chiến lược tăng trưởng của Nhật Bản.


Nhu cầu về điện mặt trời gia tăng nhanh chóng ở các khu vực sa mạc, nhưng những các thị trường tiềm năng ở Trung Đông và Bắc Phi đã bị các doanh nghiệp châu Âu chiếm chỗ từ trước. Do đó, Nhật Bản đang hết sức nỗ lực để chen chân vào thị trường giàu tiềm năng này.


Sau khi các quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản sang Ai Cập, Morocco và Tunisia để rao bán công nghệ điện mặt trời tiên tiến, Tokyo đã đạt được một thỏa thuận với chính phủ Tunisia vào tháng 7/2010 về việc khởi công xây dựng liên doanh sản xuất điện mặt trời.  Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ 3 tỷ yên cho các doanh nghiệp Nhật Bản xây dựng nhà máy này.


Một quan chức Công ty Thiết kế và đóng tàu Mitsui đã hoan nghênh sự thay đổi chính sách này, coi đây là một bước tiến quan trọng cho các công ty Nhật Bản tìm kiếm các hợp đồng xây dựng nhà máy trong tương lai.


Tuy nhiên, Nhật Bản không phải là nước duy nhất tăng cường nỗ lực giúp khu vực tư nhân thắng thầu ở nước ngoài. Nhật Bản đã thành công bước đầu sau khi UAE cuối năm 2009 dành hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho các công ty Hàn Quốc vốn nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ Tổng thống Lee Myung-bak và Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc.


Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi, ông Hideaki Omiya, cho biết: “Sự trợ giúp mạnh mẽ của chính phủ đã tạo ra bước đột phá đầu tiên. Chỉ có điều, chúng tôi được yêu cầu leo núi, trong khi hoàn toàn chưa biết rõ địa hình ngọn núi ra sao?”

Theo: (Tamnhin.net)